Nghệ An: Xử lý việc bán hàng rong là trách nhiệm của chính quyền địa phương
Ngày 11/7, Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII tiếp tục làm việc với nội dung chất vấn và trả lời chất vấn về công tác quản lý Nhà nước với các nội dung như: Việc người dân tự lập các điểm họp chợ tự phát, họp chợ trái phép cũng là nhu cầu khi cần giao dịch các hàng hóa truyền truyền thống như: Rau, cá, thịt phục vụ sinh hoạt hàng ngày nhưng bên cạnh đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn do lấn chiến hàng lang giao thông, nguy cơ cháy nổ, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm… Vấn đề này diễn ra ở nhiều địa phương, nhiều năm nhưng chưa được xử lý dứt điểm?.
Ông Phạm Văn Hóa, Giám đốc Sở Công Thương trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh (Ảnh: Thành Cường) |
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An Phạm Văn Hóa cho biết: Về mặt quản lý nhà nước các điểm họp chợ tự phát không đúng quy hoạch, các điểm kinh doanh tự phát lấn chiếm lòng lề đường là trách nhiệm quản lý đô thị của UBND cấp huyện. Tuy nhiên, hàng năm Sở Công Thương đều tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý và phát triển chợ trên địa bàn. Trong đó, yêu cầu UBND cấp huyện phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai nhiều nội dung như: Thực hiện kiểm tra, rà soát cơ sở hạ tầng đặc biệt là đình chợ, các ki ốt, các trang thiết bị,… của các các chợ trên địa bàn để kịp thời chỉ đạo khắc phục, sửa chữa nâng cấp nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân và các hộ tiểu thương.
Chỉ đạo thực hiện việc sắp xếp, chỉnh trang chợ, không lấn chiếm hành lang an toàn giao thông nhằm đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự tại khu vực chợ đồng thời triển khai cho các hộ tiểu thương thực hiện việc niêm yết giá, bán theo giá niêm yết, không gian lận thương mại và tiêu thụ hàng giả trên tất cả các chợ; không đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương Nghệ An đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành có liên quan, UBND cấp huyện tăng cường công tác quản lý đầu tư, phát triển chợ trên địa bàn theo quy hoạch được duyệt và phân cấp quản lý; lập kế hoạch và tổ chức giải tỏa các chợ không phù hợp quy hoạch, điểm họp chợ tự phát không đúng quy hoạch, xóa bỏ các điểm kinh doanh tự phát lấn chiếm lòng, lề đường họp chợ gây mất trật tự, ảnh hưởng an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.
Đại biểu Trần Thị Khánh Linh đặt câu hỏi về những hàng hóa không rõ nguồn gốc bán rong tại cổng trường và cổng bệnh viện (Ảnh: Thành Cường) |
Đáng chú ý, tại phiên chất vấn, đại biểu Trần Thị Khánh Linh, trú tại TP. Vinh (Nghệ An) đặt câu hỏi về việc quản lý bán hàng rong trước cổng trường học và bệnh viện không chỉ gây trở ngại cho lưu thông mà còn tiềm ẩn nguy cơ an toàn thực phẩm do nguồn gốc không rõ ràng.
Cụ thể, đại biểu Trần Thị Khánh Linh đã cầm trên tay 5 gói kẹo đã mua trước cổng một trường học với giá 16.000 đồng và đặt câu hỏi: “Ngày nào học sinh cũng ăn những thực phẩm này. Đây là vấn đề rất đáng quan tâm và lo ngại. Đề nghị Giám đốc Sở Công Thương và Quản lý thị trường cho biết giải pháp để quản lý chặt chẽ người bán cùng nguồn gốc xuất xứ hàng hóa nhằm bảo vệ sức khỏe cho học sinh và người dân”.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Thị Khánh Linh, ông Phạm Văn Hóa, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Nghệ An khẳng định: "Việc để tình trạng bán hàng rong trước cổng trường học và cổng bệnh viện là trách nhiệm của chính quyền địa phương, Sở Công Thương và Quản lý thị trường không thể kiểm soát việc này. Người bán hàng cần phải đăng ký, tuân thủ các quy định để cơ quan chức năng có cơ sở quản lý, theo dõi vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính quyền các cấp phải thường xuyên vận động giáo viên, học sinh và phụ huynh không tham gia vào thị trường này. Không có người mua thì chắc không có người bán”.
Để phòng ngừa, ngăn chặn triệt để tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh, ông Phạm Văn Hóa, Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cũng đưa ra các biện pháp quyết liệt, cấp bách. Cụ thể, UBND cấp huyện cần tăng cường kiểm tra, thanh tra các hàng quán bán các thực phẩm, bánh kẹo, thức ăn nhanh cho học sinh ở trước các cổng trường. Trong đó, chú trọng việc kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ của các loại thực phẩm này, thực hiện thường xuyên việc kiểm tra đột xuất, kiểm tra liên ngành để kịp thời phát hiện, xử lý các hàng quán bán thực phẩm, bánh kẹo không đảm bảo chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm.
Đối với các trường học nên đầu tư lắp đặt các camera an ninh trước cổng trường để theo dõi, kiểm soát các đối tượng bán hàng rong, bán vãng lai, di động hoặc người lạ xuất hiện tại cổng trường phát kẹo, đồ ăn cho học sinh và khi xảy ra vụ việc thì kịp thời cung cấp cho cơ quan chức năng xác minh, xử lý.
Toàn cảnh Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII (Ảnh: Thành Cường) |
Quy định nghiêm ngặt hơn trong việc lưu giữ mẫu thức ăn, thực phẩm, nhất là các loại đồ ăn, thức uống bán cho học sinh, trẻ nhỏ. Bởi đây là căn cứ quan trọng giúp cho việc tìm ra nguyên nhân, loại độc tố gây vụ việc đáng tiếc để phục vụ việc kịp thời cứu chữa nạn nhân cũng như xử lý, truy cứu trách nhiệm những người có liên quan. Mặt khác, trẻ em còn nhỏ, ngây thơ và chưa phân biệt được loại thức ăn nào ôi thiu, kém chất lượng có nguy cơ gây ngộ độc nên việc bắt buộc lưu tất cả mẫu thức ăn, nước uống là rất cần thiết, quan trọng.
Bên cạnh đó, các nhà trường, thầy, cô giáo cần phải quan tâm, thường xuyên nhắc nhở các em học sinh không được nhận bất cứ quà, kẹo bán, đồ ăn từ những người lạ mà không có bố mẹ, thầy, cô giáo đi cùng. Trường hợp có nghi ngờ các đối tượng xấu, thực phẩm đồ chơi nguy hại phải báo ngay thầy, cô giáo để cung cấp cho cơ quan chức năng sớm vào cuộc xác minh xử lý.