Nhà tù Sơn La - Chứng tích hào hùng của cách mạng Việt Nam: Kỳ cuối: Tô Hiệu - Sáng mãi ngọn đuốc kiên trung, bất khuất
Người Đảng viên trẻ giàu nhiệt huyết, bản lĩnh vững vàng
Đồng chí Tô Hiệu tham gia hoạt động cách mạng từ năm 14 tuổi. Cuối năm 1929, đồng chí vào Sài Gòn hoạt động yêu nước cùng với người anh trai là Tô Chấn. Năm 1930, trong một cuộc họp bị bại lộ, Tô Hiệu bị chính quyền thực dân Pháp bắt, kết án 4 năm tù khổ sai và đày đi Côn Đảo.
Trong thời gian bị giam cầm tại Nhà tù Côn Đảo, đồng chí Tô Hiệu bị đánh đập, tra tấn nhưng vẫn kiên cường tham gia đấu tranh trong tù, tích cực học tập lý luận cách mạng, được bồi dưỡng trở thành Đảng viên trẻ, giàu nhiệt huyết và có bản lĩnh vững vàng.
Do chế độ lao tù hà khắc và khổ sai ở hầm xay lúa dài ngày nên đồng chí đã mắc bệnh lao phổi. Năm 1934, sau khi mãn hạn tù từ Côn Đảo về, mặc dù bị quản thúc tại quê nhà nhưng đồng chí vẫn bí mật hoạt động tại Hưng Yên, Hải Phòng và Hà Nội.
Cuối năm 1939, với cương vị Thường vụ xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư liên khu B kiêm Bí thư thành uỷ Hải Phòng, tại cơ sở in ấn truyền đơn ở Hải Phòng bị bại lộ, đồng chí Tô Hiệu bị bắt.
Phòng giam đồng chí Tô Hiệu có hình tam giác, chưa đầy 4m2, bị giam riêng biệt, không cho tiếp xúc với bất kỳ tù nhân nào. |
Mặc dù, thực dân Pháp tra tấn dã man, ra sức mua chuộc nhưng không thể lay chuyển được ý chí cách mạng kiên cường của đồng chí. Đầu năm 1940 chúng đày đồng chí lên Nhà tù Sơn La với mức án là 5 năm tù khổ sai. Cai ngục coi đồng chí là phần tử nguy hiểm và lấy cớ đồng chí mắc bệnh lao phổi nặng nên đã giam riêng biệt, không cho tiếp xúc với bất kỳ tù nhân nào ở đây.
Đồng chí Tô Hiệu chính là người xóa bỏ chủ trương “Cấm vượt ngục” của chi bộ. Sau cuộc vượt ngục không thành công của đồng chí Đàm Văn Lý và Đàm Văn Sàng, đồng chí nói: “Vượt ngục là điều rất cần, không đưa được ra nhiều thì đưa ra ít, có thất bại thì ta làm lại, còn hơn là ngồi im, biến nhà tù Sơn La thành trường học, nhưng cung cấp cán bộ cho phong trào lúc này là rất cấp bách...”. |
Chúng giam đồng chí Tô Hiệu trong một phòng giam hình tam giác chưa đầy 4m2. Đây cũng nơi giam giữ đồng chí Tô Hiệu suốt 4 năm từ năm 1940 – 1944 và là phòng giam duy nhất của Nhà tù Sơn La có cửa quay ra hướng đường lính canh đi tuần hàng ngày.
Khi phong trào Mặt trận Bình Dân Pháp tan dã, chế độ thực dân quay trở lại, các cuộc bắt bớ, khủng bố nhân dân thuộc địa đấu tranh diễn ra dã man hơn. Thực dân Pháp phát huy tối đa các nhà tù thuộc địa, trong đó có nhà tù Sơn La. Từ năm 1939, rất nhiều tù nhân là lãnh đạo các phong trào quần chúng tiếp tục bị bắt và bị đày lên Sơn La.
Từ kinh nghiệm qua thời kỳ hoạt động cách mạng và đấu tranh sinh tử với kẻ thù trong nhà lao thực dân, các chiến sỹ cộng sản đã rút ra kinh nghiệm, dù có khó khăn đến mấy cũng phải gấp rút thành lập được một chi bộ cộng sản để lãnh đạo, đấu tranh có tổ chức mới hiệu quả.
Từ yêu cầu cấp bách đó, cuối tháng 12/1939 các đảng viên trong Nhà tù Sơn La đã bí mật triệu tập một Hội nghị để thảo luận và thành lập chi bộ lâm thời gồm 10 đồng chí, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được cử giữ chức vụ Bí thư. Đến tháng 5/1940, chi ủy đã triệu tập Đại hội để thảo luận quyết định các chủ trương công tác và bầu đồng chí Tô Hiệu làm Bí thư Chi bộ.
Cũng tại đại hội này, chi bộ đã đề ra 5 công tác lớn: Thứ nhất, Chi bộ lãnh đạo hoạt động toàn diện của nhà tù. Thứ hai, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục và rèn luyện đạo đức cách mạng cho đảng viên và quần chúng. Thứ ba, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, huấn luyện đảng viên về lí luận Mác-Lênin và phương pháp đấu tranh cách mạng trong nhà tù. Thứ tư, xây dựng và phát triển các tổ chức quần chúng cách mạng bên trong và bên ngoài nhà tù. Thứ năm, tìm mọi cách bắt liên lạc với Xứ ủy và Trung ương Đảng để xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên đối với chi bộ nhà tù.
Trong nhà tù các chiến sỹ cách mạng vẫn tích cực hoạt động cách mạng |
Mặc dù bị thực dân Pháp kiểm soát ngặt nghèo nhưng đồng chí Tô Hiệu vẫn bí mật viết tài liệu, tham gia hoạt động bí mật trong ngục, tham gia thành lập chi bộ Nhà tù Sơn La. Sự hoạt động thành công của chi bộ nhà tù Sơn La gắn với tên, tuổi của nhiều đồng chí cộng sản trung kiên, trong đó nổi bật vai trò của đồng chí Tô Hiệu. |
Chi bộ được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ và bí mật nhằm vừa triển khai công tác lãnh đạo, vừa bảo toàn lực lượng, tránh sự khủng bố của kẻ thù. Sự ra đời của Chi bộ đảng nhà tù Sơn La là một sự kiện mang tính lịch sử, chi bộ được tổ chức chặt chẽ, bí mật nhưng rất hiệu quả.
Trong suốt 5 năm hoạt động, chi bộ Nhà tù Sơn La đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử của mình với tư cách là hạt nhân lãnh đạo quần chúng đấu tranh trong và ngoài nhà tù. Quy tụ, đoàn kết được tuyệt đại đa số tù nhân, giáo dục, động viên, tổ chức các hoạt động đấu tranh, làm thất bại những âm mưu tàn bạo của kẻ thù; đào tạo, bồi dưỡng Đảng viên, tổ chức cơ sở cách mạng bên ngoài nhà tù chuẩn bị cho khởi nghĩa Sơn La.
Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, hệ thống tự quản của tù chính trị, một số chế độ quản lý dân chủ, kỷ luật và tự giác được thiết lập song song với hệ thống quản lý hà khắc, quân phiệt của chính quyền thực dân.
Tấm gương về tinh thần và ý chí cách mạng luôn chói sáng
Vì lý do sức khoẻ nên đồng chí Tô Hiệu chỉ giữ chức vụ Bí thư từ tháng 5/1940 đến tháng 10/1941, tuy nhiên, đồng chí luôn là cố vấn tin cậy của chi bộ đảng Nhà tù Sơn La.
Là Trưởng ban huấn luyện đào tạo của chi bộ, mặc dù bệnh lao phổi tàn phá cơ thể, ho ra máu rất nhiều, nhưng trước khi nhắm mắt, Tô Hiệu vẫn cố gắng viết tài liệu, truyền đạt kinh nghiệm, huấn luyện đảng viên cho chi bộ với tinh thần lạc quan cách mạng. Đồng chí nói với anh em: "Mình biết chắc là mình sẽ chết sớm hơn người khác vì vậy phải tranh thủ thời gian để chiến đấu, phục vụ cho Đảng”.
Sang tháng 2/1944, sức khỏe của đồng chí Tô Hiệu giảm sút nghiêm trọng, chi bộ Nhà tù Sơn La lãnh đạo anh em đấu tranh với cai ngục đưa đồng chí về kho xép cạnh nhà bếp để có thể chăm sóc tốt hơn cho đồng chí và để đồng chí được gần gũi với anh em tù nhân trong những ngày cuối đời.
Kho xếp nơi đồng chí Tô Hiệu hy sinh |
Chi bộ cắt cử mỗi người một ngày thay phiên nhau chăm sóc đồng chí. Vào khoảng 10h sáng ngày 07 tháng 3 năm 1944, đồng chí Tô Hiệu đã trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay và niềm thương tiếc của anh em tù nhân. Đây cũng là tổn thất to lớn với chi bộ nhà tù Sơn La và phong trào cách mạng Việt Nam.
Đồng chí Tô Hiệu mất đi nhưng tấm gương về tinh thần và ý chí cách mạng vẫn luôn chói sáng. Trong hồi ký của đồng chí Hoàng Cương - sau này là Đại sứ Việt Nam tại Hungari, là người đã bị giam cùng thời gian với đồng chí Tô Hiệu tại Nhà tù Sơn La và được cử chăm sóc đồng chí trong những ngày cuối đời, được chứng kiến hơi thở cuối cùng và cùng đồng chí Trần Quốc Hoàn đưa đi an táng tại Nghĩa địa Gốc Ổi, đồng chí Hoàng Cương đã viết về đồng chí Tô Hiệu: "Tôi thấy đồng chí là Bí thư chi bộ xuất sắc, là người có tinh thần và đạo đức cách mạng cao, luôn tận tụy với công việc chung đến hơi thở cuối cùng, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, khiêm tốn, giản dị, luôn luôn thân mật, vui vẻ hòa mình với quần chúng, mọi người dễ mến, dễ gần. Đồng chí đã nêu một tấm gương sáng của một người lãnh đạo xuất sắc, một người cộng sản chân chính”.
Ghi nhớ công lao của đồng chí Tô Hiệu, chi bộ Nhà tù Sơn La phân công tổ đục đá làm một tấm bia khắc tên Tô Hiệu chôn giấu dưới mộ phần. Đến năm 1980, khi tôn tạo khu nghĩa địa Gốc Ổi, nhờ tấm bia đá nên tìm được phần mộ của đồng chí Tô Hiệu. Hiện tấm bia khắc tên đồng chí Tô Hiệu vẫn được trưng bày tại bảo tàng Nhà tù Sơn La.
Cây đào mang tên Tô Hiệu tại Nhà tù Sơn La |
Nhà tù Sơn La được mệnh danh là địa ngục trần gian nhưng cũng chính tại nơi địa ngục tăm tối này, ánh sáng cách mạng, ý chí của những người Việt Nam yêu nước càng trở nên sáng chói. Đặc biệt, trong 5 đồng chí từng giữ chức vụ bí thư chi bộ tù Sơn La, chỉ có đồng chí Tô Hiệu hy sinh trong nhà ngục, 4 đồng chí còn lại trưởng thành trong phong trào cách mạng, sau là những người giữ trọng trách cao của Đảng và Nhà nước như đồng chí Nguyễn Lương Bằng (bí danh Sao Đỏ), đồng chí Trần Huy Liệu, đồng chí Lê Thanh Nghị, đồng chí Trần Quốc Hoàn.
Hơn một thế kỷ đã qua, trải qua 2 lần tàn phá bằng bom của giặc, di tích xưa giờ đã xiêu vẹo, hầu như chỉ còn là một bãi gạch tan hoang, vết tích thời gian đã mài mòn nhiều thứ, nhưng nơi đây vẫn còn lưu giữ chứng tích lịch sử Nhà tù Sơn La – minh chứng của một thời kỳ lịch sử đấu tranh cách mạng với sự đầy ải tàn bạo của thực dân Pháp. Và đặc biệt, tấm bia đá khắc tên của đồng chí Tô Hiệu vẫn còn đó, cây đào mang tên Tô Hiệu tại Nhà tù Sơn La vẫn mãi xanh tươi mỗi khi mùa xuân về... vẫn mãi là biểu tượng về tinh thần kiên trung, bất khuất của những người tù Cộng sản tại nhà tù Sơn La.
Mối tình sắt son Đồng chí Tô Hiệu sinh năm 1912, tại làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh (nay là tỉnh Hưng Yên), trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống yêu nước. Đồng chí Tô Hiệu hy sinh năm 32 tuổi. Mặc dù chưa lập gia đình, nhưng khi hoạt động tại Hải Phòng, đồng chí đã hứa hôn với bà Vân Tường (tên thật là Nguyễn Thị Tỳ) một nữ cán bộ cách mạng cùng tổ chức ở Hải Phòng, hai bên gia đình đã đặt mối quan hệ, đi lại với nhau. Khi đồng chí Tô Hiệu biết mình mắc bệnh lao phổi, căn bệnh nan y không có khả năng chữa chạy, hơn nữa sự nghiệp cách mạng còn dài, không biết sẽ hy sinh lúc nào nên đồng chí Tô Hiệu viết thư đề nghị bà Vân Tường chủ động từ hôn, nhưng bà không chấp nhận. Năm 1939, Tô Hiệu bị bắt và đày lên Sơn La, hy sinh tại đây sau gần 4 năm giam cầm. Bà Vân Tường vẫn một lòng chờ đợi, thờ bức ảnh Tô Hiệu đến già và không lập gia đình. Những năm cuối đời, bà lui về Hưng Yên, ở bên cạnh từ đường họ Tô và mất ở tại đó. |