Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh qua đời
Những danh hiệu mà ông đã được phong tặng: Nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc Việt Nam E.VAPA; Nghệ sĩ nhiếp ảnh có cống hiến đặc biệt xuất sắc ES.VAPA; Thành viên Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế FIAP; Giải thưởng Nhà nước năm 2007; Giải thưởng Cao Văn Lầu lần thứ nhất năm 2009.
Đặc biệt, năm 2022, ông được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật với bộ ảnh "Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang" (gồm 10 ảnh).
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh (Ảnh: Báo Cà Mau) |
Thời kỳ gia đình tham gia kháng chiến ở Cà Mau, ông tự học nghề nhiếp ảnh bằng cách làm thí công cho một hiệu ảnh. Năm 1961, ông được phân công về Ban Tuyên huấn Cà Mau.
Trong sự nghiệp ông có nhiều khoảnh khắc đắt giá, như bức Trạm quân y dã chiến được chụp vào tháng 9/1970, ghi lại cảnh bác sĩ quân y đang lội nước, phẫu thuật cho một nữ chiến sĩ bị thương dưới tấm vải dù căng giữa rừng tràm.
30 năm sau, bức ảnh được tờ The New York Times đăng lại trên số ngày 19/4/2000. Khoảnh khắc được giới nhiếp ảnh gia thế giới đánh giá cao, là một trong 180 bức ảnh trưng bày trong cuộc triển lãm tại Trung tâm Ảnh quốc tế ở Mỹ tháng 3/2002.
Ông cũng ghi dấu với các bức ảnh người dân sinh hoạt đời thường tại Cà Mau. Tác phẩm Bà nội mù của ông từng gây xúc động khi ghi lại hình ảnh người bà được cháu nắm tay dẫn qua chiếc cầu khỉ nối hai bờ kênh. Bức ảnh từng đoạt giải tại cuộc thi Ảnh quốc tế - tổ chức ở Đức năm 1982. Tung chài - khoảnh khắc ghi lại một thiếu niên đang bắt tôm cá - đoạt giải ba một cuộc thi ảnh do UNESCO tổ chức.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh được đánh già là một con người cần cù, giản dị, cống hiến quên mình, có tài năng lớn sáng tạo nghệ thuật nhiếp ảnh, đồng thời ông còn say mê miệt mài viết bút ký, truyện và làm thơ.