Việc giới thiệu, trưng bày các kỷ vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được triển khai thường xuyên tại Khu di tích Kim Liên - Nam Đàn (Nghệ An) từ những năm 1956 đến nay. Tại đây, những kỷ vật chứa đựng nhiều thông điệp ý nghĩa, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cuộc đời của Bác và trân trọng hơn những giá trị nhân văn cao đẹp mà Người truyền lại.
Từ Khu di tích Kim Liên, được ngắm nhìn các kỷ vật của Bác và gia đình, du khách lại được bồi đắp thêm những tình cảm mới |
Tại Khu di tích Kim Liên, 2 nhà trưng bày bổ sung hiện có hơn 200 hiện vật và hình ảnh được sắp xếp theo 2 chủ đề chính: “Quê hương, gia đình và thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh” và “Chủ tịch Hồ Chí Minh với quê hương, quê hương đối với Người”. Đây là những kỷ vật, bức ảnh tư liệu quý được các đoàn khách trong, ngoài nước, các địa phương, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, trao tặng. Cùng với hàng trăm trang tư liệu được cán bộ, nhân viên Ban quản lý Khu di tích Kim Liên sưu tầm. Chính từ những kỷ vật, bức ảnh, tư liệu được trưng bày góp phần làm phong phú thêm các tài liệu hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm Người sống tại quê hương và hai lần Người về thăm quê.
Trở lại thăm quê Bác sau 10 năm, chị Phạm Thị Thuý vân - du khách đến từ TP. Đà Nẵng tâm sự: “Tôi thực sự cảm động bởi dù đã trải qua rất nhiều năm nhưng các di tích, kỷ vật ở quê Bác đều được giữ nguyên vẹn. Nghe các câu chuyện về Bác, tôi cảm nhận được tình nghĩa của Bác và những người dân nơi đây, mọi thứ đều sâu lắng. Cuộc đời Bác giản đơn, dung dị nhưng lại làm nên những điều kỳ vĩ...”.
Nghệ An là vùng có khí hậu hết sức khắc nghiệt, thế nên công tác bảo vệ, bảo tồn, bảo quản hiện vật tại 2 nhà trưng bày gặp nhiều khó khăn. Nhưng trong những năm qua, cán bộ, nhân viên Phòng sưu tầm, kiểm kê, bảo quản và trưng bày Khu di tích Kim Liên luôn nỗ lực thực hiện nhiệm vụ bằng kinh nghiệm, bằng khoa học, nghiên cứu, tìm hiểu để có phương pháp bảo quản tốt nhất.
Mỗi ngày, Khu di tích Kim Liên đón hàng nghìn lượt khách. Những kỷ vật của Bác chính là một trong những yếu tố để lại dấu ấn sâu đậm đối với du khách khắp mọi miền |
Ông Trần Đình Thục - Cán bộ phòng sưu tầm, kiểm kê, bảo quản và trưng bày Khu di tích Kim Liên - chia sẻ: Được tiếp xúc với những tư liệu, hiện vật của Bác hàng ngày, tôi càng hiểu và yêu kính Bác hơn. Tôi cũng hiểu rằng, để sưu tầm được những tài liệu, hiện vật ấy cũng mất rất nhiều thời gian và công sức, chính vì thế, tôi rất cẩn trọng trong công tác bảo quản. Nếu phát hiện hiện vật nào xuống cấp thì tôi phải báo cáo với ban quản lý ngay và đề xuất một số phương án để có kế hoạch bảo vệ. Chúng tôi luôn phải tìm hiểu các kỹ thuật bảo quản hiện vật để gìn giữ và bảo tồn các hiện vật ở đây không bị ảnh hưởng do tác động bên ngoài.
Theo Ban quản lý Khu di tích Kim Liên, năm 2019, UBND TP. Hồ Chí Minh đã hỗ trợ kinh phí cải tạo, nâng cấp, chỉnh lý nhà trưng bày bổ sung tại Khu di tích Kim Liên. Đến nay, 2 nhà trưng bày bổ sung đã hoàn thành, đưa vào sử dụng góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu tham quan, nghiên cứu, học tập của nhân dân.
Nhiều năm qua, những hiện vật được trưng bày tại Khu di tích Kim Liên đã trở thành cầu nối, chứa đựng nhiều thông điệp ý nghĩa cho thế hệ mai sau. Qua đó, mỗi người con đất Việt thấy gắn bó, yêu thương hơn với mảnh đất này và trân trọng hơn những giá trị nhân văn, cao đẹp mà Người để lại cho chúng ta hôm nay...