Nhiều tham luận tại Hội nghị ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên
Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã đưa ra các tham luận mang tính xây dựng và các câu hỏi, vướng mắc mong muốn sớm được giải quyết.
Ông Nguyễn Xuân Minh- Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Trị có tham luận về chủ đề: “Khu kinh tế Thương mại xuyên biên giới Lao Bảo- Densavan- Điểm kết nối đặc biệt trên hành lang kinh tế Đông Tây” về việc sớm nhận được các cơ chế chính sách phù hợp để xây dựng Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo- Densavan.
Đoàn Chủ tịch lắng nghe ý kiến của các Sở Công Thương khu vực miền Trung- Tây Nguyên |
Ông Phan Hoài Nam- Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình có ý kiến đối với việc “Niêm yết giá tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu”. Cụ thể, tại Điểm 2, Khoản 27. Điều J, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 của Chính Phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 quy định “Căn cứ vào tình hình thực tế tại doanh nghiệp, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu quyết định giá bán lẻ xăng dầu trong hệ thống của mình phù hợp với chi phí phát sinh thực tế tại doanh nghiệp và không cao hơn giả điều hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố": Như vậy, nếu đại lý (cửa hàng bán lẻ thuộc đại lý) ký hợp đồng với tối đa ba (03) thương nhân phân phối hoặc thương nhân đầu mối khi giá bán lẻ xăng dầu được quyết định bởi thương nhân phân phối hoặc thương nhân đầu mối không cùng một mức giá thì giá niêm yết tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu được quy định như thế nào?.
Theo quy định tại Khoản 7, Điều 1 Nghị định số 80/2023/NĐ-CP ngày 17/11/2023 của Chính phủ: Đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ được ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho tối đa 03 thương nhân là thương nhân phân phối xăng dầu hoặc thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu: Trách nhiệm kiểm soát chất lượng nguồn cung của Đại lý bán lẻ xăng dầu (cửa hàng bán lẻ thuộc đại lý) được quy định thực hiện như thế nào?
Ông Phan Hoài Nam- Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Bình phát biểu tham luận tại Hội nghị |
Ngoài ra, đối với lĩnh vực Quản lý chợ, đại diện Sở Công Thương Quảng Bình, “Đề nghị Bộ Công Thương hướng dẫn cụ thể phương án xử lý đối với trường hợp khi số lượng thương nhân đăng ký sử dụng hoặc thuê vượt quá số lượng điểm kinh doanh có thể bố trí tại chợ theo phương án được lập. Tại điều 15 Nghị định số 60/2024/NĐ-CP ngày 05/6/2024 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ quy định các chợ xây mới thì được giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý. Tuy nhiên nghị định không quy định rõ đơn vị sự nghiệp công lập là đơn vị nào? thành lập mới hay giao bổ sung thêm nhiệm vụ cho các đơn vị sự nghiệp công lập đang hoạt động? Đề nghị Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện”.
“Trong trường hợp cơ quan chuyên môn về tài sản kết cấu hạ tầng chợ được giao tài sản kết hạ tầng chợ theo quy định tại Khoản 3, Điều 15 Nghị định số 60/2024/NĐ-CP ngày 05/6/2024 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ đã xây dựng phương án khai thác chợ theo hình thức cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ (Quy định tại Điều 24 Nghị định số 60/2024/NĐ-CP). Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện không lựa chọn được đơn vị thuê khai thác trong khi UBND xã không có nhân lực để trực tiếp tổ chức thực hiện khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ, trong trường hợp đó được xử lý như thế nào? Đề nghị Bộ Công Thương hướng dẫn cụ thể”- đại diện Sở Công Thương Quảng Bình đặt câu hỏi.
Ông Lê Như Nhất- Giám đốc Sở Công Thương Kon Tum cho hay: “Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Công Thương Kon Tum vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Do quy mô nền kinh tế nhỏ, phụ thuộc lớn vào thiên nhiên và chịu ảnh hưởng của tình hình biến đổi khí hậu như hạn hán,lũ lụt,... dẫn đến chỉ tiêu sản lượng của một số ngành công nghiệp chưa đạt quy mô. Địa bàn rộng, chia cắt, mặc dù đầu tư kết cấu hạ tầng tuy được chú trọng, nhưng do nguồn lực hạn chế nên còn thiếu và chưa đồng bộ; công tác thu hút đầu tư vào khu kinh tế và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng; nguồn lực đầu tư phát triển cụm công nghiệp còn nhiều hạn chế. Mặt hàng nông sản xuất khẩu thô còn chiếm tỷ trọng lớn; công nghiệp chế biến sâu còn hạn chế, tỷ trọng sản phẩm sơ chế còn cao; hoạt động thương mại,dịch vụ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển chưa mạnh’.
Ông Lê Như Nhất- Giám đốc Sở Công Thương Kon Tum |
Trong khi đó, ông Ngô Văn Tổng- Giám đốc Sở Công Thương Bình Định cho biết: “Đến nay tỉnh Bình Định đã có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sang 128 quốc gia và vùng lãnh thổ trên cả 5 Châu lục. Kim ngạch xuất khẩu các năm đều tăng, năm sau tăng hơn so với năm trước. Quy mô sản xuất hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp được đầu tư mở rộng. Cơ cấu hàng xuất khẩu có sự chuyển dịch mạnh theo hướng tích cực, chuyển dịch từ xuất khẩu thô sang sơ chế, gia công, tinh chế. Các mặt hàng qua gia công, chế biến, chế tạo thế mạnh của tỉnh như gỗ và các sản phẩm từ gỗ, nông sản, hải sản, hàng may mặc, bàn ghế nhựa giả mây... chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnhphù hợp với xu hướng phát triển chung và thị trường xuất khẩuđược mở rộng. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của tỉnh như gỗ, sản phẩm gỗ, hàng dệt may, hàng hải sản,... có thị trường mới và khai thác khá tốt những thị trường đang có, thị trường trực tiếp phát triển, tạo lập được những thị trường mới phù hợp với năng lực của nền kinh tế địa phương và được duy trì khá ổn định.
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu tỉnh Bình Định ước đạt trên 1,6 tỷ USD, trên địa bàn tỉnh có gần 250 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, hàng hóa đã xuất khẩu trực tiếp sang hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên cả 5 Châu lục. Trong đó, châu Á đạt 685,7 triệu USD, chiếm tỷ trọng 43,1% trong tổng KNXK trực tiếp của tỉnh; châu Mỹ đạt 593,0 triệu USD chiếm 37,2%, châu Âu đạt 268,9 triệu USD, chiếm 16,9%; còn lại là các châu lục khác”.
Ông Ngô Văn Tổng- Giám đốc Sở Công Thương Bình Định tham luận |
Theo ông Ngô Văn Tổng, trên cơ sở dự báo xu hướng thương mại thế giới trong thời gian đến bị tác động bởi các yếu tố: Ảnh hưởng của tình hình kinh tế chính trị xã hội của nhiều nước trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp; xung đột chính trị, vũ trang của các nước lớn, tình trạng bảo hộ thương mại của các quốc gia phát triển đưa ra các biện pháp phòng vệ thương mại; Sự cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu xảy ra quyết liệt, các sản phẩm hàng nông, lâm, hải sản xuất khẩu của Bình Định đang chịu áp lực cạnh tranh mạnh từ các nước Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc... Sở Công Thương Bình Định sẽ tập trung triển khai nhiều pháp trong đó đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều sâu, đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, tăng sản phẩm chế biến, chế tạo, sản phâm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường, giảm dần tỷ trọng hàng thô, sơ chế. Các mặt hàng xuất khẩu cần được nâng cao khả năng đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội, môi trường, quy tắc xuất xứ trong các Hiệp định FTA thế hệ mới, chủ động thích ứng và vượt qua các rào cản thương mại, các biện pháp phòng vệ thương mại, chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ ngày càng nghiêm ngặt của các thị trường nhập khẩu để đẩy mạnh xuất khẩu, thâm nhập sâu vào các chuỗi cung ứng và kênh phân phối ở nước ngoài.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại Hội nghị |
Tại hội nghị nhiều đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến tham luận mang yếu tố chuyên môn cao, đặt ra nhiều câu hỏi cho các đại biểu lãnh đạo tham hội nghị trả lời.