Nghỉ Tết Nguyên đán: Sao không cố định một kỳ nghỉ Tết?
3 phương án cho kỳ nghỉ Tết Nguyên đán
Hiện Cục An toàn lao động đã báo cáo tổng hợp góp ý về thời gian nghỉ Tết Nguyên đán 2023 lên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để trình Chính phủ xem xét vào cuối tháng 9 này.
Trước đó, khi đưa ra lấy ý kiến, hai phương án đề xuất nghỉ Tết của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã nhận nhiều ý kiến góp ý khác nhau của các bộ, ngành về thời gian nghỉ Tết và bắt đầu nghỉ từ ngày nào?
Phướng án 1, nghỉ Tết 7 ngày liên tục được các bộ như Bộ Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... lựa chọn.
Phương án 2, nghỉ Tết 9 ngày được Bộ Tài chính là cơ quan duy nhất lựa chọn.
Trong khi đó, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra phương án khác là nghỉ tám ngày. Cụ thể, nghỉ từ ngày 19-1-2023 đến hết 26-1-2023, tức từ ngày 28 tháng chạp năm Nhâm Dần đến hết mùng 5 tháng giêng năm Quý Mão, làm bù một ngày thứ bảy sau đó.
Theo Cục An toàn lao động, với ngày làm việc xen kẽ nghỉ Tết với cuối tuần, doanh nghiệp, các cơ quan có thể tự bố trí nghỉ bù để công chức, người lao động có kỳ nghỉ kéo dài. Còn lịch nghỉ Tết vẫn sẽ được thông báo chung.
Cục An toàn lao động cũng cho hay, phương án nghỉ Tết bảy ngày chưa phải là phương án cuối cùng. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội còn nghiên cứu, điều chỉnh trước khi trình Thủ tướng vào cuối tháng 9-2022. Đối với ý kiến người lao động mong muốn được nghỉ trước Tết dài ngày hơn, cũng cần nghiên cứu, đề xuất phương án phù hợp cho cả người lao động và người sử dụng lao động.
Việc thống nhất một kỳ nghỉ Tết sẽ giúp người lao động chủ động được mọi kế hoạch cũng như đỡ lãng phí thời gian, công sức tốn kém |
Trước đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra hai phương án để lấy ý kiến các bộ, ngành về đề xuất nghỉ Tết Nguyên đán năm 2023 kéo dài bảy ngày và chín ngày.
Về phương án nghỉ 7 ngày, công chức, viên chức sẽ nghỉ hai ngày trước Tết và ba ngày sau Tết, từ ngày 20-1-2023 đến hết ngày 26-1-2023, tức ngày 29 tháng chạp năm Nhâm Dần đến hết mùng 5 tháng giêng năm Quý Mão.
Còn phương án nghỉ 9 ngày thì người lao động nghỉ một ngày trước Tết và chín ngày sau Tết, từ ngày 21 đến hết ngày 29-1-2023, tức từ ngày 30 tháng chạp năm Nhâm Dần đến hết mùng 8 tháng giêng năm Quý Mão.
Trong hai phương án, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiêng về hướng chọn nghỉ Tết âm lịch bảy ngày, bởi cho rằng phương án này đảm bảo tổng số ngày nghỉ liên tục không quá dài và hài hòa thời gian nghỉ trước và sau Tết.
Sao không cố định một kỳ nghỉ Tết?
Từ khi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lấy ý kiến các bộ, ngành về phương án nghỉ Tết Nguyên đán, rất nhiều các chuyên gia, người dân đã đưa ra ý kiến, phương án khác nhau về vấn đề này. Tuy nhiên, đa số dư luận đều cho rằng, tại sao không cố định một lịch nghỉ Tết và duy trì hàng năm. Tránh tình trạng mỗi năm cứ “đến hẹn lại lên”, lại xin ý kiến và chờ thống nhất lịch nghỉ Tết?
Cụ thể, năm nay, khi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra lấy ý kiến phương án nghỉ 7 ngày và 9 ngày nghỉ tết 2023, mỗi bộ, ngành đều có ý kiến khác nhau, thậm chí Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam còn đưa ra hẳn một phương án thứ 3 là nghỉ 8 ngày. Và lý lẽ đưa ra thì Bộ, ngành nào cũng có lý!
Các bộ, ngành ủng hộ phương án 1 (nghỉ 7 ngày) thì cho rằng nghỉ ngắn là phù hợp, không mất nhiều thời gian. Bộ, ngành ủng hộ phương án nghỉ 9 ngày thì cho rằng nghỉ dài là tạo điều kiện cho người lao động đi làm ăn xa có thời gian để di chuyển, nghỉ ngơi, đoàn tụ gia đình sau 1 năm xa cách. Đơn vị ủng hộ phương án 8 ngày thì lại cho rằng cần “hài hòa” giữa các bên!
Anh Lê Anh Minh - quản đốc tại một nhà máy Khu công nghiệp Bắc Thăng Long cho biết: quê anh ở tận trong Hà Tĩnh nên năm nào cũng thế, cứ đến tháng 9-10 là anh và cả gia đình đã liên tục “hóng” tin tức xem Tết năm nay chính thức được nghỉ bao nhiêu ngày, và nghỉ từ ngày nào để gia đình lên kế hoạch về quê, có năm anh kết hợp cả về quê và đi du lịch. Tuy nhiên, đến hiện tại con số nghỉ 7 hay 8 hay 9 ngày vẫn chưa chốt được nên những dự định cho Tết Nguyên đán của anh cũng chưa chốt được. Anh Minh cho rằng: các bộ ngành nên “cải tiến” quy trình này bằng việc thống nhất một lịch nghỉ Tết cố định hàng năm. Việc này vừa đỡ mất thời gian lấy ý kiến của các bộ, ngành, vừa tạo điều kiện cho người lao động chủ động được mọi công việc.
Bên cạnh đó, cũng nhiều ý kiến cho rằng cả 2 phương án nghỉ Tết Nguyên đán mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra là 7 ngày và 9 ngày đều chưa hợp lý.
Chị Nguyễn Hoàng Anh làm việc tại một nhà máy phân bón trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Cả hai phương án nghỉ 7 hay 9 ngày đều không hợp lý. Phương án nghỉ Tết 7 ngày bắt đầu nghỉ từ 29 tháng chạp, phương án nghỉ 9 ngày bắt đầu nghỉ từ 30 tháng chạp! Cả hai phương án này đều nghỉ quá muộn, người lao động không còn thời gian để thu xếp, mua sắm, trang hoàng cho Tết. Nhất là những người lao động như chị Hoàng Anh (quê tận Điện Biên) khi di chuyển về quê cũng mất gần một ngày đường! “Chính vì thế, về lâu dài cần thống nhất một phương án nghỉ Tết cố định và hợp lý, và được nghỉ ít nhất 2-3 ngày trước Tết để người lao động có thời gian sắp xếp việc gia đình, mua sắm, di chuyển về quê…” – chị Hoàng Anh cho biết.
Cũng theo khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, với 2 phương án nghỉ Tết 7 và 9 ngày mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra để lấy ý kiến, có 80% người lao động đồng ý nghỉ tết 9 ngày. Tuy nhiên, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất phương án thứ 3 là nghỉ 8 ngày (từ 19/1/2023 Dương lịch đến hết thứ Năm ngày 26/1/2023 Dương lịch (tức từ ngày 28 tháng chạp năm Nhâm Dần đến hết ngày mùng 5 tháng giêng năm Quý Mão).. Phương án này đã được đông đảo người lao động lựa chọn, với trên 93% đồng tình bởi người lao động sẽ được nghỉ Tết sớm hơn từ 28 tháng chạp.
Không ít người bày tỏ lo ngại việc năm nào cũng xây dựng, lấy ý kiến các bộ, ngành về phương án nghỉ tết để sau đó trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định vừa mất thời gian, công sức và tốn kém, nên chăng xây dựng lịch nghỉ tết cố định để người dân và doanh nghiệp chủ động việc nghỉ, tránh lãng phí. Đây cũng là mong muốn của đa số người lao động, vì khi có lịch nghỉ Tết Nguyên đán cố định, người lao động sẽ chủ động sắp xếp công việc tối ưu nhất.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc xin ý kiến các bộ, ngành chỉ mang tính hình thức và không cần thiết, quan trọng nhất là cơ quan tham mưu trước khi trình Thủ tướng phải xây dựng được phương án hợp lý, hợp tình sẽ nhận được sự đồng thuận cao. Tổng số ngày nghỉ theo luật là không đổi, việc cho người lao động nghỉ tết sớm, đi làm sớm là hoàn toàn phù hợp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có thể tự quyết và điều chỉnh, không nên quá máy móc đưa ra nhiều phương án.