Người dân miền Trung hối hả chuẩn bị phòng chống bão số 4 (Noru)
Sáng 25/9, cơn bão số 4 - bão Noru mạnh cấp 15, giật cấp 17, cách Philipines khoảng 250 km về phía Đông; dự báo chiều nay (25/9), cơn bão sẽ đổ bộ vào Philippines, sau đó đêm nay, rạng sáng mai (26/9) bão sẽ vào Biển Đông, đến khu vực biển quần đảo Hoàng Sa với cường độ cấp 12-13, giật cấp 16.
Bão số 4 sẽ đạt cường độ mạnh nhất (cấp 13, giật cấp 16) trên Biển Đông vào ngày 27/9. Từ chiều 27/9, bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Huế - Quảng Ngãi. Khả năng cao khi vào gần bờ, cường độ bão Noru cấp 12-13.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 (màu đỏ - rủi ro rất lớn – là cấp rủi ro thiên tai chỉ đứng sau cấp 5 – thảm họa trong thang 5 cấp rủi ro thiên tai). Đây là cơn bão rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, dự báo sẽ đổ bộ vào đất liền khu vực Trung Bộ, có thể gây mưa rất lớn, kéo theo đó là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Vị trí bão số 4 - bão Noru vào hồi 13 giờ ngày 25/9. |
Với ảnh hưởng nguy hiểm mà cơn bão có thể mang lại, trong sáng ngày 25/9, người dân các tỉnh miền Trung đã chủ động chuẩn bị ứng phó, phòng chống cơn bão số 4 - bão Noru.
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, các công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 4 đều đang được các lực lượng chức năng cùng người dân gấp rút chuẩn bị.
Đồn biên phòng Thuận An (Thừa Thiên Huế) họp bàn phương án phòng chống bão số 4 - bão Noru |
Lực lượng biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế hỗ trợ giúp dân chèn chống nhà cửa. |
Ngư dân Thừa Thiên Huế tấp nập về bờ, vận chuyển cá để di chuyển đến nơi ấn nấp trước nguy cơ bão đổ bộ vào đất liền. |
Tại thành phố Đà Nẵng, các lực lượng chức năng đang tích cực hướng dẫn ngư dân gần bờ neo đậu tàu thuyền an toàn.
Các cán bộ chiến sĩ thuộc Đồn Biên phòng Sơn Trà gấp rút hỗ trợ sắp xếp các tàu thuyền neo đậu đến nơi an toàn. |
Tại các cảng cá, âu thuyền, ngư dân tập trung gia cố các trụ giữ tàu thuyền, thu cất ngư lưới cụ. Tại các tuyến đường biển, người dân gấp rút chằng chống nhà cửa, thu dọn các đồ vật dễ hư hỏng bởi gió bão.
Ngư dân Đà Nẵng đưa tàu thuyền nhỏ lên bờ trú bão |
Các đơn vị môi trường và công ty cây xanh cũng đang gấp rút thu gom rác thải trên các tuyến đường và hoàn thành chằng chống hạn chế ngã đổ cây.
Tại tỉnh Quảng Nam, người dân tại phường Cửa Đại (thành phố Hội An) hay xã Tam Thanh (thành phố Tam Kỳ) đã tổ chức chằng chống, gia cố nhà cửa, nhà hàng bằng những bao cát (nặng khoảng 30 kg) để trên mái nhà, cửa sổ.
Người dân thành phố Tam Kỳ sử dụng bao cát để lên mái tôn nhằm chằng chống nhà cửa. |
Bên cạnh đó, tại các nhà hàng ven biển kéo dài suốt dọc tỉnh Quảng Nam, người dân đã bắt đầu thu dọn chòi tranh, ghế nằm những thứ phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi cho du khách tắm biển để đưa vào khu vực an toàn nhằm tránh sự tàn phá của gió bão.
Người dân thành phố Hội An gia cố lại bờ kè biển chống sạt lở. |
Đồng thời, các tàu bè, thuyền cá gần bờ đã chủ động neo đậu an toàn. Nhiều ngư dân chủ động tháo dỡ các thiết bị máy móc, áo phao, đồ vật có giá trị trên các tàu thuyền để bảo quan tránh hư hại do mưa bão.
Ngư dân Quảng Nam cho tàu thuyền vào neo đậu tại bến Cửa Đại để tránh bão. |
Tại tỉnh Quảng Ngãi, từ sáng sớm ngày 25/9, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo chính quyền các địa phương ven biển và Bộ đội biên phòng khẩn trương kêu gọi tàu thuyền nằm trong vùng nguy hiểm tìm nơi tránh trú.
Ghi nhận tại một số lồng, bè đang nuôi trồng thủy sản ven biển tại huyện ven biển Bình Sơn và thành phố Quảng Ngãi, các chủ lồng bè đều đang khẩn trương di chuyển vào nơi neo đậu an toàn, cùng với đó đưa tàu nhỏ lên bờ để hạn chế thiệt hại. Các lực lượng, phương tiện cùng với người dân ra sức chằng chống, gia cố nhà ở, công trình, nhà xưởng,... chặt tỉa cành cây để bảo bảo đảm các điều kiện an toàn