Chủ nhật 22/12/2024 21:45

Những ấn tượng khi 5 lần Bác Hồ về thăm Bắc Giang

Nhân dân tỉnh Bắc Giang vinh dự, tự hào khi 5 lần được đón Bác Hồ về thăm và động viên. Những địa điểm lưu dấu chân của Người đã trở thành di tích lịch sử.

Lần thứ nhất, tháng 5/1946

Vào một buổi sáng tháng 5/1946, không báo trước, Bác Hồ về thăm Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Giang. Với tác phong giản dị, sâu sát, Bác đi thăm nhà bếp, nhà vệ sinh, hỏi thăm sức khỏe, chế độ sinh hoạt của những người làm việc ở đây. Sau đó, Người đi thăm bộ đội ở trại Vệ Quốc đoàn, Trường Trung học Hoàng Hoa Thám, nhà thương bản xứ (nay là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang).

Sau khi gặp mặt đại diện các đoàn thể (thanh niên, phụ nữ, phụ lão cứu quốc), các nhà sư và cha cố... Người thay mặt Chính phủ kêu gọi quân dân Bắc Giang hãy tích cực tăng gia sản xuất, thực hiện khẩu hiệu "Tấc đất, tấc vàng", phải học để biết chữ và chuẩn bị sẵn sàng chống giặc ngoại xâm.

Nhân dân tỉnh Bắc Giang vinh dự, tự hào khi nhiều lần được đón Bác Hồ về thăm và động viên. Những địa điểm lưu dấu chân của Người đã trở thành di tích lịch sử. (Ảnh: Tư liệu tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang)

Trước khi về Hà Nội, Bác còn đi thăm giáo dân và các tu sĩ ở nhà thờ Đạo Ngạn (nay là Thị xã Việt Yên). Tại đây, Bác biểu dương nhân dân Việt Yên, trong đó có giáo dân đã cùng nhân dân cả nước anh dũng đấu tranh giành độc lập dân tộc, nay lại đang kiên quyết đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.

Người khuyên lương - giáo phải đoàn kết một lòng để đánh đuổi giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Được Bác Hồ về thăm, Đảng bộ và quân dân trong tỉnh vô cùng phấn khởi, quyết tâm thực hiện tốt lời kêu gọi của Người, tăng cường đoàn kết, hăng hái sản xuất, chuẩn bị lực lượng, vững lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng.

Lần thứ hai, ngày 24/1/1955

Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ được ít lâu, cầu Phủ Lạng Thương được ta lật xuống lòng sông, ngăn chặn bước tiến của quân thù để giữ vững Đông Bắc - Việt Bắc. Khi bóng quân xâm lược không còn trên miền Bắc, cùng với việc hàn gắn vết thương chiến tranh, cầu Phủ Lạng Thương được tiến hành xây dựng lại.

Bác Hồ thăm công trường xây dựng cầu Phủ Lạng Thương, thị xã Bắc Giang (nay là TP. Bắc Giang) ngày 24/1/1955. (Ảnh: Tư liệu tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang)

Vào dịp sắp khánh thành, nhân dân Bắc Giang và cán bộ, công nhân đội cầu vui mừng được đón Bác đến thăm. Bác đã đi trên những nhịp cầu còn đang dang dở, thân mật hỏi thăm mọi người. Bác Hồ phân tích kỹ tầm quan trọng của tuyến đường Hà Nội - Mục Nam Quan, con đường huyết mạch nối liền đất nước ta với các nước anh em, hứa sẽ thưởng cho những người có thành tích xuất sắc nhất.

Sau đó, trong thư gửi đồng bào, cán bộ, công nhân đã góp phần hoàn thành đường sắt Hà Nội - Mục Nam Quan, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, đánh giá rất cao công lao của đồng bào: "Có được những thành tích ấy là nhờ sức sáng tạo cố gắng của cán bộ, công nhân miền Nam và miền Bắc, thanh niên xung phong và đồng bào các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang...".

Lần thứ ba, ngày 8/2/1955

Ngày 8/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm thôn Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa. Bác đi nhiều nơi, thăm các gia đình nông dân được chia quả thực, thăm nơi ở của cán bộ đoàn cải cách ruộng đất, làm việc với Ban Cán sự Đảng ủy tại đình Cẩm Xuyên, tham dự và nói chuyện tại hội nghị tổng kết cải cách ruộng đất đợt II và nhân dân tại soi Vải ven sông Cầu. Bác nêu lên những thành tích đạt được, đồng thời Bác cũng chỉ rõ những khuyết điểm cần khắc phục trong những đợt tiếp theo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm thôn Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa. (Ảnh: Tư liệu tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang)

Những lời căn dặn của Người với cán bộ và nhân dân nơi đây về việc chăm lo đời sống nhân dân, công tác cán bộ, công tác chăm lo xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể vẫn hằn sâu. Khắc ghi lời dạy của Bác, cán bộ và nhân dân Cẩm Xuyên ra sức thi đua khắc phục khó khăn xây dựng cuộc sống mới.

Lần thứ tư, ngày 6/4/1961

Ngày 6/4/1961, Bác về thăm Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ở cơ quan Tỉnh ủy, nghe đồng chí Trần Trung, Bí thư Tỉnh ủy báo cáo chương trình làm việc, mời Bác đến gặp nhân dân, cán bộ, chiến sĩ tại sân vận động thị xã Bắc Giang.

Đứng trên khán đài A sân vận động thị xã Bắc Giang (nay là khán đài B, sân vận động Bắc Giang, TP. Bắc Giang) trước hơn 3 vạn cán bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, vị lãnh tụ của Đảng, của dân tộc giản dị trong bộ quần áo màu nâu quen thuộc ân cần hỏi thăm đồng bào, cán bộ, công an, dân quân tự vệ, công nhân, các cụ phụ lão, thiếu niên, nhi đồng.

Bác nói chuyện với hơn 3 vạn cán bộ và nhân dân các dân tộc tại khán đài A sân vận động thị xã Bắc Giang - nay là khán đài B, sân vận động Bắc Giang, TP. Bắc Giang. (Ảnh: Tư liệu tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang)

Bác cảm ơn các chuyên gia nước bạn đang giúp đỡ ta xây dựng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc. Bác căn dặn mọi người ra sức thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm để góp phần xây dựng nước nhà. Sau đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mời Bác về thăm Hợp tác xã Tân An (Yên Dũng). Tại cuộc mít tinh, Người khen ngợi những thành tích Tân An đã đạt được, nhắc nhở những nhược điểm, thiếu sót để Tân An phấn đấu khắc phục, đưa hợp tác xã tiến bộ hơn nữa.

Lần thứ năm, ngày 17/10/1963

Vào dịp Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ I, ngày 17/10/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thăm nhân dân trong tỉnh, dự và chỉ đạo Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Bắc (tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh sát nhập lấy tên là tỉnh Hà Bắc). Trước khi dự Đại hội, Bác dành thời gian gặp gỡ, nói chuyện với nhân dân và cán bộ tỉnh Hà Bắc tại sân vận động Bắc Giang.

Bác bày tỏ niềm vui mừng, phấn khởi và ân cần thăm hỏi, căn dặn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ trong tỉnh phải đoàn kết, phát triển sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp, trồng cây gây rừng, cần cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật và thực hành tiết kiệm, duy trì thuần phong mỹ tục, phát triển văn hóa giáo dục, trật tự trị an.

Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Bắc, Bác huấn thị: "Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công... Nâng cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng và trước nhân dân, đó là điều chính".

Mỗi người được gặp Bác, được phục vụ Bác là niềm vinh hạnh lớn và mang theo kỷ niệm trong suốt cả cuộc đời. (Ảnh: Tư liệu tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang)

Ngoài những lần đến thăm, làm việc, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trong tỉnh, Bác còn nhiều lần gửi thư, huấn thị nhắc nhở khuyết điểm, khen ngợi các tập thể, cá nhân trong tỉnh có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua kiến quốc, đánh giặc ngoại xâm.

Mỗi người được gặp Bác, được phục vụ Bác là niềm vinh hạnh lớn và mang theo kỷ niệm trong suốt cả cuộc đời. Trong lao động và chiến đấu, có người tiêu biểu được gặp Bác, được Bác động viên đã trở thành Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang.

Khắc ghi công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người đã thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện. Từ đó đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân, điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trong xã hội.

Chính Công
Bài viết cùng chủ đề: Bác Hồ

Tin cùng chuyên mục

Khánh thành khu tái định cư thôn Làng Nủ, Kho Vàng và Nậm Tông

Thủ tướng: Mong 3 thôn Làng Nủ, Nậm Tông và Kho Vàng sớm trở thành “thôn kiểu mẫu”, “làng hạnh phúc”

Chống lãng phí ở nơi trụ cột của nền kinh tế

Nửa giờ với vị tướng cao tuổi nhất Quân đội nhân dân Việt Nam

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản chia sẻ nhiều kinh nghiệm về phát triển điện hạt nhân

XSTTH 22/12, xem kết quả xổ số Thừa Thiên Huế hôm nay 22/12/2024, xổ số Thừa Thiên Huế ngày 22/12

Cơ hội lớn cho Bộ Nông nghiệp và Môi trường

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình: Việc tinh gọn bộ máy ảnh hưởng tới khoảng 100.000 người

Thủ tướng: Đà Nẵng 'đi trước mở đường' trong định hướng xây dựng quốc gia thương mại tự do

Thủ tướng chủ trì phiên họp về thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng

Chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường tiếp tục được hoàn thiện

Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2025

Thủ tướng: Cần tạo đột phá về ngoại giao kinh tế

Tổng kiểm kê tài sản công, không để xảy ra tình trạng chậm, muộn

Việt Nam - Singapore: Hướng tới nâng cấp khuôn khổ quan hệ song phương

Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt: Xứng đáng với truyền thống quyết chiến, quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam chính quy, tinh nhuệ, hiện đại

Tổng Bí thư Tô Lâm: Quân đội luôn luôn đồng cam, cộng khổ với nhân dân trong mọi lúc, mọi nơi

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 9 luật vừa được Quốc hội thông qua

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh