Thứ hai 23/12/2024 15:50

Người trồng hoa, cây cảnh tại Đà Nẵng, Quảng Nam “hồi hộp” chờ vụ Tết

Hầu hết các nhà vườn trồng hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu tại Đà Nẵng, Quảng Nam đều giảm số lượng so với năm ngoái. Sau nhiều tháng “đánh vật” với thời tiết khắc nghiệt, đến thời điểm hiện tại, hoa và cây cảnh đều có thể xuất vườn. Tuy nhiên, người nông dân vẫn đang "hồi hộp" chờ sự đón nhận của thị trường.

Hoa, cây cảnh truyền thống giảm cả về số lượng, chủng loại

Mặc dù đã đầu tháng Chạp, nhiều nhà vườn trồng các loại hoa, cây cảnh trưng bày Tết vẫn còn thưa vắng thương lái. Theo các chủ vườn, do lo ngại dịch Covid-19 nên hầu hết giảm lượng trồng so với mọi năm và nhiều thương lái vẫn chưa dám “xuống tiền” đặt cọc mà nghe ngóng tình hình.

Đến thời điểm hiện tại, đơn đặt hàng của thương lái vẫn còn ít nhưng cô Võ Thị Thu Lợi (Hội An, Quảng Nam) vẫn lạc quan và mong quất sẽ xuất vườn hết trước 22 tháng Chạp

Xã Cẩm Hà và phường Thanh Hà (TP. Hội An, Quảng Nam) nổi tiếng là thủ phủ quất cảnh của cả miền Trung, chuyên cung ứng quất cảnh cho không chỉ tỉnh Quảng Nam, TP. Đà Nẵng mà còn đi khắp cả nước.

Mọi năm, vào thời điểm cuối tháng 11, đầu tháng 12 âm lịch, các nhà vườn đã nhộn nhịp người đến tìm đặt hàng để bán Tết. Nhưng năm nay thưa vắng hơn nhiều. Bà Võ Thị Thu Lợi, nhà vườn Nguyễn An (phường Thanh Hà, TP. Hội An) cho biết, năm nay gia đình bà chỉ trồng khoảng hơn 1.000 chậu quất các loại (lớn, nhỏ, mini), giảm tới 30% so với năm trước. “Mọi năm thương lái đặt hàng sớm. Năm nay mới đến coi rồi dặn quay lại”, bà Lợi nói và cho biết thêm, giá quất xuất vườn năm nay sẽ chỉ bằng, thậm chí giảm nhẹ so với năm trước.

Theo bà Lợi, bình thường sản lượng ít thì giá sẽ cao nhưng do tình hình kinh tế nên giá sẽ như mọi năm, thậm chí thấp hơn một chút, chớ không thể cao được. “Chủ yếu là đến ngoài 20 thương lái đến chở mới biết sức mua. Ai cũng khó khăn, mình cũng vậy. Biết đâu quất sẽ được đón nhận nhiều thì sao. Được đến đâu thì hay đến thôi. Mình cũng không biết được thị trường. Thời tiết khắc nghiệt nên chi phí phát sinh nhiều mới giữ được cây. Nhà vườn như này là mừng rồi. Chỉ cầu là bán mua lên xe nữa thôi”, bà Lợi lạc quan nói.

Các vườn hoa cúc chậu tại làng hoa Dương Sơn (Đà Nẵng) đang trong cao điểm ngắt nụ cúc phụ và đang chờ đợi thương lái

Trái với cảnh tấp nập mọi năm, đến làng hoa Dương Sơn (Hòa Châu, Hòa Vang, Đà Nẵng) bây giờ chỉ bắt gặp những lao động thời vụ ngắt nụ, còn thương lái rất thưa thớt.

Ông Lý Phước Dạng - Tổ trưởng Tổ hợp tác hoa Dương Sơn - cho biết, năm nay chất lượng hoa không được như kỳ vọng do ảnh hưởng cực đoan của thời tiết. Bên cạnh đó, do lo ngại dịch bệnh nên các hộ trồng hoa của tổ hợp tác đã chủ động giảm lượng hoa trồng so với năm 2020. “Tết năm ngoái, làng hoa cung ứng ra thị trường hơn 20.000 chậu cúc các loại, thì năm nay giảm xuống chỉ còn khoảng 15.000 chậu. Các loại hoa khác cũng tương tự, giảm khoảng 25-30% về lượng”. Bản thân gia đình ông Dạng năm nay cũng chỉ trồng khoảng hơn 800 chậu cúc, giảm 1/3 so với năm ngoái (1.200 chậu).

Vất vả trồng và chăm là vậy, nhưng ông Dạng cho biết, đến thời điểm hiện tại mới có rất ít thương lái đến xem hoa và đặt hàng. “Nếu hoa không được thu mua hết ngay tại vườn thì các chủ vườn tính đến phương án tự mang hoa đến các chợ, khu dân cư để bán”, ông Dạng nói và cho biết, giá hoa năm nay cũng sẽ không được như kỳ vọng do khó khăn kinh tế chung.

Đã có thâm niên trong nghề trồng cúc nhiều năm, ông Ngô Đoàn Phương Lịnh (làng hoa Gò Giảng, Hòa Phong, Hòa Vang) cho hay, may mắn năm nay vườn cúc của ông ra nụ đúng thời điểm và đạt năng suất tương đối. Tuy nhiên, cũng do lo ngại dịch bệnh nên ông đã chủ động giảm lượng cúc chậu từ 3.000 chậu xuống chỉ còn 2.000 chậu cúc pha lê và cúc đại đóa. “Mình làm lâu ngày nên các bạn hàng cũng đã tìm đến và đặt hàng tương đối. Giờ chỉ mong đến ngày xuất cúc thời tiết thuận lợi và hoa sẽ nở đúng như mong muốn. Trong hoàn cảnh hiện tại, như vậy là may mắn rồi”, ông Lịnh chia sẻ.

Các loại hoa chậu nhỏ, hoa treo giàn, hoa mini được thị trường ưa chuộng

Các loại hoa mới, ngắn ngày, mini được ưa chuộng

Ngược lại với sự “thấp thỏm” của các loại cây cảnh, hoa truyền thống, thì các nhà vườn trồng các loại hoa mới, ngắn ngày, loại mini, hoa treo giàn vẫn được thị trường đón nhận tích cực.

Dù quất vẫn thưa thớt người đặt hàng, nhưng bù lại, nhà vườn Nguyễn An lại có khoảng 5.000 chậu hoa nhỏ và liên tục cung ứng ra thị trường. “Mình trồng theo thị hiếu, theo nhu cầu của thị trường”, cô Võ Thị Thu Lợi chia sẻ.

Là một điển hình tiên phong trồng hoa treo giàn công nghệ cao tại làng hoa Gò Giảng từ năm 2018, ông Phạm Văn Hùng cho biết, Tết năm nay vườn của ông dự kiến cung ứng ra thị trường khoảng hơn 25.000 chậu, giỏ hoa treo giàn các loại như dừa cạn, triệu chuông, dạ yến thảo, phong lữ thảo, đỗ quyên… và một số loại cây xanh khác. “TP. Đà Nẵng có đặt một số hoa để phục vụ trang trí đường hoa. Ngoài ra, các thương lái, bạn hàng cũng đặt hàng liên tục. Vườn mình có hàng rồi giao chứ không nhận tiền trước vì sợ không đủ hàng để giao cho khách”, ông Hùng nói và cho biết, dự kiến năm 2021, vườn sẽ nâng tổng sản lượng hoa chậu nhỏ cung ứng ra thị trường đến 100.000 chậu. Giá bán các loại hoa vẫn như thời điểm bình thường trong năm, dao động từ 30.000 - 80.000 đồng/chậu tùy loại.

Ông Cao Tấn Ca cho biết, trồng hoa chậu nhỏ, ngắn ngày được người tiêu dùng đón nhận và có thể tiêu thụ quanh năm

Cùng ở làng hoa Gò Giảng, ông Cao Tấn Ca đang chăm chút cho các chậu cúc đất, hướng dương, thu hải đường, thược dược lùn… để đợi đến ngày xuất hoa ra thị trường. Ông Ca cho biết, giá bán các loại cây này không cao, có loại chỉ khoảng 20.000 đồng, nhưng thời gian chăm sóc ngắn, lượng hoa cũng nhiều. Và quan trọng là được thị trường ưa chuộng và không chỉ tiêu thụ dịp Tết mà có thể tiêu thụ quanh năm.

Vũ Lê
Bài viết cùng chủ đề: tỉnh Quảng Nam

Tin cùng chuyên mục

Ngành Công Thương Sơn La đề xuất 5 giải pháp chống lãng phí

Hợp tác xã Nấm Tam Đảo: Hỗ trợ người dân làng Nủ khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa

Quảng Bình: Đảm bảo cung ứng nguồn hàng hoá an toàn cho thị trường Tết nguyên đán

TP. Hải Phòng chi 4.000 tỷ đồng cho thu nhập tăng thêm đối với công chức trong 3 năm

Thanh Hóa: Triển khai các giải pháp để tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,0% trở lên trong năm 2025

Trở lại nơi làm nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận: Bài 3 - Vào cuộc với hào khí anh hùng

Sóc Trăng: Nông dân kỳ vọng lớn vào vụ hành tím sớm phục vụ Tết

Tuyên Quang: Giá trị sản xuất ngành công nghiệp huyện Na Hang tăng 12%

Thanh Hóa: Triển khai có hiệu quả chính sách giảm nghèo bền vững

Đồn Biên phòng Lũng Cú tiếp tục trồng cây xanh bảo vệ biên giới

Bài 2 - Tự hào vì quê hương có nhà máy điện hạt nhân

Sở Công Thương Hà Giang: Quảng bá, giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

Khai mạc Tuần Du lịch – Văn hóa Lai Châu năm 2024

Quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP và đặc sản tỉnh Nghệ An năm 2024

Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh thành khu kinh tế năng động, thông minh

Kết nối đầu tư, thương mại và du lịch 2 tỉnh Sơn La và Thanh Hóa

Hậu Giang: Phát triển công nghiệp là ưu tiên hàng đầu trong năm 2025

Trở lại nơi làm nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận: Bài 1 - Đồng thuận và mong chờ

Đồng Tháp: Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 93,75%, cao hơn bình quân cả nước

Ngành Công Thương Thanh Hóa triển khai hiệu quả khuyến công, góp phần xóa đói giảm nghèo