Ninh Bình: Du lịch dần “hồi sinh”
Cùng với nhiều địa phương khác trong cả nước, Ninh Bình là một trong các điểm đến có số lượng khách du lịch tăng mạnh trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022, với 180 nghìn lượt khách, tăng 35,52% so với Tết năm 2021. Đây là tín hiệu vui đầu năm đối với ngành du lịch Ninh Bình, cũng là động lực khích lệ tinh thần các doanh nghiệp, người lao động địa phương vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19. Qua đó, từng bước thực hiện mục tiêu trong năm 2022, Ninh Bình phấn đấu đón 3,5 triệu lượt khách du lịch và từ tháng 7/2022 sẽ mở cửa đón khách quốc tế, phấn đấu doanh thu du lịch đạt khoảng 2.000 tỷ đồng.
Nhiều năm qua, Ninh Bình được bình chọn là điểm đến du lịch hấp dẫn nhất cả nước |
Ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình - cho biết: “Nhằm kịp thời hỗ trợ, động viên các doanh nghiệp từng bước phục hồi và phát triển, ngành du lịch địa phương sẽ tập trung đẩy nhanh việc tham mưu các cấp có thẩm quyền xây dựng và triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ về tài chính, việc làm và đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp, cộng đồng tham gia làm du lịch theo các quy định”.
Bên cạnh đó, Sở sẽ tập trung tham mưu xây dựng và ban hành Nghị quyết về chính sách phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh. Xây dựng kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp, cộng đồng và người dân tham gia kinh doanh du lịch, đổi mới mô hình kinh doanh, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mới đảm bảo an toàn, linh hoạt trong bối cảnh dịch bệnh, phù hợp với nhu cầu và xu hướng thị trường trong và sau đại dịch. Khuyến khích doanh nghiệp nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác xây dựng chuỗi sản phẩm, dịch vụ có tính bổ trợ cho nhau, bổ sung giá trị gia tăng cho các sản phẩm du lịch. Thực hiện đồng bộ các giải pháp xúc tiến, quảng bá du lịch mạnh mẽ tại các thị trường trọng điểm trong nước, kích cầu du lịch nội địa về các điểm đến du lịch và quy trình du lịch an toàn. Nghiên cứu kinh nghiệm trong nước và quốc tế về áp dụng mô hình bong bóng du lịch, thí điểm đón khách quốc tế; đề xuất thiết lập cơ chế hợp tác với các tỉnh kiểm soát tốt dịch bệnh để tạo hành lang du lịch an toàn, góp phần dần hồi phục và phát triển thị trường khách du lịch.
Những năm qua, Ninh Bình là một trong các tỉnh phát triển về du lịch, được bình chọn là điểm đến hấp dẫn khách du lịch nhất cả nước. Ông Bùi Văn Mạnh cho biết thêm, để định vị và phát triển thương hiệu điểm đến, tăng sức hút mạnh mẽ hơn với du khách, tỉnh đã xác định đặc trưng của du lịch gắn với hình ảnh, giá trị “Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, di tích quốc gia đặc biệt lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư hướng tới chất lượng, chuyên nghiệp, hiệu quả và bền vững”. Đây là trụ cột, động lực để phát huy các giá trị, tài nguyên khác của tỉnh.
“Dựa trên định hướng này, ngành kinh tế xanh của Ninh Bình sẽ tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch có “hàm lượng văn hóa cao”, nâng cao chất lượng dịch vụ, coi chất lượng của các sản phẩm du lịch, dịch vụ là lợi thế cạnh tranh; chú trọng xây dựng, phát triển thương hiệu điểm đến du lịch của tỉnh bằng sản phẩm du lịch độc đáo, dịch vụ có chất lượng, môi trường du lịch an toàn, thân thiện và hấp dẫn”- ông Mạnh nêu rõ.
Đến năm 2025, tỉnh Ninh Bình phấn đấu thu hút được 8 triệu lượt khách du lịch, tổng thu du lịch đạt trên 8.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho 23.000 lao động trở lên. Đến năm 2030 thu hút 12 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 2 triệu khách quốc tế, tổng thu du lịch đạt 18.660 tỷ đồng, tạo việc làm cho 43.700 lao động. |