Nỗ lực gỡ “thẻ vàng” của ngư dân Nghệ An vẫn gặp khó
Vẫn khó kiểm soát
Những năm gần đây, ý thức của các ngư dân ở Nghệ An đã được nâng cao rõ rệt trong nỗ lực gỡ “thẻ vàng” thuỷ sản của IUU. Qua đó, số vụ tàu cá của ngư dân Nghệ An vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản giảm mạnh, góp phần gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EU) đối với Việt Nam.
Đoàn kiểm tra liên ngành Nghệ An xử phạt thuyền viên, người làm việc trên tàu cá không mang theo giấy tờ tùy thân khi hoạt động thủy sản trên biển. Ảnh: Chi cục Thủy sản Nghệ An |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An, hiện tại đã có 92,63% tàu cá lắp thiết bị giám sát hành trình (VBS). Đây là một trong những kết quả nổi bật của quá trình nỗ lực chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (khai thác IUU), góp phần cùng ngành thủy sản cả nước gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu.
Ban Chỉ đạo IUU tỉnh Nghệ An thông tin, đến hết tháng 9, Nghệ An mới có 1.133/1.167 tàu cá đã được lắp VMS, đạt tỷ lệ 97,09%. Tuy nhiên, trên Hệ thống giám sát tàu cá quốc gia, số lượng tàu cá lắp đặt VMS của Nghệ An mới chỉ đạt 92,63% (1.081 chiếc) nên rất khó để thuyết phục EC. Ngư dân các huyện đã kiến nghị hỗ trợ bổ sung thay thế Movimar bằng thiết bị VMS mới nhưng chưa được. Ngoài số tàu ngắt tín hiệu VMS trên, tỉnh còn 34 tàu cá chưa lắp VMS, trong đó, 5 tàu đã lắp thiết bị nhưng chưa kích hoạt; 17 tàu nằm bờ nên không kích hoạt, 7 chiếc đang làm thủ tục cải hoán và chuyển chủ; 5 tàu bị kê biên, chuyển nhượng hoặc nằm bờ nhưng chủ tàu đi vắng.
Đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sở dĩ tỷ lệ tàu lắp đặt VMS của Nghệ An còn chênh nhau là do địa phương có 52 thiết bị Movimar được trang bị trước đây nay bị hư hỏng và cắt dịch vụ, hiện Tổng cục Thủy sản đưa vào diện chưa lắp.
Nhiều hạn chế được nêu ra, đó là tình trạng tàu cá mất kết nối VMS trên biển ngày càng tăng. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm, có 8.403 lượt tàu, gồm 3.430 lượt tàu cá trên 15m - 24m và 4.973 lượt tàu cá có chiều dài trên 24m trở lên vi phạm mất kết nối. Đáng chú ý, có 224 tàu cá mất kết nối VMS quá 10 ngày trên biển thuộc diện phải xử lý thì có 90 lượt tàu có chiều dài từ 15m - 24m và 134 lượt tàu có chiều dài từ 24m trở lên. Cùng với đó số tàu cá vượt qua đường ranh giới cho phép trên biển là 218 lượt tàu nên rất đáng ngại.
Tổ công tác liên ngành kiểm tra các thủ tục giấy tờ cần thiết khi hoạt động trên biển. Ảnh: Chi cục Thủy sản Nghệ An |
Đại diện Chi cục Thủy sản Nghệ An xác nhận, có nhiều nguyên nhân dẫn đến mất kết nối VMS là do thiết bị cũ nát, hư hỏng, hệ thống điện cung cấp cho thiết bị VMS hoạt động bị hỏng hoặc tàu về cảng kết thúc chuyến biển nên chủ tàu tắt nguồn thiết bị, hết hạn cước thuê bao; ngư dân lấy lý do sợ chập cháy hoặc đánh bắt trái phép nên tắt nguồn... Mặt khác, một phần chất lượng dịch vụ trên VMS chưa đảm bảo nên khó để xử lý.
Hạn chế tiếp theo là về sản lượng khai thác. Theo quy định, sản lượng đánh bắt thống kê qua cảng được phép chênh lệch 20% so với thực tế. Tuy nhiên, do tỷ lệ sản lượng giám sát, sản lượng khai thác tại các cảng Nghệ An còn khá thấp và nhiều tàu cá chưa vào cảng bốc hàng nên số liệu chưa chắc chắn. Mặt khác, mặc dù EC khuyến cáo hải sản đánh bắt xuất khẩuphải có nguồn gốc, nhưng từ năm 2020 đến nay, chưa có tàu nào của tỉnh xin xác nhận truy xuất...
Trên cơ sở kiểm tra, giám sát, 9 tháng đầu năm 2022, cơ quan chức năng của tỉnh đã phát hiện 83 lượt/79 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, trong đó, có 4 tàu vi phạm 2 lần; xử lý 7 tàu với tổng số tiền phạt là 175 triệu đồng về hành vi “Không duy trì thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m”, tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng 4 tháng 15 ngày với 2 tàu; tiếp tục điều tra, xác minh các trường hợp còn lại để xử lý theo quy định của pháp luật; qua 15 chuyến tuần tra, kiểm soát trên biển 116 ngày, đoàn liên ngành đã kiểm tra 1.210 lượt phương tiện, phát hiện và xử lý 62 vụ/62 đối tượng/61 phương tiện, xử phạt số tiền 211,3 triệu đồng.
“Chạy nước rút” trước kỳ kiểm tra của EC
Về thực trạng chung ở Nghệ An, ông Trần Như Long - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nghệ An thông tin, nhiều năm nay, trong khi các đội tàu đánh bắt ngày càng tăng, các quy định về đánh bắt thủy, hải sản ngày càng chặt chẽ hơn, nhưng thói quen đánh bắt của ngư dân chưa thay đổi nhiều, vẫn dựa vào truyền thống. Bên cạnh đó, hạ tầng nghề cá đang thiếu thốn, bất cập nên quản lý vô cùng khó khăn.
Trao tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân yên tâm vươn khới bám biển. Ảnh: Chi cục Thủy sản Nghệ An |
Tại Nghệ An, Vịnh Bắc bộ là ngư trường chính, nhưng do Hiệp định Phân định ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc đã hết hiệu lực và 2 nhà nước chưa ký nên để sang vùng đánh bắt chung, các tàu phải được cấp phép, nếu không sẽ bị coi là vi phạm.
Vì vậy, thời gian qua quản lý hoạt động khai thác ngày càng áp lực hơn. Từ năm 2019 đến nay, để thực hiện các quy định về đánh bắt và chống đánh bắt không theo quy định IUU, Nghệ An đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con ngư dân, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản triển khai Luật Thủy sản.
Cùng với ban hành chính sách hỗ trợ ngư dân đi biển, địa phương này còn thành lập Tổ liên ngành kiểm soát tàu thuyền ra, vào cảng; chấn chỉnh đăng kiểm tàu cá; thành lập các đoàn liên ngành thường xuyên tuần tra tuyên truyền, nhắc nhở và xử lý các hoạt động khai thác trái phép, bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ.
Từ cuối năm 2021, tỉnh Nghệ An giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh kiểm tra, lập danh sách tàu cá vi phạm IUU và tàu cá có nguy cơ cao vi phạm IUU để định kỳ hàng tuần, hàng tháng gửi cấp có thẩm quyền phương án xử lý.
Nhằm triển khai công việc nước rút trước khi đón đoàn của EC sang kiểm tra, tại Nghệ An, ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo IUU tỉnh yêu cầu Ban quản lý cảng cá và các huyện phối hợp rà soát lại số liệu về sản lượng khai thác; tiếp tục tuyên truyền và tăng cường kiểm tra, giám sát đối với tàu chưa lắp hoặc mất tín hiệu kết nối VMS; làm rõ tình hình các tàu cá nằm bờ, không duy trì kết nối, tàu đã chuyển nhượng thì làm thủ tục để xóa VMS trên hệ thống.
Hiện tại, để hỗ trợ ngư dân và từng bước gỡ Thẻ vàng, Nghệ An đang xây dựng chính sách riêng hỗ trợ ngư dân đánh xa bờ, theo đó, cùng với kinh phí duy trì kết nối VMS hàng tháng, các tàu cá được lắp Movimar trước đây được hỗ trợ lắp thiết bị mới.
Nghệ An có bờ biển dài trên 82km, diện tích vùng biển gần 9.000km2, tiềm năng khai thác hải sản rất lớn. Với đội tàu lên tới 3.420 chiếc, trong đó, có 2.523 tàu từ 6m trở lên nên cường lực đánh bắt khá lớn; ngành nghề khai thác hải sản lại đa dạng; hàng năm sản lượng đánh bắt xấp xỉ 200.000 tấn. Thời điểm cao nhất, toàn tỉnh có 16.982 lao động đánh bắt, trong đó, đánh bắt vùng khơi là 8.728 người, vùng lộng là 3.114 người và vùng ven bờ là 5.140 người. |