Có rất nhiều nhà đầu cơ chứng khoán. Nhưng gắn bó đến mức coi đầu cơ là cuộc sống, coi đó là sân chơi để bỡn cợt, là sòng bạc để kiếm tiền và thành công đến mức có thể tôn thờ nó như nghệ thuật và triết lý hóa nó cho hậu thế thì chỉ có một người, đó là André Kostolany.
Từ khi 13 tuổi cho tới lúc qua đời ở tuổi 93, Andre Kostolany luôn tự hào và thấy hãnh diện về danh hiệu “nhà đầu cơ”, trong khi kẻ khác nếu bị gọi như vậy thường cảm thấy như thể mình bị thóa mạ. Bí quyết thành công của Kostolany trên thị trường chứng khoán là luôn đầu cơ giá xuống.
Bài học vỡ lòng đầu tiên của Kostolany là đầu cơ tiền tệ và ở thủ đô Viên của nước Áo. Andre Kostolany vốn là người Hungari. Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, gia đình ông di cư từ Budapest sang Viên. Cậu bé Andre khi đó mới 13 tuổi đã biết kiếm tiền bằng việc mua tiền của nước này để đổi sang tiền của nước khác kiếm lời. Năm 1924, Kostolany sang Paris với dự định theo học phê bình nghệ thuật. Nhưng kể từ khi nhận ra rằng, có thể dễ dàng kiếm tiền bằng đầu cơ cổ phiếu trên thị trường chứng khoán thì Kostolany mất hết hẳn nhiệt huyết học hành tại trường đại học. Kiếm tiền và làm giàu được Kostolany nâng lên thành lẽ sống. Tiền là tất cả, vì tiền Kostolany sẵn sàng hy sinh tất cả. Đạo đức hay tình nghĩa không khiến Kostolany bận tâm nếu không đem lại tiền của. “Quan điểm về giá trị của tôi đã thay đổi hoàn toàn. Tôi chỉ còn quan tâm đến tiền”, ông đã nhiều lần tuyên bố như vậy. Vì thế, đầu cơ trên thị trường chứng khoán được Kostolany khái quát thành “kiếm tiền từ nỗi đau của kẻ khác”.
Sau khi học lỏm được một vài chiêu của một nhà môi giới chứng khoán rất thành đạt trên Sở giao dịch chứng khoán Paris, Kostolany đăng ký hành nghề môi giới chứng khoán độc lập. Vì luật pháp không cho phép người hành nghề môi giới chứng khoán trực tiếp kinh doanh chứng khoán nên Kostolany đã kinh doanh dưới danh của người khác. Luật pháp không cho phép đi thẳng thì Kostolany tìm đường đi vòng hoặc đường quanh co nào cũng được, miễn là nó đưa ông đến với tiền. Để tranh thủ khách hàng là những ông chủ ngân hàng người Thụy Sỹ, Kostolany còn đích thân dẫn họ đến nhà thổ ở kinh thành Paris.
Kostolany sống gần như trọn thế kỷ 20 và do vậy là nhân chứng của chiến tranh và khủng hoảng kinh tế, tài chính và tiền tệ. Bài học mà Kostolany nhận ra được từ rất sớm là khủng hoảng đưa lại cơ hội đầu cơ béo bở nhất. Vấn đề là biết trước thông tin và dự báo chính xác. Năm 1929, vào Ngày Thứ Sáu đen tối, khi giá cổ phiếu ở các nơi khác trên thế giới trượt dốc thì ở Paris vẫn như thể không có gì xảy ra. Trong khi số đông cho rằng giá cổ phiếu ở Paris vẫn còn tăng thì Kostolany đã trù tính khả năng suy giảm và đến khi giá cổ phiếu ở Paris giảm thê thảm thì Kostolany chỉ trong phút chốc đã trở thành người giàu có. “Thành công trên thị trường chứng khoán là một nghệ thuật, chứ không phải một môn khoa học”, đó là kết luận của Kostolany từ phi vụ đầu cơ này.
“Ai nhiều tiền thì có thể đầu cơ, ai ít tiền thì không được phép đầu cơ, ai không có tiền thì phải đầu cơ” cũng như “trên thị trường chứng khoán, 2 nhân 2 không bao giờ bằng 4, mà bằng 5 trừ 1. Người ta phải có đủ bản lĩnh để chịu đựng được cái trừ 1 đó”. Đây là hai triết lý đầu cơ nổi tiếng nhất của Kostolany. Rất có thể đó là bài học cay đắng của Kostolany từ phi vụ đầu cơ bị thất bại thảm hại năm 1931. Lúc ấy ông trù tính giá cổ phiếu giảm nhưng đùng một cái, tổng thống Mỹ Hoover xóa cho nước Đức nhiều khoản bồi thường chiến tranh nên giá tăng cao khiến Kostolany mất gần hết những gì đã có được. Kostolany tự an ủi, được thua là chuyện bình thường. Điều quyết định là số lần đầu cơ đúng nhiều hơn số lần đầu cơ sai. Kostolany đoán rằng Đảng quốc xã lên nắm quyền ở nước Đức sớm muộn cũng sẽ đẩy các nước Châu Âu và thị trường tài chính, tiền tệ vào thảm họa, chậm nhất cũng chỉ đến cuối thập kỷ 30. Thực tế đã xảy ra đúng như vậy và Kostolany gỡ gạc lại được những gì đã bị mất.
Trong đầu cơ và cuộc sống, Kostolany dựa vào linh tính, bản năng nhiều hơn là tính toán lô gic, khoa học. Cũng có thể gọi đó là năng khiếu đầu cơ của con người này. Sau phi vụ nói trên, Kostolany đoán rằng chiến tranh sẽ xảy ra ở Châu Âu và khi đó thì Paris không còn là thánh địa cho đầu cơ chứng khoán nữa. Kostolany lại có gốc Do Thái. Vì thế cao chạy xa bay là thượng sách. Ngay trước khi quân đội Đức đánh chiếm Paris, Kostolany đã chạy sang Mỹ. Vẫn tư duy và triết lý ấy, vẫn nhằm vào giá cổ phiếu giảm để đầu cơ và vẫn không làm những gì mà số đông trên thị trường chứng khoán ở Mỹ thường làm, ông đã nhanh chóng trở thành cây đa cây đề ở Phố Wall, đầu cơ trận nào thắng trận ấy. Thành tích đầu cơ của Kostolany ở Mỹ vang dội đến mức làm chính nhà đầu cơ này đủ tự tin để mở khóa dạy về kinh doanh và đầu tư chứng khoán. Kostolany trở thành nhà đầu cơ chứng khoán đầu tiên công khai truyền bá ý tưởng và kinh nghiệm, triết lý và thủ thuật đầu cơ. Những cuốn sách của Kostolany bán chạy như tôm tươi. Những bài bình luận về thị trường chứng khoán của Kostolany trên các báo và tạp chí, đài phát thanh và truyền hình đều được đón nhận và trả giá cao. Thế hệ đầu cơ trẻ vốn rất khoái những khái quát hóa đầy hài hước của Kostolany như “Thị trường chứng khoán phụ thuộc vào việc ở đó có nhiều thằng ngốc hơn hay nhiều cổ phiếu hơn. Nếu ở đó có nhiều thằng ngốc hơn cổ phiếu thì giá sẽ giảm và ngược lại”.
Theo Kostolany, nhà đầu cơ muốn thành công phải hội tụ được cả hai tố chất và hai nhân tố. Đó là, ý tưởng và kiên nhẫn, tiền và may mắn. Không nên ăn sổi ở thì mà phải có chiến lược lâu dài, không nên để bị chi phối bởi biến động giá cổ phiếu hàng ngày mà nên lựa chọn loại cổ phiếu thích hợp để đầu tư hoặc đầu cơ dài hạn, nên chọn cổ phiếu làm đối tượng để đầu tư hoặc đầu cơ chứ không nên chọn các hình thức hay sản phẩm khác trên thị trường chứng khoán bởi theo Kostolany “cổ phiếu chỉ rủi ro về ngắn hạn chứ không rủi ro về dài hạn” - đó là những kết luận thường được Kostolany nhắc đi nhắc lại.
Những năm tháng cuối đời, Kostolany sống ở Paris với vợ là người Pháp, bị giằng xé giữa lý trí và tình cảm: vẫn ham muốn xung trận đầu cơ, nhưng lại không sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm như trước nữa. Ông công khai thổ lộ điều đó: “Bi kịch đối với những nhà đầu cơ già như chúng tôi là kinh nghiệm có thừa nhưng không còn đủ can đảm để đầu cơ nữa”. Ông tự ví mình như một phi công mà theo ông thì có phi công già và phi công quả cảm, nhưng lại không thể có phi công già mà quả cảm. Kostolany mất ở tuổi 93. Rất ít nhà đầu cơ trứ danh thọ được đến như vậy.
Theo DDDN