Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn bảo dưỡng: Bộ Công Thương đã có kế hoạch đảm bảo đủ nguồn cung
Bộ Công Thương đã chuẩn bị nguồn cung từ đầu năm
Theo Bộ Công Thương, bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước là mục tiêu quan trọng mà Bộ Công Thương tích cực triển khai.
Bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước là mục tiêu quan trọng mà Bộ Công Thương tích cực triển khai |
Thực tế, thời điểm cuối năm 2022, đầu năm 2023, nguồn cung trong nước có thời điểm chịu ảnh hưởng từ sự cố kỹ thuật tại phân xưởng RFCC của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn khiến sản lượng xăng dầu trong 10 ngày đầu tháng 01 năm 2023 bị sụt giảm và nguy cơ nguồn cung xăng dầu bị ảnh hưởng do Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn gặp vấn đề về tài chính vào giai đoạn tháng 3 năm 2023.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương luôn xác định, năm 2023, nguồn cung, giá xăng dầu thế giới có nhiều biến động bất ổn do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, diễn biến tình hình Covid-19 tại Trung Quốc và việc Trung Quốc chính thức gỡ bỏ hầu hết các hạn chế xuất nhập cảnh; lệnh cấm của Liên minh châu Âu đối với các sản phẩm dầu tinh chế của Nga và việc OPEC+ quyết định giữ nguyên các biện pháp hạn chế sản lượng; triển vọng kinh tế toàn cầu không chắc chắn…
Trong bối cảnh đó, ngay từ cuối năm 2022, Bộ Công Thương đã có Công điện khẩn số 8544/CĐ-BCT ngày 31 tháng 12 năm 2022 gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu về việc bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường.
Trong tháng 4 và tháng 6 năm 2023, Bộ Công Thương đã 02 lần tổ chức cuộc họp với các thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu và thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu bàn về các giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong thời gian tới.
Đặc biệt, trong bối cảnh 2 Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Bình Sơn đã có kế hoạch và phải tạm dừng sản xuất để bảo dưỡng định kỳ trong tháng 8, Bộ Công Thương đã có kế hoạch phân giao tổng nguồn nhập khẩu ngay từ đầu năm. Lượng nhập khẩu đảm bảo sẽ bù đắp được nguồn cung xăng dầu thiếu hụt từ việc bảo dưỡng định kỳ, đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước.
Trong công tác điều hành giá xăng dầu trong nước thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, thực hiện nhất quán, đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới. Sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường trong nước, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Về phía các doanh nghiệp, thời gian qua đã tích cực nghiêm các chỉ đạo của Bộ Công Thương. Tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 6, ông Trần Ngọc Năm – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cho hay, trong bối cảnh Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn có kế hoạch bảo dưỡng từ 25/8, sẽ tác động đến nguồn cung của thương nhân vào tháng 9, 10. Tuy nhiên, do Bộ Công Thương đã có kế hoạch phân giao nhập khẩu ngay từ đầu năm nên dự kiến việc dừng để bảo dưỡng nhà máy theo định kỳ sẽ không ảnh hưởng đến nguồn cung do doanh nghiệp đã tăng nhập khẩu để bù đắp cho nguồn thiếu hụt.
“6 tháng cuối năm, tình hình nguồn cung xăng dầu cơ bản ổn định, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Chúng tôi sẽ theo dõi để thực hiện nghiêm kế hoạch của Bộ Công Thương về phân giao tổng nguồn nhập khẩu để đảm bảo ổn định nguồn hàng cho nhu cầu sử dụng trong nước” – ông Trần Ngọc Năm khẳng định.
Còn theo đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), năm 2023, theo kế hoạch, Nhà máy Nghi Sơn và Bình Sơn nhẽ ra trùng thời gian bảo dưỡng. Do đó, PVN đã yêu cầu Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn nỗ lực đẩy thời gian bảo dưỡng sang đầu năm 2024 để giảm bớt áp lực. Đây là nỗ lực của tập đoàn để góp phần đảm bảo nguồn cung.
Không để thiếu xăng dầu trong mọi tình huống
Để bảo đảm cung ứng xăng dầu, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp gồm:
Thứ nhất, thường xuyên rà soát, điều chỉnh phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu theo từng Quý, phù hợp với năng lực và khả năng đáp ứng của từng doanh nghiệp đầu mối nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống;
Thứ hai, tăng cường theo dõi, giám sát, đôn đốc các doanh nghiệp đầu mối nghiêm túc thực hiện kế hoạch phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu theo đúng số lượng, tiến độ (đặc biệt trong thời gian Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn tạm dừng hoạt động trong 55 ngày để bảo dưỡng, từ ngày 25/8/2023). Đồng thời, phối hợp với UBND tỉnh, thành phố đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu tại các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối và các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm;
Thứ ba, chỉ đạo PVN đôn đốc, giám sát các Nhà máy lọc dầu chủ động chuẩn bị các phương án để bảo đảm hoạt động ổn định, cung cấp đủ nguồn hàng ra thị trường theo cam kết; đồng thời, chuẩn bị các phương án (cả về kỹ thuật, nhân lực, vật tư, nguyên liệu) để hoạt động hết (và vượt) công suất nhằm tăng thêm nguồn cung cho thị trường;
Thứ tư, chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối chủ động tính toán sản lượng xăng dầu thiếu hụt từ nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn trong giai đoạn bảo dưỡng để xây dựng kế hoạch tạo nguồn cung ứng xăng dầu cho hệ thống phân phối và thị trường, không được để xảy ra tình trạng gián đoạn, đứt gãy nguồn cung;
Thứ năm, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc cập nhật, điều chỉnh kịp thời các chi phí kinh doanh xăng dầu, đồng thời điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới, sử dụng linh hoạt, hiệu quả công cụ Quỹ Bình ổn giá theo quy định của pháp luật, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Các chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã được đề cập thường xuyên tại các cuộc họp giao ban, các buổi làm việc với các đơn vị chức năng. Tin rằng với việc dự báo, bám sát tình hình, sự quan tâm, chỉ đạo sát sao cùng các giải pháp tối ưu, việc cung ứng xăng dầu sẽ được đảm bảo trong thời gian tới.