Nhiều cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Mozambique
Thông tin được đưa ra tại buổi gặp gỡ giữa Chủ tịch Quốc hội Mozambique - bà Esperanca Laurinda Francisco Nhiuane Bias với doanh nghiệp Việt Nam diễn ra chiều 21/6. Sự kiện do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Mozambique tại Việt Nam thực hiện.
Cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, bên cạnh những hợp tác về chính trị, có thể nói hợp tác về kinh tế, thương mại giữa hai nước đã ghi nhận những dấu hiệu tích cực trong thời gian gần đây. Giai đoạn 2020 - 2021, mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kim ngạch thương mại giữa hai nước vẫn đạt trên 150 triệu USD, trong đó, Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng gạo, dây cáp điện, phân bón, sản phẩm dệt may, sản phẩm từ sắt thép và nhập khẩu các mặt hàng chủ yếu là cám, hạt điều, than đá, thức ăn gia súc, gỗ, quặng….
Toàn cảnh buổi làm việc |
Về đầu tư, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) có dự án liên doanh với Công ty SPI của Đảng Frelimo về đầu tư viễn thông tại Mozambique với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 345 triệu USD, hoạt động ổn định và được đánh giá là dự án đầu tư thành công nhất của Viettel tại châu Phi.
Về nông nghiệp, hai nước hợp tác nghiên cứu phát triển cây lương thực và cây thực phẩm tại Mozambique giai đoạn 2013 - 2017. Trong đó, Chính phủ Việt Nam góp 1,96 triệu USD, Mozambique góp vốn đối ứng 210.000 USD. Hiện, dự án đang được xem xét tiếp tục triển khai giai đoạn 2.
“Mozambique là một quốc gia rộng lớn với dân số trên 33 triệu người và là cửa ngõ của khu vực Đông Nam châu Phi hiện vẫn còn nhiều tiềm năng dành cho doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng hoàn toàn có thể nghiên cứu cơ hội đầu tư tại Mozambique đặc biệt trong lĩnh vực nông sản, công nghiệp nặng, phát triển hạ tầng, tài chính... Trên cơ sở đó, tôi đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục tăng cường trao đổi thông tin, tìm kiếm cơ hội hợp tác, giao thương”, ông Phạm Tấn Công chia sẻ.
Về phía chủ tịch Quốc hội Mozambique - bà Esperanca Laurinda Francisco Nhiuane Bias, bắt đầu bài phát biểu với lời cảm ơn sâu sắc tình cảm phía Việt Nam đã dành cho đoàn, mặc dù Việt Nam và Mozambique cách xa về địa lý nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy đây như nhà của mình. Việc này nhờ các mối quan hệ lịch sử và hữu nghị anh em giữa hai đất nước và nhân dân hai nước. Chúc mừng các doanh nghiệp Việt Nam đã có mặt tại Mozambique, chính nhờ sự có mặt của các bạn sẽ đóng góp tích cực hơn cho sự tham gia của các doanh nghiệp khác.
“Lĩnh vực tư nhân là cơ sở để phát triển kinh tế, dù doanh nghiệp nhỏ hay lớn nhưng sẽ đóng góp vào nền kinh tế quốc dân. Ở Mozambique có các doanh nghiệp Việt Nam và hi vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ sang Mozambique và sát cánh cùng doanh nghiệp Mozambique làm việc”, bà Esperanca Laurinda Francisco Nhiuane Bias.
Cũng theo bà Esperanca Laurinda Francisco Nhiuane Bias, tại Mozambique có nhiều cơ hội kinh doanh đối với cả doanh nghiệp nhỏ, vừa và lớn. Đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, khai thác năng lượng và nông nghiệp. Đồng thời có cổng cung cấp thông tin hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực tư nhân và nhà nước.
Sự phát triển du lịch ở khu vực vịnh Hạ Long và kinh nghiệm của các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này có thể áp dụng tại Mozambique. “Vừa rồi chúng tôi có dự án lớn về khai thác khí đốt tự nhiên. Thu nhập về dầu khí và khí đốt sẽ đem lại cơ hội rất lớn trong lĩnh vực kinh doanh. Chúng ta cần xem xét Hiệp định Hợp tác giữa Việt Nam và Mozambique và Mozambique là cửa ngõ để Việt Nam thâm nhập vào các nước Đông Nam châu Phi”, bà Esperanca Laurinda Francisco Nhiuane Bias chia sẻ.
Mong muốn Mozambique làm cầu nối để hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường miền Nam châu Phi
Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp Việt Nam đã được đoàn công tác Mozambique chia sẻ các thông tin về chính sách đầu tư, những ưu đãi trong đầu tư nước ngoài. Về phía các doanh nghiệp Việt Nam cũng mong muốn nhận được các thông tin về điều kiện đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp như gỗ, nông sản và các vấn đề trong thanh toán quốc tế với Mozambique.
“Sự kiện hôm nay là cơ hội tốt để các doanh nghiệp được gặp gỡ, tìm hiểu thông tin, tìm kiếm cơ hội hợp tác. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Việt Nam - Mozambique quảng bá về hình ảnh đất nước, giới thiệu chính sách đầu tư, kinh doanh”, bà Đỗ Thị Quỳnh Nga - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Bắc, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - nhận định và cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đang tích cực tìm hiểu và thâm nhập thị trường châu Phi nói chung và thị trường Mozambique nói riêng.
Việt Nam đã có các dự án đầu tư tại Mozambique và Mozambique là quốc gia đứng thứ 13 trong tổng số 79 quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam có hoạt động đầu tư. Hai bên có nhiều dự án hợp tác chia sẻ kinh nghiệm và đào tạo kỹ thuật phát triển nông nghiệp, thủy sản; duy trì hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực giáo dục và chuyên gia. Mặc dù có nhiều tiềm năng hợp tác về kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa, xã hội... tuy nhiên, hiện nay, quan hệ kinh tế vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước.
Cũng theo bà Đỗ Thị Quỳnh Nga, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Với việc các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã có hiệu lực, Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư chiến lược của các tập đoàn, công ty và nhà đầu tư nước ngoài. Việc thu hút các doanh nghiệp Mozambique đầu tư vào Việt Nam cũng là yếu tố để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước.
Ngoài việc đẩy mạnh quan hệ đầu tư, kinh doanh giữa hai nước, Việt Nam và Mozambique cần hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu sang các nước ở khu vực. Theo đó, Việt Nam sẵn sàng làm đầu mối trung chuyển để hàng hóa của Mozambique thâm nhập vào thị trường các nước Đông Nam Á. Đồng thời mong muốn Mozambique là cầu nối để hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường miền Nam châu Phi đầy hứa hẹn.