Ninh Thuận đề xuất phát triển 4.600 MW điện khí LNG thay thế điện hạt nhân
Điều kiện thuận lợi, định hướng rõ ràng
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Ninh Thuân nêu rõ, thực hiện các văn bản của Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội, Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ, trong đó có nội dung ưu tiên xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước và nghiên cứu phát triển Tổ hợp điện khí, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Cà Ná với quy mô phù hợp. Ninh Thuận đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1, công suất 1.500MW vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tiến độ vận hành năm 2025 - 2026; các giai đoạn tiếp theo sẽ được xem xét cụ thể trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).
Bên cạnh đó, thực hiện văn bản số 69/TTg-CN ngày 23/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về lựa chọn Nhà đầu tư thực hiện dự án Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1, công suất 1.500MW, đến nay Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành quyết định công nhận các Nhà đầu tư đáp ứng sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm và tổ chức đấu thầu rộng rãi quốc tế để lựa chọn Nhà đầu tư thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu và Nghị định số 25/2020/NĐ-CP của Chính phủ, đồng thời triển khai các hạng mục công việc liên quan với quyết tâm hoàn thành, đưa dự án vào hoạt động trong quý II/2026.
Bản đồ Quy hoạch Tổ hợp điện khí, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Cà Ná |
Một lý do khác mà Ninh Thuận lấy làm căn cứ để đề xuất phát triển điện khí LNG là trong Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, cảng Cà Ná đã được quy hoạch thành cảng tổng hợp. Theo các nghiên cứu, khảo sát, cảng Cà Ná là địa điểm duy nhất thuận lợi xây dựng cảng biển nước sâu có khả năng tiếp nhận tàu LNG thương mại lên đến 250.000 m3, khu vực có địa chất tốt, không phải xử lý nền. Đây cũng là yếu tố thuận lợi cạnh tranh về giá thành nguyên liệu đầu vào so với thực tế và lâu dài là nguyên liệu vận hành các nhà máy LNG Việt Nam hiện nay và tương lai chủ yếu được nhập khẩu vì nguyên liệu trong nước không đủ đáp ứng. Điều này phù hợp với định hướng phát triển nguồn điện trong dự thảo Quy hoạch điện VIII là: “Đẩy mạnh phát triển các trung tâm nguồn điện sử dụng LNG với quy mô đủ lớn để đảm bảo hiệu quả kinh tế của dự án, ưu tiên phát triển tại các khu vực có nhu cầu điện lớn, thuận lợi đầu tư cơ sở hạ tầng kho cảng, có khả năng mở rộng trong tương lai”.
Trên thực tế, là một tỉnh nghèo, nhiều khó khăn nhưng tận dụng lợi thế “nắng, gió” cũng như vị trí địa lý thuận lợi ở Nam Trung Bộ, Ninh Thuận đã sớm định hướng và xác định rõ ràng chiến lược phát triển bền vững, trong đó lựa chọn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch là một trong những trụ cột ưu tiên. Sau khi có Nghị quyết của Chính phủ, Ninh Thuận đã đưa ra các cơ chế khuyến khích thu hút đầu tư và đã tạo được sự phát triển đột phá trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, không chỉ đóng góp sản lượng điện đáng kể cho hệ thống điện quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu mà còn thúc đẩy nhiều ngành kinh tế công nghiệp, dịch vụ phát triển, tạo nguồn lực phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động của địa phương cũng như cả vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Tạo đòn bẩy phát triển kinh tế xã hội
Trước đây, Ninh Thuận đã được chọn để phát triển nguồn điện hạt nhân có công suất 4.600 MW (Quy hoạch điện VII điều chỉnh), tuy nhiên theo chủ trương của Quốc hội tại Nghị quyết số 31/2016/QH14 về việc dừng điện hạt nhân. Do đó, việc thay thế phần quy mô công suất điện hạt nhân này bằng 4.600 MW điện khí LNG Cà Ná trong quy hoạch điện VIII giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 là thật sự cần thiết, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, theo đúng quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, nhằm phát huy hiệu quả đầu tư của dự án Trung tâm điện khí LNG Cà Ná, cảng biển tổng hợp Cà Ná của tỉnh Ninh Thuận. Đồng thời, góp phần thực hiện kịp thời, có hiệu quả Nghị quyết số 31/2016/QH14, ngày 22/11/2016 của Quốc hội; Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 115/NQ-CP, ngày 31/8/2018 của Chính phủ.
Phối cảnh 3D của dự án cảng Tổng hợp Cà Ná |
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc quy hoạch phát triển trung tâm điện khí LNG quy mô lớn, hiện đại sẽ đáp ứng được các tiêu chí về môi trường, góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính; góp phần giảm chi phí đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, giám sát; vận chuyển khí; thuận tiện cho truyền tải, điều độ, an toàn, ổn định hệ thống điện, cân bằng cơ cấu nguồn điện từ đó giảm chi phí sản xuất . Mặt khác, sẽ dễ dàng thu hút những nhà đầu tư lớn, có năng lực thực hiện dự án; giảm áp lực về tài chính cho ngành điện cũng như áp lực tăng giá điện về lâu dài so với các dự án đơn lẻ; đồng thời góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Trong quá trình xây dựng và đưa vào vận hành, dự án còn thúc đẩy các ngành công nghiệp, vận tải và dịch vụ, tạo đòn bẩy cho địa phương và cả khu vực phát triển kinh tế, xã hội mang tính bền vững.
Theo ông Trần Quốc Nam – Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, việc phát triển điện khí LNG Cà Ná sẽ là động lực quan trọng và quyết định cho yêu cầu thay thế kịch bản tăng trưởng kinh tế- xã hội của tỉnh Ninh Thuận sau khi có chủ trương dừng xây dựng nhà máy điện hạt nhân, góp phần khai thác hiệu quả lợi thế cảng biển nước sâu Cà Ná, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và an toàn hệ thống điện, ổn định, cân bằng nguồn điện cho các dự án điện gió, điện mặt trời, thay thế nguồn điện hạt nhân đã dừng triển khai, đồng thời góp phần phát triển kinh tế-xã hội, ổn định đời sống nhân dân tỉnh Ninh Thuận trong giai đoạn tới.