Nhu cầu thực phẩm Halal phục vụ khách du lịch Hồi giáo đang gia tăng
Người Hồi giáo đang có xu hướng du lịch về Đông Nam Á
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương bên lề sự kiện trao giấy chứng nhận Halalfood và Halal Kitchen cho khu vực tầng 2 nhà hàng Spices Taste of Indian tại Hà Nội mới đây, bà Tạ Việt Hằng – Giám đốc truyền thông Công ty Halal Quốc gia Việt Nam, đồng thời là Phó Tổng giám đốc Công ty CP Halatrip cho biết: “Khách tham dự và trải nghiệm ẩm thực Halal trong sự kiện dự kiến là 90 người, nhưng trên thực tế nhà hàng đã đón tiếp số lượng lên đến hơn 300 người, tăng gấp 4 lần so với dự kiến ban đầu. Điều đó chứng tỏ, nhu cầu về thực phẩm Halal tại những nhà hàng đạt chuẩn Halal đang rất lớn”.
Đại diện Đại sứ quán Nam Phi và cộng đồng Hồi giáo Hà Nội trải nghiệm buffet Halal tại nhà hàng Spices Taste of Indian (Ảnh: Nguyễn Hoà) |
Cũng nói về nhu cầu về thực phẩm Halal tại thủ đô Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, ông Ho Sen You Sof – Giám đốc Công ty CP Halatrip cho rằng: Khách du lịch Hồi giáo đến Việt Nam chưa có thống kê cụ thể, nhưng đang gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Chia sẻ với phóng viên, ông Trần Văn Tân Cương - Giám đốc Công ty Halal Quốc gia Việt Nam cho biết, du lịch Hồi giáo đang khôi phục nhanh sau đại dịch. Từ thông tin của các đại lý tour (Agentour) cho thấy, số lượng khách Hồi giáo từ Singapore, Malaysia, Indonesia đến Việt Nam đang tăng rất nhanh. Chỉ riêng một số đại lý tour Hồi giáo ở TP. Hồ Chí Minh khai thác khách tuyến TP. Hồ Chí Minh - Đà Lạt - Mũi Né đạt từ 15-43 đoàn khách/tháng, một số nhà hàng Hồi giáo tại Hà Nội mỗi tháng đón cũng đón hàng chục đoàn khách du lịch.
Theo các chuyên gia, từ năm 2023 người Hồi giáo đang có xu hướng đi về Đông Nam Á, một khu vực còn khá mới lạ trên bản đồ du lịch Hồi giáo. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, số du khách Hồi giáo đến Malaysia và Indonesia, Thái Lan, Singapore tăng rất nhanh và giờ họ đang muốn đến Việt Nam.
Việt Nam đang là điểm đến có số du khách Hội giáo tăng lên đáng kể, nguyên nhân là do Việt Nam có hàng chục điểm đến nổi tiếng trên thế giới, điều này đã hấp dẫn người Hồi giáo và họ mong muốn được đi du lịch việt Nam, trải nghiệm các điểm đến đó.
Cụ thể hơn, ông Trần Văn Tân Cương cho rằng, Việt Nam có lợi thế du lịch núi non, sông nước, cảnh đẹp, văn hóa khác biệt giữa các vùng miền, tạo sự hấp dẫn, mong muốn được trải ngiệm và khám phá và quay lại. Việt Nam cũng có nhiều di tích lịch sử, truyền thống, du lịch Việt Nam có thể khai thác rất đa dạng các loại hình từ trecking đến trải nghiệm, nghỉ dưỡng du lịch golf ... Khác với một số quốc gia chỉ du lịch đơn thuần camping, picnic ngoài trời.
Khách du lịch Hồi giáo tại Hà Nội (Ảnh: Nguyễn Hoà) |
Hoàn thiện dịch vụ, đáp ứng nhu cầu người Hồi giáo
Mặc dù có kết quả tích cực, nhưng đại diện Công ty Halal Quốc gia Việt Nam cho rằng, sự phân bổ khách du lịch hồi giáo tại Việt Nam còn chưa đồng đều, du khách tập trung đến trên 80% ở phía Nam và chỉ chưa tới 20% ra Bắc. Nguyên nhân chính là do cơ sở vật chất phục vụ cho dòng khách này tại miền Bắc còn thiếu.
Chỉ tính riêng tại thành phố Hà Nội, theo thống kê chưa đầy đủ, số người Hồi giáo đang sinh sống, làm ăn và du lịch hiện nay có khoảng 3.000-5.000 người, nhưng mới chỉ 5-6 nhà hàng có người Hồi giáo làm chủ hoặc có đầu bếp là người Hồi giáo và hầu như chưa có điểm du lịch nào set up được dịch vụ vui chơi giải trí và mua sắm phù hợp với người Hồi giáo theo tiêu chuẩn quốc tế.
Trong khi đó, theo bà Tạ Việt Hằng, người Hồi giáo khi đi du lịch họ sẽ quan tâm đến thực phẩm Halal, đồng thời họ mong muốn được trải nghiệm ẩm thực địa phương. Nhiều món ngon nổi tiếng của Việt Nam như: Bún, Phở, bánh mì pate, nem rán... được du khách tìm kiếm rất nhiều, nhưng cách thức phục vụ của các quán ăn ẩm thực địa phương hầu hết chưa phù hợp với người Hồi giáo. Các dịch vụ khác như lưu trú Hala, điểm cầu nguyện, vui chơi giải trí, sản phẩm tiêu dùng và shoping, lưu niệm.... đều chưa chú ý khai thác nhu cầu dòng khách này.
Chưa kể, tiêu chuẩn chứng nhận Hồi giáo hiện nay cũng chưa đồng bộ và đa số chưa đáp ứng được chuẩn Hồi giáo quốc tế, trong khi khách du lịch Hội giáo là khách quốc tế. “Nhiều quán ăn treo biển Halal nhưng chỉ chú ý thức ăn Halal nhưng chưa quan tâm đến cách thức phụ vụ Halal, chưa quan tâm đến yếu tố tôn giáo và văn hóa của khái niệm Halal nên không đáp ứng được nhu cầu khách Hồi giáo” – bà Tạ Việt Hằng thông tin thêm.
Khách du lịch Hồi giáo rất quan tâm đến thực phẩm Halal (Ảnh: Nguyễn Hoà) |
Theo đánh giá của các chuyên gia, khách du lịch Hồi giáo là tệp khách rất tiềm năng, họ có nhu cầu du lịch cao, đi đông người và dài ngày, chi tiêu nhiều trong khi đi du lịch. Việt Nam lại được đánh giá là điểm đến mới của du khách Hồi giáo, theo đó cơ hội để thu hút dòng khách này đang rất lớn.
Tuy nhiên, muốn thu hút mạnh mẽ khách du lịch Hồi giáo thì cơ quan quản lý nhà nước cùng với các doanh nghiệp khai thác du lịch phải chung tay để xây dựng đồng bộ các quy chuẩn chung về quản lý khai thác các dịch vụ du lịch Halal, cùng với đó xây dựng cơ sở vật chất hệ thống dịch vụ đồng bộ, hấp dẫn. Đặc biệt, cần đào tạo nguồn nhân lực Halal theo tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ khách du lịch quốc tế về văn hóa giao tiếp ứng xử cần có với khách Hồi giáo; tăng cường các hoạt động giao lưu, xúc tiến thương mại và du lịch hai chiều với các quốc gia Hồi giáo, từ đó tạo ra nhiều sản phẩm chứng nhận Halal để đáp ứng nhu cầu mua sắm và tiêu dùng của người Hồi giáo.