Hạn chế được sử dụng tiền mặt
Ngay từ khi bắt đầu có dịch Covid-19, sinh hoạt của gia đình chị Phương Thảo (ở Vinh Tân - TP. Vinh) rất nhiều thay đổi. Để hạn chế đến nơi đông người, chị Thảo gần như chuyển sang mua sắm online, từ thực phẩm hàng ngày, đồ chơi, sách vở cho con đến đồ dùng thiết yếu cho gia đình cũng giao hàng tận nhà và thanh toán bằng cách chuyển khoản.
Thời điểm này, nhiều khách hàng tận dụng tối đa ngân hàng trực tuyến để tránh lây nhiễm “chéo” dịch Covid - 19 do tiếp xúc |
Theo chị Thảo chia sẻ, nếu trước đây, tiền điện, nước, điện thoại, internet…thì tôi đã thanh toán trực tuyến, đi siêu thị, mua sắm, đóng tiền học phí thì cà thẻ. Tuy nhiên, từ khi có dịch, con được nghỉ học, gia đình hạn chế đi ra ngoài, tôi càng thấy tiện ích hơn của thói quen thanh toán không tiền mặt. Chỉ cần ngồi ở nhà, mọi người vẫn dễ dàng mua được hàng hóa, dịch vụ mình qua vài cú chạm trên di động hoặc nhấp chuột máy tính…
Với nhiều người mọi nhu cầu thiết yếu hàng ngày đã dần chuyển qua ngân hàng điện tử bởi tính tiện lợi, ví như không cần tới ngân hàng có thể gửi tiết kiệm online; hay săn ưu đãi trên ứng dụng Mobile Banking khi đặt vé máy bay, đặt tour du lịch, phòng khách sạn…
Anh Nam Anh (nhân viên văn phòng, tại TP. Vinh) cho biết, khoảng hơn 2 năm nay, anh chuyển dần sang kênh ngân hàng điện tử chỉ đến quầy giao dịch tại quầy khi cần thiết. “Không chỉ thanh toán các loại hóa đơn, chuyển tiền, mà gửi tiết kiệm, tái tục, đáo hạn tôi cũng thực hiện qua online. Tôi nhận lương qua ngân hàng SCB nên cũng mở thẻ tín dụng ở ngân hàng này để tranh thủ nhiều chương trình ưu đãi. Đặc biệt, phí chuyển tiền nội bộ, liên ngân hàng miễn phí nên cảm giác thoải mái dùng dịch vụ hơn”, anh Nam Anh chia sẻ.
Trước diễn biến còn kéo dài của dịch bệnh, nhiều ngân hàng thương mại cũng khuyến khích khách hàng giao dịch trực tuyến để hạn chế tiếp xúc, vừa bảo đảm an toàn mà vẫn tiện lợi, đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng. Sự bùng nổ của công nghệ 4.0 thời gian qua giúp các kênh thanh toán không tiền mặt lên ngôi, đặc biệt là thanh toán qua ngân hàng điện tử. Những chính sách “mạnh tay” về chăm sóc, ưu đãi từ ngân hàng hội sở đối với dịch vụ thanh toán trực tuyến đang tạo ra thói quen mới cho người tiêu dùng trênđịa bàn.
Thêm nhiều cơ hội gia tăng trải nghiệm
Nếunhư các năm trước nhiều ngân hàng đã tăng phí giao dịch online, thì ở thời điểm hiện tại một số ngân hàng chọn cách miễn phí để thu hút người dùng, tăng cơ hội trải nghiệm cho khách hàng. Tại VietinBank, khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến trên kênh Vietin iPay, ứng dụng Vietinbank iPay hoặc Vietinbank ATM (có kỳ hạn từ 3 tháng trở lên) sẽ được cộng thêm lãi suất lên đến 0,3%/năm (mức cộng thêm áp dụng tùy thời điểm và từng kỳ hạn khác nhau) so với trần lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm VND thông thường tại quầy.
VietinBank khuyến khích khách hàng đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử thay vì giao dịch truyền thống như trước đây |
Điều đặc biệt, khách hàng có thể chủ động gửi hoặc tất toán tài khoản 24/7 bất kỳ thời gian nào, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ. Đồng thời, có thể linh hoạt lựa chọn phương thức đáo hạn như: tự động tái đáo hạn hoặc tất toán về tài khoản thanh toán khi hết kỳ hạn.Theo lãnh đạo của VietinBank NghệAn, những chính sách “kích cầu” này đã tạo sức tăng khá tốt cho kênh Vietin iPay. Đến thời điểm hiện tại, số lượng khách hàng đăng ký dịch vụ VietinBank iPay tăng trên3% so với thời điểm cuối năm 2019.
Tiếp đó BIDV cũng là ngân hàng bắt nhịp nhanh trong cuộc chiến với Covid- 19. Ngân hàng này triển khai gói tín dụng lên đến 5.000 tỷ đồng cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch bệnh với ưu đãi lãi suất chỉ 5,5%/năm. Ngoài ra, cộng thêm lãi suất 0,2%/năm so với lãi suất niêm yết tại quầy giao dịch (không vượt lãi suất trần) đối với tất cả các kỳ hạn gửi tiền online; không thu bất kỳ một khoản phí đăng ký hay phí duy trì nào đối với dịch vụ BIDV Online và SmartBanking.
Sự chủ động vào cuộc của các ngân hàng sẽ tạo ra những giá trị trong cuộc chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid - 19. Chiến lược dài hơi hơn, đó là cuộc chinh phục nhằm tạo thói quen mới cho người tiêu dùng - thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng chủ trương của Chính phủ trong thời gian gần nhất.