Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2024 sẽ diễn ra vào sáng ngày 21/9 tại Sân vận động trung tâm quận Đồ Sơn, với 16 “ông trâu” tham gia tranh tài. Đến nay, công tác chuẩn bị cho lễ hội đã sẵn sàng. Những ngày gần lễ hội, những người chủ trâu có các “ông trâu” chuẩn bị tham gia Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2024, Hải Phòng lại tất bật, cần mẫn chăm chút từng bữa ăn, giờ tập luyện cho trâu có sức khỏe cường tráng, với tâm thế sẵn sàng bước vào trận chiến.
Đặc biệt, theo tiết lộ của Ban tổ chức, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2024 trong tổng số 16 trâu tham dự lễ hội, trong đó 3 trâu có trọng lượng ước 1,2 tấn. Các trâu còn lại có trọng lượng khoảng 1 tấn.
Một "ông trâu" tham dự Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2024 |
Ngoài ra, theo anh Hoàng Gia Ivan, phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn - chủ trâu số 08 tiết lộ cho biết: "Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2024, trâu giữ kỷ lục được chủ trâu nuôi lâu nhất lên tới 6 năm. Thông thường, từ khi mua, chăm sóc đến khi tham dự lễ hội, trung bình 1 - 2 năm. Chưa kể tiền mua trâu, riêng tiền thuê người chăm sóc, mua thức ăn, mỗi năm chủ trâu chi trung bình 150 - 200 triệu đồng. Đối với trâu nuôi 6 năm trước khi tham dự lễ hội, chủ trâu tốn kém khoản tiền cả tỷ đồng, còn trung bình trâu ra đến sân thi đấu khoảng 400 - 500 triệu đồng/"ông trâu".
“Đây là lễ hội truyền thống của người dân địa phương, nét đẹp văn hóa, món ăn tinh thần nên người dân Đồ Sơn rất vui và mong chờ đến lễ hội. Hiện, gần đến ngày lễ hội, công việc chăm sóc trâu càng phải thận trọng, chu đáo hơn, nhất là các chế độ ăn, bổ sung các chất dinh dưỡng để tăng cường thể lực, phòng bệnh cho trâu. Hằng ngày, từ 2 - 3 người chăm sóc thường xuyên và tập luyện cho trâu để nâng cao thể lực, chân chắc khỏe tốt, như vần cho trâu lội bùn, bơi luyện, chạy cát vào các sáng hoặc chiều khoảng 30 đến 1 giờ/ngày. Trong gia đình tôi 3 thế hệ khi tham gia lễ hội có các “ông trâu” đoạt giải, trong đó 2 “ông trâu” vô địch và 4 giải ba” – ông Ivan chia sẻ thêm.
Ông trâu mang số báo danh 02 tham dự lễ hội năm nay |
Với người dân Đồ Sơn, Lễ hội chọi trâu đã ăn vào máu thịt và trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần. Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Việt Nam từ năm 2013. Lễ hội gồm hai phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ với những lễ nghi trang trọng, thấm đẫm văn hoá tâm linh của người Đồ Sơn. Phần hội với những pha đấu gay cấn, quyết liệt, những miếng đánh hay, dũng mãnh của những “ông trâu” được chọn lựa, chăm sóc, huấn luyện kỳ công…mang đến cho du khách và nhân dân những cảm xúc bất ngờ hồi hộp, những ấn tượng tốt đẹp, thể hiện tinh thần thượng võ, chống giặc ngoại xâm của người dân miền biển.
Anh Lưu Đình Nam, đường Lý Thánh Tông, phường Ngọc Xuyên (quận Đồ Sơn) chăm sóc trâu tham gia Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn năm 2024. |
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn Phạm Hoàng Tuấn, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 nên lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn năm 2024 phải lùi lịch lại 10 ngày. Qua kiểm tra nắm bắt tình hình đến nay 16 “ông trâu” được chăm sóc cẩn thận, bảo đảm sức khỏe tốt, sẵn sàng bước vào lễ hội. Hiện, quận đã tổ chức xong phần lễ: Dâng hương, thượng cờ khai hội; rước nước, lễ thần linh theo đúng kế hoạch. Về phần hội chọi trâu được tổ chức từ lúc 7 giờ 30 ngày 21/9 tại Sân vận động trung tâm quận Đồ Sơn. Công tác chuẩn bị lễ hội cơ bản hoàn tất các khâu dọn vệ sinh sân bãi khắc phục sau bão, công tác tuyên truyền, trang trí, lắp đặt các mái che khán đài…
Quang cảnh sân vận động Đồ Sơn nơi diễn ra các cuộc "thư hùng" máu lửa của Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2024 |
Đồng thời, tập trung khắc phục khu du lịch, hoàn thành hệ thống khách sạn, nhà hàng, vệ sinh môi trường, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm để sẵn sàng đón nhân dân và du khách về lễ hội. Đặc biệt, lễ hội chọi trâu năm nay, địa phương tiếp tục siết chặt các quy định, nhất là bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân, du khách tham dự lễ hội, kiểm tra chất lượng trâu tham dự lễ hội, công tác giết mổ và bán thịt trâu…