Nghệ An: Thực hiện nhiều mô hình bán lẻ mới
Chợ 'lưu động' với các đội bán hàng lưu động
Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn thành phố Vinh (Nghệ An) xuất hiện nhiều gian hàng kiểu mới, nhằm cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân. Nhiều cách bán hàng sáng tạo đã xuất hiện trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, qua đó vừa đảm bảo nguồn cung cho người tiêu dùng, vừa hạn chế việc tiếp xúc trong mùa dịch.
Mô hình chợ lưu động tại TP. Vinh (Nghệ An) |
Có mặt tại điểm bán hàng lưu động tại phường Đông Vĩnh (TP.Vinh) từ rất sớm, chị Nguyễn Thị Loan phường Đông Vĩnh vui vẻ nói, mấy ngay nay khi TP.Vinh vẫn thực hiện chỉ thị 16, hàng hoá thì phường nào chỉ được mua ở phường đó. Cũng theo chị Loan thì phường Đông Vĩnh không có siêu thị, chợ truyền thống lại chưa được mở nên các bà nội trợ như bọn tôi mua thực phẩm cho gia đình như thế nào là điều quan tâm nhất. Nên mấy hôm nay ở Phường có “chợ lưu động" mới như thế này cho bà con rất phấn khởi.
Tại đây, các biện pháp phòng chống dịch như sát khuẩn, đo thân nhiệt trước khi vào khu vực mua hàng nên bà con cũng rất yên tâm. Theo quan sát, tại điểm bán hàng lưu động, các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như rau xanh, thịt, cá, đồ khô…khá đầy đủ. Đặc biệt, giá cả được niêm yết công khai và có mức giá bán cũng ngang với ở chợ truyền thống, khiến nhiều người đến đây mua hàng cảm thấy thoải mái. “Mặc dù là các quầy hàng lưu động nhưng hàng hóa tại các điểm bán đầy đủ các mặt hàng thiết yếu như gạo, mì tôm, thịt (gà, vịt, heo) tươi sống, cá tươi, trứng gà, rau xanh, củ quả, gia vị (mắm muối, dầu ăn, mì chính không thiếu thứ gì…" chị Loan cho hay.
Cùng suy nghĩ như chị Loan, anh Nguyễn Văn Hoà ở phường Lê Lợi TP. Vinh cũng cho biết, hàng hóa ở các quầy lưu động rất phong phú, đủ chủng loại, giá cả ổn định nên cũng dễ lựa chọn. Theo anh Hoà, "những điểm bán hàng lưu động là rất cần thiết và kịp thời trong thời điểm giãn cách xã hội. Nhờ có những điểm bán hàng này, mà người dân không phải đặt hàng qua khối, lại không phải mua ở siêu thị, bởi dân lao động như chúng tôi làm gì ngày nào cũng có tiền vào siêu thị mua hàng. Nên khi thấy điểm bán hàng lưu động như thế này với đầy đủ hàng hoá, giá cả cũng chỉ ngang ngang với chợ nên dân trong khối vui lắm, nhất là lao động nghèo như chúng tôi…".
Tại đây, các doanh nghiệp lấy hàng trực tiếp từ các nguồn cung, chở đến các điểm bán và giao cho người dân với giá bình ổn. Tại mỗi điểm bán phải niêm yết giá, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và các điều kiện phòng chống dịch. Phương thức cung ứng hàng hóa tại các điểm bán vẫn là bán hàng trực tiếp cho dân theo phiếu mua hàng 3 ngày/1 lần, theo đơn đặt hàng, bán trực tiếp cho đại diện các tổ dân phố, tổ điều hành hoặc tổ Covid-19 cộng đồng. Với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, ngay lập tức đã phối hợp với các chính quyền địa phương tổ chứ mô hình “chợ lưu động”. Trong đó, ngoài phường Đông Vĩnh, Đội Cung, tại địa bàn phường Lê Lợi có 2 điểm trên đường Lý Thường Kiệt và Trường Chinh; xã Nghi Phú có 3 điểm tại Trường THCS xã Nghi Phú, Nhà văn hóa xóm 5 và Nhà văn hóa xóm 17; xã Hưng Chính có 1 điểm, xã Nghi Kim có 2 điểm...
Chính quyền phối hợp cùng doanh nghiệp
Trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội này, các nhà bán lẻ đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo cung ứng hàng thiết yếu tay người dân. Đó là sự nỗ lực để giữ ổn định hoạt động kinh doanh. Các chuỗi bán lẻ như BigC vinh, MM mega Market và hệ thống VinMart/VinMart+... liên tục khuyến mại, tặng bảo hiểm sức khỏe cho khách hàng...để đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hoá trong thời điểm này chưa bao giờ là điều dễ dàng.
TP. Vinh quyết định chậm mở lại các chợ truyền thống, thay vào đó, tiếp tục duy trì các điểm cung ứng hàng hóa với giá bình ổn; giảm tải áp lực cho hệ thống các siêu thị, chuỗi cửa hàng trong việc cung ứng hàng hóa. |
Chia sẻ về điều này, ông Cao Minh Tú- Phó giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho biết, khi TP.Vinh bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội (ngày17/8), nhằm đáp ứng nhu cầu cho người dân thuận tiện mua sắm lương thực, thực phẩm. Sở đã chủ động làm việc với các siêu thị, TTTM, chợ, các nhà phân phối hàng hóa lớn... về khả năng cung ứng hàng hóa, nguồn hàng dự trữ và diễn biến nhu cầu của thị trường. Đề nghị các doanh nghiệp ký cam kết đảm bảo dự trữ đủ hàng hóa thiết yếu, đảm bảo chất lượng, bán hàng giá cả ổn định nhằm phục vụ nhu cầu của nhân dân. Qua đó đảm bảo thông suốt chuỗi cung ứng hàng hóa, kịp thời đưa hàng hóa thiết yếu đến các hộ dân.
Đến ngày 22/8 tỉnh Nghệ An quyết định áp dụng bổ sung nâng lên một mức so với chỉ thị 16. Sở Công Thương nhận định việc đóng chợ đầu mối và các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố sẽ dẫn đến không đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho nhân dân là khó tránh khỏi. Một khi chợ truyền thống đóng cửa sẽ gây áp lực cho các Trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng nông sản, thực phẩm…Sở Công Thương đã phối hợp với UBND thành phố Vinh để xây dựng và ban hành Phương án số 194 cung ứng thực phẩm thiết yếu cho người dân trên địa bàn thành phố trong những ngày giãn cách mới. Theo đó không bán trực tiếp cho người dân mà thực hiện theo phương án người tiêu dùng đặt hàng qua tổ dân phố, tổ dân phố tổng hợp và bố trí lực lượng (đoàn thanh niên, hội phụ nữ, mặt trận tổ quốc…) đến các siêu thị, chuỗi cửa hàng cung ứng để mua hộ người dân.
Theo ông Trần Quang Lâm - Phó chủ tịch UBND TP. Vinh, tại Kế hoạch số 199 TP.Vinh đã cho phép các phường, xã trên địa bàn căn cứ vào điều kiện thực tế có thể tổ chức các điểm bán hàng hóa thiết yếu để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Cùng với đó, để sẵn sàng phục vụ hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân khi dịch diễn biến dịch phức tạp hơn, thành phố Vinh đã chỉ đạo các phường, các doanh nghiệp đăng ký nhu cầu bán hàng lưu động bằng xe ô tô, và trong trường hợp cấp bách, thành phố Vinh sẽ kêu gọi doanh nghiệp mở rộng triển khai mô hình này…
Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An – ông Phạm Văn Hoá, cho hay sở tham mưu, kết nối và hỗ trợ bước đầu, còn trong quá trình vận hành rất cần có sự chung tay của các doanh nghiệp cung ứng hỗ trợ của các phường để cung ứng hàng hóa kịp thời với giá hợp lý và đề nghị Cục Quản lý thị trường, Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố tham gia vào giám sát, kiểm tra việc vận hành tại các điểm bán của các doanh nghiệp để đảm bảo chất lượng, giá cả và an toàn thực phẩm cho người dân...", ông Hoá cho hay.
Bà Ngọc Mai - Đại diện Công ty CP đầu tư và phát triển xã hội Mai Xanh - cho biết, đơn vị đã kết nối với các đơn vị phân phối sỉ các mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu với mức giá tốt nhất để cung ứng cho các điểm bán, một số mặt hàng chủ lực như rau củ quả, thịt, cá trứng… có giá cả bình ổn. Trong 2 ngày 7,8/9 đơn vị đã cung ứng hàng trăm đơn đặt hàng, và hàng tấn thịt cá, rau củ cho các điểm bán hàng ở phường Lê Lợi đúng thời gian, mặt hàng và chất lượng sản phẩm.