Nghệ An: Tiến độ triển khai chương trình mục tiêu quốc gia quá chậm
Nhiều địa phương chưa thể giải ngân
Giai đoạn 2021 - 2025, ngân sách Trung ương phân bổ cho tỉnh Nghệ An thực hiện 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia gồm: Xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xóa đói, giảm nghèo bền vững là hơn 4.931 tỷ đồng.
Giai đoạn 2021 - 2025, ngân sách Trung ương phân bổ cho tỉnh Nghệ An thực hiện 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia |
Nghệ An là tỉnh có số lượng dự án và đối tượng thụ hưởng lớn như: Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi triển khai 9 dự án thành phần, với 708 dự án chi tiết; Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững triển khai 2 dự án thành phần, với 48 dự án chi tiết; Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới triển khai tại 411 xã, với 988 dự án chi tiết.
Riêng năm 2022, Nghệ An được phân bổ hơn 1.295 tỷ đồng để thực hiện 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia cho 977 dự án, trong đó, có 156 dự án trả nợ và chuyển tiếp (Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững 3 dự án, Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới 153 dự án; 785 dự án khởi công mới có tổng mức đầu tư dự kiến dưới 15 tỷ đồng (Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 296 dự án, Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững 22 dự án, Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới 467 dự án).
Có 35 dự án khởi công mới có tổng mức đầu tư dự kiến trên 15 tỷ đồng và dưới 100 tỷ đồng (Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 19 dự án, Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững 14 dự án, Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới 2 dự án). Dự án có tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng có 1 dự án thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Năm 2023, Nghệ An sẽ tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện hiệu quả các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình, hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ được giao. |
Tuy nhiên, vào ngày 15/3/2023 vừa qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã có buổi làm việc với UBND huyện Tương Dương về kiểm tra tình hình triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Lãnh đạo UBND huyện Tương Dương cũng cho biết: Năm 2022, nguồn ngân sách Trung ương giao cho huyện hơn 142 tỷ đồng. Đến nay, UBND tỉnh đã phân bổ được hơn 98 tỷ đồng, đạt gần 70% kế hoạch vốn được giao. Tuy nhiên, đến hết tháng 02/2023, huyện vẫn chưa giải ngân được do các dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Cụ thể, năm 2023, nguồn ngân sách Trung ương giao cho huyện là hơn 151 tỷ đồng để thực hiện đầu tư xây dựng 1 dự án khởi công mới thuộc cấp huyện phê duyệt; 38 dự án chuyển tiếp; hỗ trợ nhà ở. Đến ngày 31/12/2022, UBND tỉnh đã bố trí gần 70 tỷ đồng, đạt hơn 46% kế hoạch vốn được giao; tuy nhiên đến tháng 02/2023 vẫn chưa giải ngân được đồng vốn nào.
Cũng theo báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện Tương Dương, Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được thực hiện trên địa bàn huyện Tương Dương gồm 12 xã khu vực 3, 5 xã khu vực 1 theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ; 93 thôn đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc.
Về Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, trong giai đoạn năm 2021 đến tháng 3/2023, ngân sách Trung ương đã hỗ trợ cho huyện 73.666,5 triệu đồng thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn, trong đó vốn đầu tư phát triển là 67.010,84 triệu đồng; vốn sự nghiệp là 6.655,68 triệu đồng.
Đến ngày 10/3/2023, huyện đã giải ngân 693,571 triệu đồng, đạt 0,94% vốn được giao, trong đó giải ngân vốn sự nghiệp 693,571/6.655,68 triệu đồng đạt 10,4%; phần lớn các dự án, tiểu dự án đang trong quá trình chuẩn bị triển khai, chưa xác định được khối lượng cụ thể, dẫn đến kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ không đạt tiến độ so với kế hoạch đề ra.
Theo Ủy ban nhân dân huyện Tương Dương, nguyên nhân dẫn đến tiến độ giải ngân vốn 2 chương trình mục tiêu Quốc gia chậm, bên cạnh những vướng mắc chung của tỉnh, huyện còn gặp khó khăn là bộ máy triển khai thực hiện đang thiếu trầm trọng.
Cụ thể, tại Ban quản lý dự án huyện thiếu nhân sự quản lý, thiếu cán bộ kỹ thuật; ngoài ra Ban quản lý dự án huyện đang phải phối hợp với cơ quan Công an thực hiện công tác điều tra việc thực hiện các dự án đầu tư tại ban nên ảnh hưởng nhiều đến tiến độ triển khai. Phòng Tài chính – Kế hoạch là cơ quan thường trực chịu trách nhiệm tham mưu tổng hợp chính đang thiếu chuyên viên bộ phận kế hoạch đầu tư.
Cần vào cuộc quyết liệt hơn
Nhiều vướng mắc được đại diện các sở, ngành đưa ra, như: Chương trình mục tiêu gồm nhiều Dự án, Tiểu dự án, các dự án có quy mô lớn và các nội dung thành phần do nhiều bộ, ban, ngành Trung ương quản lý và hướng dẫn triển khai thực hiện, một số bộ, ban, ngành hướng dẫn để triển khai thực hiện chậm.
Cần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia |
Ngoài ra, nguồn vốn bố trí cho các dự án cấp muộn, số lượng dự án nhiều, tổng mức đầu tư lớn, thời gian triển khai ngắn, các chương trình mục tiêu Quốc gia triển khai đồng loạt vào cùng một thời điểm trên địa bàn, dẫn đến nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia ở huyện Tương Dương, đại diện các sở, ngành đề nghị huyện cần rà soát từng nội dung cụ thể, xác định rõ khó khăn, vướng mắc cũng như trách nhiệm của các ngành, cấp huyện liên quan; bám sát hướng dẫn của cấp trên, tăng cường quản lý chỉ đạo, điều hành để đẩy nhanh tiến độ các dự án; đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, phố biến kịp thời quy định, hướng dẫn về chủ trương, chính sách của các chương trình, đồng thời tổ chức các lớp bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho chủ đầu tư, chủ dự án và cán bộ các cấp, cộng đồng dân cư để thực hiện các chương trình, dự án.
Ông Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An chỉ rõ so với các địa phương miền núi khác, việc giải ngân vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 2025 của huyện Tương Dương thực hiện chậm tiến độ.
“Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng huyện vẫn còn sự lúng túng trong chỉ đạo điều hành, triển khai thực hiện các dự án”, ông Bùi Đình Long nhấn mạnh.
Ông Bùi Đình Long yêu cầu trong thời gian tới, Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu Quốc gia của huyện sau khi kiện toàn cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, phân công rõ nhiệm vụ các thành viên về phụ trách dự án và địa bàn; rà soát từng dự án cụ thể, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, kịp thời báo cáo với các cấp, các ngành để xin ý kiến chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Đề nghị các sở, ngành tăng cường bám sát theo chức năng nhiệm vụ, có sự hướng dẫn, tư vấn cụ thể cho các phòng, ban của huyện trong quá trình thực hiện các dự án để giúp huyện đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia.