Thứ ba 13/05/2025 10:34

Nhiều doanh nghiệp đề nghị hải quan xử lý hàng tồn đọng

Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đề nghị Cơ quan Hải quan Khu vực II sớm có biện pháp xử lý hàng tồn đọng tại các cảng biển và kho bãi.

Nhiều doanh nghiệp xin bỏ tiền túi để được tiêu hủy

Theo nguồn tin của Báo Công Thương, Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (đại lý chính thức của hãng tàu SM Line tại Việt Nam) vừa gửi văn bản đến Chi cục Hải quan Quản lý Hàng Đầu tư (nay là Hải quan Khu công nghệ cao), đề nghị hướng dẫn thủ tục xử lý lô hàng tồn đọng tại cảng Cát Lái do vi phạm chính sách nhập khẩu.

Để thu hồi vỏ container, nhiều doanh nghiệp xin được bỏ tiền túi để xử lý hàng hóa tồn đọng. (Ảnh minh họa)

Theo đó, lô hàng được vận chuyển từ Hàn Quốc về Việt Nam gồm 4 container 40 feet HC. Lô hàng cập cảng Cát Lái vào ngày 24/12/2019, bao gồm máy móc thiết bị và người nhận hàng cuối cùng là Công ty TNHH MTV Speed Vina (mã số thuế 1101786938).

Tuy nhiên, khách hàng nhận hàng đã có hành vi nhập khẩu hàng hóa sai chất lượng, nhập khẩu hàng hóa đã qua sử dụng không đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định. Do đó, Chi cục Hải quan đã lập Biên bản vi phạm hành chính số 31/BB-VPHC ngày 14/4/2020 và có công văn Kết luận số 1504/ĐT-ĐTKD ngày 29/4/2020 gửi Công ty TNHH MTV Speed Vina.

Ngày 2/1/2025, Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An nhận được công văn từ chối nhận hàng của Công ty TNHH MTV Speed Vina đối với lô hàng này. Tính đến ngày 25/2/2025, các container trên đã tồn tại 1.890 ngày/cont, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của công ty và phát sinh nhiều chi phí lưu cảng.

Trước tình hình này, Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An đề xuất chuyển toàn bộ hàng hóa trong 4 container vào kho tang vật của cơ quan chức năng có thẩm quyền để chờ xử lý và giải phóng 4 container rỗng. Công ty cũng cam kết chi trả toàn bộ chi phí giám định, rút ruột hàng (nếu có) và tiêu hủy (nếu cần).

Trước đó vào tháng 11/2024, doanh nghiệp này có văn bản đề nghị Cơ quan Hải quan TP. Hồ Chí Minh (nay là Chi cục Hải quan Khu vực II) cho phép đơn vị bỏ tiền túi để tiêu hủy 2 container (GESU5608560 và GAZU8262737) tồn đọng.

Không chỉ Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An, nhiều doanh nghiệp vận tải khác cũng nhiều lần gửi văn bản tới Cơ quan Hải quan TP. Hồ Chí Minh đề nghị được bỏ tiền túi để tiêu hủy hàng hóa tồn đọng trong thời gian qua.

Đơn cử Công ty TNHH Hapag - Lloyd Việt Nam đã không ít lần đề nghị Cơ quan Hải quan giải quyết tiêu hủy lô hàng bị hư hỏng, bao gồm 27 container hàng hóa thức ăn chăn nuôi và phân bón không được nhập vào Việt Nam.

Công ty này cho biết, đơn vị giám định kết luận lô hàng có tình trạng ẩm mốc, vón cục, xuất hiện mùi lạ và có côn trùng sống trên hàng hóa. Nếu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đó được sử dụng, có thể gây ảnh hưởng đến vật nuôi.

Hay Công ty TNHH Đại lý vận tải Evergreen Việt Nam cũng nhiều lần gửi văn bản đến Cơ quan Hải quan và các đơn vị trực thuộc đề nghị hướng dẫn để tiêu hủy lô hàng phế liệu thuộc vận đơn 600800009027. Công ty này lo ngại lô hàng có thể gây ô nhiễm môi trường, vì đây là phế liệu đã tồn đọng trong thời gian dài.

Đáng chú ý, là trường hợp của Công ty TNHH Cosco Shipping Lines (Việt Nam) - doanh nghiệp có 23 container lốp ô tô cũ đã qua sử dụng, thuộc diện cấm nhập khẩu, đã tồn đọng 10 năm nay tại các cảng và thuộc trường hợp phải tiêu hủy.

Nguy cơ ô nhiễm môi trường từ hàng hóa tồn đọng

Tình trạng tồn động hàng hóa này không chỉ gây ách tắc hoạt động logistics mà còn làm tăng chi phí lưu kho, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải. Đặc biệt, nguy cơ ô nhiễm môi trường do các hàng hóa để lâu ngày dẫn đến biến chất, phân hủy.

Đại diện Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết, trong năm 2024, số lượng hàng hóa tồn đọng quá 90 ngày tại Tân cảng Cát Lái tăng trung bình khoảng 4%/tháng. Tính đến ngày 15/9/2024, lượng hàng tồn đọng lên tới 5.543 container (khoảng 9.238 TEUs), chiếm gần 7% dung lượng bãi. Các mặt hàng tồn đọng chủ yếu bao gồm: Máy móc, thiết bị cũ qua sử dụng (1.765 TEUs); bột xương thịt (606 TEUs); phế liệu (1.558 TEUs); và các mặt hàng khác (5.309 TEUs).

Lượng hàng hóa tồn đọng này gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng dịch vụ và hoạt động khai thác cảng, gây khó khăn trong công tác bố trí, sắp xếp hàng hóa, phát sinh chi phí đảo chuyển, quản lý và giám sát của doanh nghiệp. Đặc biệt, nguy cơ ô nhiễm môi trường từ những hàng hóa như thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, bột xương, phân bón… đang trở nên nghiêm trọng.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là việc thay đổi chính sách quản lý một số mặt hàng nhập khẩu, siết chặt gia hạn giấy phép và quota nhập khẩu, cũng như thay đổi tiêu chuẩn nhập khẩu. Bên cạnh đó, nhiều lô hàng bị người nhận từ chối, bị vi phạm hành chính, bị kê biên hoặc không đủ điều kiện thông quan, cũng góp phần làm gia tăng số lượng container tồn đọng.

Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đề nghị Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh (nay là Chi cục Hải quan Khu vực II) thúc đẩy nhanh thủ tục xử lý hàng tồn đọng tại Tân cảng Cát Lái, trong đó đặc biệt là các mặt hàng bột xương thịt, máy móc thiết bị cũ, nhựa phế liệu.

Đồng thời, đơn vị cũng đề nghị Tổng cục Hải quan (nay là Cục Hải quan) chấp thuận chủ trương và hướng dẫn các đơn vị trực thuộc cho phép Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn được chuyển lượng container hàng tồn đọng quá 90 ngày (trừ hàng hóa vi phạm) đến lưu giữ tại các cơ sở do Tân cảng Sài Gòn quản lý (Tân cảng Hiệp Phước, ICD Tân cảng Nhơn Trạch, ICD Tân cảng Long Bình).

Tình trạng hàng hóa tồn đọng kéo dài tại các cảng biển không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho các doanh nghiệp vận tải mà còn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan hải quan, các doanh nghiệp và các đơn vị quản lý cảng.
Ngân Nga
Bài viết cùng chủ đề: TP. Hồ Chí Minh

Tin cùng chuyên mục

Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Ngày hội cua Cà Mau 2025

Vùng 5 Hải quân khen thưởng tập thể, cá nhân xuất sắc

Hải quan Khu vực II 'bóc trần' thủ đoạn vận chuyển ma tuý

Đà Nẵng: Khen thưởng tập thể, cá nhân đổi mới sáng tạo

TP. Hồ Chí Minh: Phát triển khu công nghiệp gắn với tăng trưởng xanh

5 tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ xã, phường mới tại Thanh Hóa

EVNHCMC điều chỉnh ngừng cấp điện khi chưa thanh toán tiền điện

Bắc Ninh: Thu hút đầu tư 7 dự án FDI quy mô lớn

Hải Phòng: Tự hào thành phố công nghiệp, cảng biển, thương mại

Chùm ảnh: Tổng duyệt kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng

Tỉnh Quảng Ngãi mới sẽ có cơ sở 2 tại tỉnh Kon Tum sau sáp nhập

Hải Phòng: Khối diễu hành đặc biệt trong lễ kỷ niệm 70 năm giải phóng

Hình ảnh khối 'ký ức hào hùng' tại lễ diễu hành kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Hải Phòng

Tiền Giang: Đề xuất chủ trương đầu tư 4 cụm công nghiệp

Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh nói gì về Nghị quyết 68?

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ chỉ đạo các đơn vị hoàn thành kết luận của Thanh tra Chính phủ trong tháng 6

Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên chia sẻ kinh nghiệm xóa nhà tạm

Hải Phòng: Hàng nghìn người tham gia duyệt đội ngũ diễu hành kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng

Phấn đấu hoàn thành hợp nhất các đơn vị hành chính Hưng Yên và Thái Bình trước 15/7

Ngành chế biến chế tạo Đắk Nông: Động lực tăng trưởng kinh tế