Nghị quyết 13-NQ/TW: Khắc phục dàn trải, mở ra cơ hội cho kinh tế tập thể
Bước chuyển quan trọng của kinh tế tập thể
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, một trong những kết quả quan trọng nhất sau 20 năm thực hiện Nghị quyết là 13 là việc thống nhất nhận thức và quan điểm phát triển, tạo tâm lý xã hội thuận lợi cho KTTT, HTX phát triển. Cụ thể, Nghị quyết đã đánh giá đúng tình hình, chỉ ra những yêu cầu, định hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển KTTT, là cơ sở quan trọng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KTTT 20 năm qua. Đồng thời với đó, xác lập môi trường thể chế và ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho phát triển KTTT, HTX, từ đó tạo thuận lợi cho khu vực KTTT có bước phát triển mạnh mẽ, khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài và khẳng định được tiềm năng, triển vọng phát triển trong tương lai.
Khu vực HTX đã thu hút gần 6 triệu thành viên |
Với những nỗ lực đó, 20 năm qua, số lượng HTX không chỉ tăng nhanh mà còn hoạt động đa dạng trên các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Tính đến 31/12/2021, cả nước có 27.342 HTX, tăng 16.420 HTX, gấp 2,5 lần so với năm 2001. Khu vực HTX đã thu hút gần 6 triệu thành viên, tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động. Trong tổng số 27.342 HTX đang hoạt động, HTX nông nghiệp chiếm 67,03%; HTX thương mại, dịch vụ chiếm 7,49%; HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chiếm 9,05%; HTX giao thông vận tải chiếm 6,7%...
Khu vực KTTT cũng ngày càng được quan tâm, tạo thuận lợi cho phát triển thông qua những cơ chế, chính sách, giải pháp tạo thuận lợi cho KTTT phát triển, phù hợp với bối cảnh, xu hướng phát triển mới của nền kinh tế trong nước và khu vực.
Tăng đóng góp của kinh tế tập thể vào nền kinh tế
Tuy vậy, bên cạnh những chuyển biến tích cực, trên cơ sở báo cáo tổng kết của 10 bộ, ngành, cơ quan trung ương và các báo cáo khảo sát thực tế, báo cáo chuyên đề, tổng kết của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, khu vực KTTT vẫn còn những hạn chế. Một số mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết đặt ra chưa đạt được, hoặc chưa thực hiện đầy đủ. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng của khu vực KTTT còn thấp và tỷ trọng đóng góp vào GDP liên tục giảm, không đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra.
Liên tục trong 2 năm qua, tốc độ tăng trưởng khu vực KTTT, HTX đạt thấp, chỉ bằng 1/2 tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp của KTTT vào GDP cả nước giảm liên tục, từ 8,06% vào năm 2001 xuống còn 3,62% vào năm 2020.
“Kết quả phát triển của khu vực KTTT so với mục tiêu mà Nghị quyết 13 đưa ra là, “phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng ngày càng cao, tiến tới có tỷ trọng ngày càng lớn trong GDP của nền kinh tế” là không đạt được” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin.
Phát triển KTTT được đánh giá là xu hướng tất yếu |
Đánh giá về hiệu quả và đóng góp của KTTT trong nền kinh tế còn chưa đầy đủ. Hiện mới chỉ tính được phần đóng góp của HTX vào GDP, chưa tính đóng góp của tổ hợp tác và đóng góp của kinh tế thành viên. Việc thiếu sót trong tính toán về đóng góp trong GDP của KTTT đã dẫn đến việc hạ thấp vai trò, vị trí của thành phần KTTT trong nền kinh tế Việt Nam, chưa bố trí nguồn lực tương xứng để phát triển KTTT.
Trong khi đó, khung khổ pháp luật, chính sách về HTX còn nhiều rào cản đối với sự phát triển của HTX, chưa bao quát được sự phát triển sinh động của các loại hình kinh tế hợp tác ở nước ra, chưa làm rõ được sự phát triển từ thấp đến cao của các tổ chức kinh tế hợp tác, chưa khuyến khích mở rộng thu hút đầu tư theo nhu cầu vô cùng đa dạng của đối tượng tham gia. Hiệu quả chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với KTTT còn thấp, thiếu đồng bộ, chưa nhất quán, toàn diện, chậm được triển khai thực hiện, thiếu tính khả thi và chưa tạo được động lực thúc đẩy KTTT phát triển.
Trong thời gian tới, KTTT, HTX phát triển trong bối cảnh có nhiều cơ hội và thách thức đan xen với nhau. Bởi sau 35 năm đổi mới, kinh tế nước ta có nhiều thay đổi tích cực, quá trình đô thị hóa nhanh diễn ra nhanh chóng, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao. Trong khi đó, nền kinh tế tiềm ẩn nhiều rủi ro; nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu của nền kinh tế còn lớn.
Trong bối cảnh đó, mục tiêu tổng quát phát triển KTTT, HTX trong thời gian tới là phát triển KTTT năng động, hiệu quả, bền vững thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác trên cơ sở tôn trọng bản chất, các giá trị và nguyên tắc của KTTT, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ kinh tế cá thể, cá nhân và nhiều tổ chức tham gia; không ngừng nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống và bảo đảm an sinh xã hội cho các thành viên, tham gia mạnh mẽ vào sự nghiệp hiện đại hóa, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước.
Để đạt được mục tiêu trên, bên cạnh nhận thức rõ phát triển KTTT là yêu cầu, xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế, cần tiếp tục vận động, tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của KTTT đối với nền kinh tế - xã hội. Từ đó, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để KTTT phát triển.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất hàng hóa phi tiêu chuẩn không có chỗ đứng, không có khả năng cạnh tranh và không thể tồn tại. Vì vậy, hợp tác là con đường tất yếu để cùng phát triển. |