Nhiều sự kiện văn hóa, âm nhạc hấp dẫn sẽ diễn ra tại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2022
Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn năm nay có 16 trâu. Trong đó, mỗi phường trên địa bàn được đăng ký 2 suất trâu và 4 chủ trâu đạt giải nhất, nhì, đồng giải 3 năm 2019 mỗi người được đăng ký tham gia 1 suất trâu.
Chủ trâu vô địch sẽ nhận giải thưởng trị giá 70 triệu đồng, chủ trâu về nhì nhận 40 triệu đồng và hai chủ trâu giải ba nhận mỗi người 20 triệu đồng. Nhà chức trách sẽ kiểm tra sức khỏe các trâu tham gia vòng chung kết ít nhất hai lần.
Theo thông lệ, sáng ngày 9/8 âm lịch (4/9/2022), lễ hội chọi Trâu sẽ diễn ra từ 7h đến 11h30. Nghi thức lễ hội được các phường (có Trâu đi thi đấu) thực hiện theo phong tục cổ xưa rước từ đình, làng tới sới chọi (nay là sân vận động Đồ Sơn). Sức chứa của sân vận động này chỉ khoảng 20.000 người nên Ban tổ chức sẽ bố trí thêm màn hình lớn ở ngoài để phục vụ người dân.
Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được tổ chức trở lại sau 2 năm bị tạm dừng do dịch Covid-19 |
Qua hoạt động lễ rước, nghi thức trước – trong- sau lễ hội (Lễ dâng hương, thượng cờ; Lễ rước nước; Lễ tống thần, Lễ thần linh, Lễ hiến sinh…), du khách có thể cảm nhận được nét độc đáo và ý nghĩa tâm linh, giá trị văn hóa của lễ hội truyền thống này.
Dự kiến số người đến lễ hội chọi trâu rất đông nên UBND quận Đồ Sơn phải huy động 400 người tham gia vào các phần việc của Ban tổ chức, từ thực hiện các nghi thức ở phần lễ, kiểm tra vé mời ngày hội, ngăn chặn nạn cá độ, kiểm soát giá thịt trâu chọi và giá vé gửi xe, cũng như các nhiệm vụ an ninh trật tự khác.
Lễ hội chọi Đồ Sơn có từ lâu đời và được quận Đồ Sơn khôi phục từ năm 1990, có cả vòng loại và vòng chung kết. Năm 2012, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2017, lễ hội này xảy ra sự cố trâu húc chết chủ và phải bỏ vòng loại cũng như việc bán vé vào xem.
Một số hoạt động bên lề nhằm quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch được tổ chức trong dịp này bao gồm: Liveshow đêm nhạc Bolero với các bài hát mang âm hưởng nhẹ nhàng, hào hùng của cách mạng được mở cửa tự do tại quảng trường 15/5 (khu I) vào 20h30’ ngày 2/9.
Nhạc hội EDM với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, nhiều sản phẩm âm nhạc thình hành được phối lại và lần đầu tiên mang ra trình diễn trước công chúng tại quảng trường 15/5 (khu I) vào 20h30’ ngày 3/9 (chương trình có bán vé theo tour du lịch).
Chương trình biểu diễn âm nhạc đường phố với hình thức âm nhạc tự do, đa dạng về các dòng nhạc và thể loại nhạc được tổ chức tại tuyến phố đi bộ khu II vào 3 khung giờ (từ 15h30’ đến 17h00’, từ 18h00’ đến 19h30’, và từ 20h00’ đến 21h30’) các ngày từ 2/9 đến 4/9.
Ngoài ra, còn có Hội chợ làng quê Việt với các gian hàng được trang trí theo phong cách chợ quê cùng các sản phẩm ẩm thực đường phố đa dạng vùng miền, phục vụ du khách tham gia các hoạt động trải nghiệm tự tay làm các sản phẩm lưu niệm thủ công truyền thống như nặn tò he, làm mặt nạ giấy bồi, vẽ tranh, thêu túi, vẽ túi, nặn gốm, vẽ gốm, làm đèn lồng, đan giỏ mây tại phố đi bộ (khu II) từ 15h00’ đến 21h00’ các ngày từ 2/9 đến 4/9.