Nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số và cơ sở dữ liệu cho giám sát và đánh giá tác động của VPA/FLEGT đến người dân tộc thiểu số
Trung tâm Phát triển Nông thôn bền vững (SRD) và Tổng cục Lâm nghiệp đồng chủ trì, cùng phối hợp với Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung Việt Nam (CRD) tổ chức cuộc họp tham vấn về “Nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số và cơ sở dữ liệu cho giám sát và đánh giá tác động của VPA/FLEGT đến người dân tộc thiểu số”. Mục tiêu tổng thể của nghiên cứu này là phát triển chỉ số và và cơ sở dữ liệu ban đầu cho giám sát tác động của VPA/FLEGT đến cộng đồng dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Các mục tiêu cụ thể bao gồm: Tổng quan tài liệu về chỉ số giám sát tác động của VPA/FLEGT đến cộng đồng dân tộc thiểu số; Xác định 10 huyện điển hình trên toàn quốc để xây dựng cơ sở dữ liệu ban đầu cho giám sát tác động của VPA/FLEGT đến cộng đồng dân tộc thiểu số trong thời gian tới; Khảo sát đánh giá và xây dựng cơ sở dữ liệu ban đầu cho giám sát tác động của VPA/FLEGT đến cộng đồng dân tộc thiểu số.
Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi Luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu được ký kết vào ngày 19/10/2018 và có hiệu lực từ ngày 01/6/2019. Hiệp định được ban hành kèm theo Quyết định số 1642/QĐ-TTg ngày 14/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Theo Phụ lục IX, những tác động về kinh tế, xã hội và môi trường của quá trình thực thi Hiệp định phải được giám sát và đánh giá, và, dựa trên cơ sở đó, đề xuất những biện pháp phù hợp để giảm thiểu các tác động tiêu cực nếu có lên cộng đồng người dân tộc thiểu số (DTTS) và các cộng đồng ở nông thôn, các hộ gia đình và ngành công nghiệp gỗ theo cam kết ở Điều 16 của Hiệp định. Để đạt được mục tiêu này, Khung giám sát và đánh giá tác động VPA/FLEGT đã được xây dựng và phê duyệt tại Quyết định số 2/2021 của Ủy ban thực thi chung (JIC).
Khung giám sát và đánh giá tác động VPA/FLEGT đã xác định các lĩnh vực tác động về xã hội, môi trường, kinh tế, thực thi luật/quản trị và về hợp tác quốc tế đồng thời đưa ra các chỉ số cho mỗi lĩnh vực. Tuy nhiên, các chỉ số tác động của VPA/FLEGT đến người dân tộc thiểu số còn chung chung và chưa đầy đủ, đồng thời nhiều chỉ số chưa có cơ sở dữ liệu ban đầu. Do đó, một nhiệm vụ đã được đặt ra là phát triển chỉ số và xây dựng cơ sở dữ liệu ban đầu để thực hiện giám sát đánh giá tác động của VPA/FLEGT.
Tiến trình thực hiện nghiên cứu được chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn thử nghiệm; Giai đoạn hoàn thiện thiết kế; Giai đoạn thực hiện khảo sát, với các hoạt động chính trong từng giai đoạn như sau: Giai đoạn thử nghiệm: Tổng quan tài liệu để xây dựng bộ chỉ số, phương pháp xác định địa điểm khảo sát, công cụ thu thập thông tin; Tham vấn ý kiến chuyên gia cho bộ chỉ số, phương pháp, và công cụ thu thập thông tin; Thực hiện khảo sát thí điểm.
Giai đoạn hoàn thiện thiết kế: Hội thảo tham vấn ý kiến cho thiết kế nghiên cứu (bao gồm: Phương pháp chọn điểm; Chỉ số giám sát, đánh giá; Phương pháp và công cụ khảo sát); Hoàn thiện thiết kế theo góp ý.
Giai đoạn thực hiện khảo sát chính thức: Khảo sát thu thập thông tin tại 10 tỉnh được chọn; Thiết lập cơ sở dữ liệu ban đầu; Viết báo cáo khảo sát ban đầu.
Đến nay, nghiên cứu đã hoàn thành Giai đoạn thử nghiệm với các kết quả đạt được bao gồm: Bộ chỉ số giám sát và đánh giá (GS&ĐG) VPA/FLEGT đến đối tượng người dân tộc thiểu số; Phương pháp chọn điểm khảo sát và chọn được 10 huyện khảo sát (thuộc 10 tỉnh); Phương pháp và công cụ thu thập thông tin./.