Niềm vui của các cổ đông khi được nhận 'tiền tươi, thóc thật' từ cổ phiếu 'vua'
Với việc nắm giữ 50 nghìn cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, mã chứng khoán MBB), chị Nguyễn Mỹ Linh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) vừa nhận được 25 triệu đồng tiền cổ tức của ngân hàng này. Chia sẻ niềm vui khi nhận được “tiền tươi thóc thật” từ đầu tư cổ phiếu chị Linh cho biết, năm ngoái chị nhận được 10 triệu đồng tiền cổ tức từ mã MBB nên năm nay chị quyết định đầu tư thêm và giữ mã chứng khoán này lâu hơn. “Thật may mắn là từ đầu năm đến nay MBB tăng hơn 30% - cán mốc 25.400 đồng/cổ phiếu - đạt mức đỉnh cao nhất trong lịch sử niêm yết, cộng với việc nhận được 5% cổ tức bằng tiền mặt nên tôi cảm thấy rất may mắn, niềm vui như được nhân đôi và quyết định của mình rất đúng đắn” - chị Linh vui mừng chia sẻ.
Tương tự, anh Trần Tuấn Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho biết, vừa nhận được 20 triệu đồng cổ tức từ Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Với kinh nghiệm nhiều năm đầu tư vào thị trường chứng khoán, anh Trần Tuấn Anh chia sẻ, việc các đơn vị niêm yết trả cổ tức bằng tiền mang lại cảm giác chắc chắn cho cổ đông. Nhất là khi thị trường có nhiều biến động, nhà băng trả cổ tức bằng tiền cũng cho thấy họ có dòng tiền vững mạnh, là lựa chọn an toàn khi đầu tư.
Các nhà băng đã chi trả hàng nghìn tỷ đồng tiền cổ tức cho cổ đông |
Theo thống kê, trong 2 quý đầu năm nay, các nhà băng lớn như: MB, Techcombank, ACB, VIB hay VPBank đều đã tiến hành chia cổ tức bằng tiền mặt cho các cổ đông. Tổng số tiền các nhà băng này thông báo chi trả cho cổ đông vào cuối tháng 5 và tháng 6 vừa qua lên tới hơn 20.000 tỷ đồng.
Cụ thể, trong tháng 6, cổ đông ACB đã được trả cổ tức bằng tiền theo tỷ lệ 10% (1 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng). Với gần 3,9 tỷ cổ phiếu lưu hành, ước tính ACB đã chi ra 3.884 tỷ đồng để trả cổ tức. Lãnh đạo ACB cho biết, tỷ lệ chi trả cổ tức này dự kiến tiếp tục áp dụng cho năm 2024 với mức tương ứng hơn 11.000 tỷ đồng.
Cũng trong tháng 6, MB đã hoàn tất việc chi trả cổ tức tiền mặt theo tỷ lệ 5% cho cổ đông (1 cổ phiếu nhận 500 đồng), tương ứng hơn 2.653 tỷ đồng. Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp, MB trả cổ tức bằng tiền mặt. Tháng 7/2023, nhà băng này đã chi ra gần 2.300 tỷ đồng trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông.
VPBank cũng là ngân hàng đã hoàn tất việc chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 10% (1 cổ phiếu nhận được 1.000 đồng). Số tiền mà ngân hàng sử dụng để chia cổ tức trong đợt này là gần 8.000 tỷ đồng.
Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp, VPBank thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt. Trước đó, vào cuối năm 2023, nhà băng này đã chi gần 8.000 tỷ để trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông cũng với tỷ lệ 10%. Chủ tịch HĐQT VPBank - Ngô Chí Dũng cho biết, ngân hàng dự kiến duy trì hoạt động chia cổ tức này trong ít nhất 4 năm tới.
Cổ đông chia sẻ niềm vui khi nhận được “tiền tươi, thóc thật” từ đầu tư cổ phiếu |
Techcombank cũng đã dành hơn 5.000 tỷ đồng chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15% cho cổ đông. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên, Techcombank chia cổ tức tiền mặt sau hơn 10 năm.
Tại phiên họp cổ đông thường niên 2024, Tổng giám đốc Techcombank - Jens Lottner cho biết, việc thay đổi chính sách chi trả cổ tức dựa trên đánh giá về tiềm năng lợi nhuận, tình hình vốn và những dự báo về thay đổi chính sách.
Theo Tổng giám đốc Techcombank, điều này sẽ đảm bảo dòng tiền thường xuyên cho cổ đông, khi vừa có thu nhập trực tiếp đến từ kết quả kinh doanh hàng năm, trong khi vẫn tối ưu hóa lợi ích từ tiềm năng tăng giá.
Giữa tháng 5 vừa qua, VIB cũng đã hoàn tất việc trả cổ tức tiền mặt còn lại năm 2023 với tỷ lệ 6,5%, tương ứng 1 cổ phiếu được nhận 650 đồng. Với hơn 2,5 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, VIB đã chi gần 1.650 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông.
Trước thời gian dịch Covid - 19 xảy ra, nhiều ngân hàng thường lên kế hoạch chia cổ tức 2 phần tiền mặt và cổ phiếu. Nhưng năm 2020 - 2022, theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng phải dành nguồn lực giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp giai đoạn 3 năm Covid - 19 (từ 2019 - 2021), các ngân hàng không chia cổ tức tiền mặt.
Tuy nhiên, đến đầu năm 2023, khi ban hành Chỉ thị số 01 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã không còn yêu cầu các ngân hàng thương mại không chia cổ tức bằng tiền mặt. Như vậy, nếu không có sự hạn chế từ cơ quan có thẩm quyền, nhiều ngân hàng đã lên kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông.
Trên thực tế, hầu hết các nhà đầu tư đều thích được nhận cổ tức bằng tiền mặt hơn vì “tiền tươi thóc thật” bao giờ cũng tốt hơn. Một chuyên gia kinh tế cũng nhận xét: “Trong nền kinh tế, về cơ bản có sẵn tiền mặt vẫn là vua”.