Nghệ nhân Nguyễn Văn Nam: Xây dựng uy tín bằng chất lượng sản phẩm
Say mê nghề truyền thống
Nghệ nhân Nguyễn Văn Nam là trường hợp khá hiếm hoi tại làng nghề chạm bạc Văn Hanh, thế hệ ông, cha của anh vốn không theo nghề truyền thống của làng. Nhưng đến anh, do yêu thích nghề chạm đầy tinh tế mà anh đã mày mò học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm và làm nghề cho đến tận ngày nay. Khá khiêm tốn khi nói về quá trình học nghề đầy gian nan, nghệ nhân Nguyễn Văn Nam chia sẻ: Ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông, một là không xác định sẽ đi học tiếp, hai là quá thích nghề chạm bạc nên tôi đã vào thôn Đồng Xâm, xã Hồng Thái - cái nôi của nghề chạm bạc để xin học. Và vừa đi học, đi làm tích luỹ kinh nghiệm tại các tổ sản xuất, tôi mất 6 năm mới thành nghề.
Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Nam, chạm bạc là nghề truyền thống khó, đòi hỏi phải có tính kiên trì cao, đặc biệt phải có lòng yêu nghề mới có thể học và làm được. Tuy vậy, với những người có năng khiếu, bên cạnh học nghề nhanh còn có thể sáng tạo ra nhiều biến thể trong chế tác mà không phải dập khuôn; có khả năng tạo ra một sản phẩm với bố cục đẹp, có hồn. Một sản phẩm được đánh giá là đẹp, tinh xảo phải đảm bảo các yếu tố chạm trổ đẹp, mướt và bay, đường nét sắc xảo, bố cục hài hoà. “Các cụ có thâm niên trong nghề có thể chạm 1 đàn trâu gồm 4-5 con đi trên 1 mặt nhẫn, phải dùng kính lúp trong quá trình chế tác. So với các cụ, kỹ thuật của tôi còn phải học hỏi nhiều”, nghệ nhân Nguyễn Văn Nam khiêm tốn nói.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Nam kiên trì với phương pháp sản xuất thủ công hoàn toàn truyền thống |
Tuy nhiên, những năm gần đây do chạy theo lợi nhuận, một số tổ sản xuất tại làng nghề đầu tư máy ép, công nghiệp hoá sản phẩm chạm bạc. Những sản phẩm này được sản xuất sơ sài với nguyên liệu mỏng, không đảm bảo độ cứng, căng, đường chạm thưa, không sắc xảo, do vậy giá bán rất rẻ. Một bức tranh kích thước nhỏ vài năm trước có giá 1 triệu đồng thì nay chỉ còn khoảng 700 nghìn đồng. Tình trạng này đang tạo sức ép lớn đối với các tổ sản xuất hàng kỹ tại Văn Hanh. “Hiện nay số hộ sản xuất hàng đại trà đang chiếm ưu thế ở làng nghề khiến sản phẩm được chế tác tỉ mỉ rất khó tiêu thụ. Nếu không quyết tâm giữ vững, thì rất nhanh sẽ bị lợi nhuận cuốn đi, nghề của làng chẳng mấy chốc sẽ tuột dốc”, nghệ nhân Nguyễn Văn Nam lo lắng nói.
Thực tế, do tác động của cạnh tranh không lành mạnh, so với năm trước, hoạt động sản xuất kinh doanh của làng nghề chạm bạc Văn Hanh đã khó khăn hơn rất nhiều, doanh thu từ nghề của làng bị sụt giảm khoảng 30%. Điều này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các hộ sản xuất tại làng nghề trong việc bảo vệ uy tín, chất lượng sản phẩm.
Tạo nét riêng cho sản phẩm
Không dao động trong cơn lốc cạnh tranh, không dao động trước lợi nhuận được tạo ra nhanh chóng từ sản xuất hàng đại trà, nghệ nhân Nguyễn Văn Nam vẫn kiên trì với phương pháp sản xuất thủ công hoàn toàn truyền thống. Số lượng sản phẩm tạo ra dù không lớn nhưng luôn giữ được nét tinh, sáng theo đúng chuẩn mực của nghề. Nghệ nhân Nguyễn Văn Nam chia sẻ: Chạm bạc là nghề thủ công, là kết tinh văn hoá của đất và người địa phương nên cần được bảo tồn, gìn giữ với đúng giá trị vốn có. Về mặt kinh doanh, những sản phẩm đẹp, chất lượng, có nét độc đáo riêng luôn thu hút và giữ được niềm tin bền chắc của người tiêu dùng. Do vậy, chất lượng sản phẩm luôn là phương thức hiệu quả tạo uy tín không chỉ cho nghề chạm bạc mà cho các nghề truyền thống khác”, nghệ nhân Phạm Văn Nam bày tỏ.
Và với quan điểm chất lượng sản phẩm tạo nên uy tín, tổ sản xuất của gia đình nghệ nhân Phạm Văn Nam luôn cung không đủ cầu. Anh cũng cương quyết không sản xuất hàng đại trà mà chỉ nhận hàng đặt, có độ khó cao phục vụ một bộ phận nhỏ người tiêu dùng hiểu và biết về nghề, về sản phẩm chạm bạc.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Nam: Xây dựng uy tín bằng chất lượng sản phẩm |
Không chỉ kiên trì theo hướng đi riêng, với vai trò là Hội trưởng Hội làng nghề kim hoàn Văn Hanh, lại là đại biểu Hội đồng nhân dân xã Lê Lợi, nghệ nhân Nguyễn Văn Nam đã cùng các thành viên Hội làng nghề đến từng tổ sản xuất phân tích về lợi và hại của việc sản xuất sản phẩm không đạt chất lượng, thuyết phục bà con làng nghề thay đổi quan niệm sản xuất, tạo ra sản phẩm đẹp; giải quyết những khó khăn trước mắt và giữ vững nghề truyền thống của làng.
Bên cạnh đó, đại diện cho làng nghề, anh cũng đề xuất lên xã, huyện giải pháp quản lý, xây dựng tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm và những giải pháp đảm bảo yếu tố môi trường trong sản xuất của làng nghề. Tuy nhiên, để làng nghề chạm bạc Văn Hanh thực sự phát triển bền vững, nghệ nhân Nguyễn Văn Nam cũng đề nghị chính quyền các cấp hỗ trợ vốn giúp bà con Văn Hanh quay vòng sản xuất, nhất là ở thời điểm bán hàng khó khăn, cần tích trữ hàng hoá cho mùa tiêu thụ cuối năm; tăng cường tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại giúp làng nghề quảng bá sản phẩm rộng rãi tới người tiêu dùng.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Nam nắm giữ bí quyết chạm bạc thủ công trong cả 4 khâu kỹ thuật cơ bản: Trơn, đấu, đậu và chạm. Sản phẩm do nghệ nhân chế tác đã đạt nhiều giải thưởng, như: “Tranh đồng” được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2012; sản phẩm “Mâm đồng” được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2013. Nghệ nhân cũng được tặng Bằng khen của Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý Việt Nam năm 2009. |