Nhà máy điện hạt nhân trở thành điểm nóng chiến trường, luật pháp quốc tế đã đủ sức bảo vệ?
Trong bối cảnh thế giới đầy biến động với những xung đột vũ trang diễn ra tại nhiều khu vực, việc bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng, đặc biệt là nhà máy điện hạt nhân trở thành vấn đề cấp bách hơn bao giờ hết. Các nhà máy điện hạt nhân với vai trò quan trọng trong việc cung cấp năng lượng cho xã hội, lại tiềm ẩn nguy cơ gây ra thảm họa hạt nhân khổng lồ nếu bị tấn công hoặc hư hại trong chiến tranh.
Nguy cơ từ xung đột vũ trang đối với nhà máy điện hạt nhân
Xung đột vũ trang có thể gây ra những nguy cơ trực tiếp hoặc gián tiếp đối với sự an toàn của nhà máy điện hạt nhân. Một cuộc tấn công trực diện, dù là cố ý hay vô tình, đều có thể phá hủy các thành phần quan trọng của nhà máy, dẫn đến rò rỉ phóng xạ với hậu quả khôn lường.
Một đợt kiểm tra của nhóm thanh sát hạt nhân thường trực của IAEA tại Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia hồi tháng 2. Ảnh: Reuters |
Các chuyên gia của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) cảnh báo, nguy cơ rò rỉ phóng xạ do hoạt động quân sự trong và xung quanh các cơ sở này là rất cao. Bên cạnh đó, giao tranh cũng có thể gián tiếp gây mất điện, gián đoạn nguồn cung cấp nước làm mát, hoặc ngăn cản nhân viên vận hành tiếp cận nhà máy, từ đó làm tăng nguy cơ xảy ra sự cố.
Cũng theo các chuyên gia tại ICRC, hậu quả của việc nhà máy điện hạt nhân bị hư hại trong xung đột vũ trang là vô cùng thảm khốc. Rò rỉ phóng xạ không chỉ gây chết người ngay lập tức với liều lượng Gamma cao và nhiễm phóng xạ qua đường hô hấp, mà còn để lại di chứng lâu dài về sức khỏe cho các thế hệ sau do đột biến gen.
Môi trường đất, nước và không khí cũng sẽ bị ô nhiễm phóng xạ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái, sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực trong khu vực rộng lớn, kéo dài hàng thập kỷ. Việc xử lý môi trường bị ảnh hưởng cũng tốn rất nhiều thời gia và trong một số trường hợp (như nguồn nước bị ô nhiễm) việc xử lý là bất khả thi.
Binh sĩ Nga canh gác bên ngoài nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia - Ảnh: Reuters |
Xung đột Nga - Ukrainelà minh chứng rõ nét nhất cho những nguy cơ này. Việc Nga kiểm soát nhà máy Chernobyl và Zaporizhzhia, đặc biệt là sau các vụ pháo kích gần nhà máy Zaporizhzhia đã và đang dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra sự cố hạt nhân trên diện rộng.
Khuôn khổ pháp lý quốc tế về bảo vệ nhà máy điện hạt nhân
Theo tác giả George M. Moore đăng trên trang Bulletin of the Atomic Scientists, mặc dù nhận thức được sự nguy hiểm của nhà máy điện hạt nhân trong chiến tranh, cộng đồng quốc tế vẫn chưa thể xây dựng một khuôn khổ pháp lý đủ mạnh để bảo vệ chúng một cách toàn diện.
Các điều khoản liên quan đến bảo vệ công trình, cơ sở chứa lực lượng nguy hiểm, bao gồm nhà máy điện hạt nhân, được đề cập trong Nghị định thư Bổ sung I và II của Công ước Geneva năm 1977. Cụ thể, Điều 56 của Nghị định thư Bổ sung I quy định chi tiết về các hành vi bị cấm đối với các công trình và cơ sở chứa lực lượng nguy hiểm, trong đó có nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên, những quy định này còn nhiều điểm hạn chế.
Thứ nhất, Nghị định thư Bổ sung I còn thiếu quy định cụ thể về tấn công vào nhà máy điện hạt nhân. Mặc dù nghiêm cấm tấn công vào các mục tiêu có thể gây rò rỉ lực lượng nguy hiểm và gây thiệt hại nghiêm trọng cho dân thường, Nghị định thư này lại chưa đưa ra định nghĩa rõ ràng về "thiệt hại nghiêm trọng", cũng như không quy định cụ thể về loại vũ khí và phương thức tấn công bị cấm. Điều này tạo ra kẽ hở cho các bên tham chiến lợi dụng để biện minh cho hành động tấn công của mình.
Thứ hai, việc diễn giải và áp dụng Nghị định thư Bổ sung I chưa thống nhất giữa các quốc gia. Điển hình là trường hợp Hoa Kỳ, quốc gia này chưa phê chuẩn Nghị định thư Bổ sung I và rõ ràng phản đối Điều 56 của Nghị định thư này. Trong tài liệu “Cẩm nang Luật Chiến tranh” của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, nước này khẳng định quyền tấn công vào các cơ sở chứa lực lượng nguy hiểm, bao gồm cả nhà máy điện hạt nhân, miễn là tuân thủ các nguyên tắc phân biệt và cân xứng trong luật chiến tranh. Lập trường của Hoa Kỳ cho thấy sự bất đồng trong cộng đồng quốc tế về vấn đề này, làm suy yếu nỗ lực chung nhằm bảo vệ các nhà máy điện hạt nhân trong xung đột vũ trang.
Theo đánh giá của tác giả George M. Moore, sự thiếu rõ ràng trong luật pháp quốc tế về vấn đề này dẫn đến những quan điểm khác nhau về tính hợp pháp của việc tấn công nhà máy điện hạt nhân trong chiến tranh. Trong khi nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế như ICRC lên án mạnh mẽ các hành động quân sự của Nga tại Ukraine, một số ý kiến lại cho rằng, việc tấn công nhà máy điện hạt nhân là không trái luật pháp quốc tế hiện hành, miễn là tuân thủ nguyên tắc phân biệt và cân xứng.
Giải pháp bảo vệ nhà máy điện hạt nhân
Để ngăn chặn thảm họa hạt nhân, trang Bulletin of the Atomic Scientists đã đưa ra một số nhận định và giải pháp. Theo đó, cộng đồng quốc tế cần hành động khẩn cấp và quyết liệt hơn nữa. Việc củng cố và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quốc tế là vô cùng cấp bách. Cộng đồng quốc tế cần nhanh chóng ban hành hiệp ước quốc tế mới hoặc sửa đổi các nghị định thư hiện hành, trong đó quy định rõ ràng về việc cấm tấn công vào nhà máy điện hạt nhân trong bất kỳ trường hợp nào, đồng thời thiết lập cơ chế giám sát và thực thi hiệu quả.
Bên cạnh đó, cần áp dụng đồng bộ các biện pháp cụ thể để tăng cường bảo vệ an ninh cho các nhà máy điện hạt nhân như các bên tham chiến cần nhất trí thiết lập vùng phi quân sự xung quanh nhà máy điện hạt nhân, nghiêm cấm mọi hoạt động quân sự trong khu vực này.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) cần được trao thêm thẩm quyền và nguồn lực để giám sát chặt chẽ hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân, đặc biệt là trong khu vực xung đột.
Ngoài ra, các quốc gia sở hữu nhà máy điện hạt nhân cần chia sẻ thông tin minh bạch về hoạt động của nhà máy, cũng như các biện pháp bảo vệ an ninh đang được áp dụng cho cộng đồng quốc tế.
Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân gần đây nhất được tổ chức vào tháng 4/2016 tại Washington, DC. Ảnh: Flickr |
Trong bối cảnh an ninh mạng ngày càng quan trọng, trang Bulletin of the Atomic Scientists cũng cho rằng cần tăng cường đầu tư và hợp tác quốc tế để bảo vệ các hệ thống điều khiển của nhà máy điện hạt nhân khỏi các cuộc tấn công mạng.
Để thúc đẩy các giải pháp trên, tác giả George M. Moore đưa ra gợi ý về việc cộng đồng quốc tế có thể xem xét khôi phục Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân, tương tự như sáng kiến của chính quyền Tổng thống Obama giai đoạn 2010-2016. Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân mới có thể tập trung thảo luận về các vấn đề liên quan đến bảo vệ an toàn cho các lò phản ứng và cơ sở hạt nhân trong thời chiến, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ hơn trong vấn đề này.