Nghệ An gặp khó trong quản lý giáo viên người nước ngoài
Nhu cầu tăng cao
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An, hiện trên địa bàn có 60 giáo viên là người nước ngoài đang làm việc tại 23/142 trung tâm Anh ngữ trên địa bàn. Con số này có thể chưa phản ánh được đúng thực tế bởi có thể có rất nhiều giáo viên nước ngoài dù đang dạy ở các trung tâm nhưng lại là giáo viên dạy theo hợp đồng ngắn hạn hoặc chưa được cấp phép theo đúng thẩm quyền.
Một tiết dạy của giáo viên người Nam Phi tại Trung tâm Anh ngữ Neoling (TP. Vinh - Nghệ An) |
Liên quan đến vấn đề này, tại hội nghị về tổng kết hoạt động đào tạo ngoại ngữ, đại diện Công an tỉnh Nghệ An cho biết: Nếu như 2 năm trước, Nghệ An chỉ có khoảng 30 giáo viên nước ngoài làm việc thì nay số lượng đã tăng gấp đôi. Điều đó cho thấy nhu cầu sử dụng giáo viên nước ngoài là rất lớn. Tuy vậy, công tác quản lý giáo viên nước ngoài đang gặp nhiều khó khăn và việc thẩm định, cấp phép cũng cần khá nhiều thời gian. Bên cạnh đó, có tình trạng chèo kéo giáo viên nước ngoài giữa các trung tâm dẫn đến sự thiếu ổn định.
Tại Trung tâm Anh ngữ Neoling (TP. Vinh - Nghệ An), ngay từ đầu năm, trung tâm liên tục đăng tin tuyển dụng giáo viên tiếng Anh là người nước ngoài nhưng sau rất nhiều nỗ lực, kết quả gần như bằng không. Ông Phạm Anh Tuấn - Giám đốc Công ty CP giáo dục Neoling - cho biết, trung tâm có một lượng học viên khá đông với hàng chục lớp nhưng tạm thời chỉ có duy nhất một giáo viên người nước ngoài đến từ Nam Phi. Lịch học với giáo viên nước ngoài của các lớp vì thế cũng co lại khá nhiều. Trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, rất nhiều giáo viên người nước ngoài về nước và chưa thể quay lại nên việc tuyển dụng rất khó khăn. Bên cạnh đó, mức lương để chi trả cho giáo viên nước ngoài cũng rất cao, tăng khoảng 30% so với trước.
"Để tuyển dụng 1 giáo viên nước ngoài có chất lượng cũng rất khó khăn, bởi khi tuyển dụng, tôi thường yêu cầu giáo viên phải có bằng đại học, cao đẳng, phải có chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh như một ngoại ngữ, có lý lịch tư pháp đang có giá trị và được hợp pháp hóa ở các lãnh sứ. Tuy vậy, không phải giáo viên nào cũng đáp ứng được yêu cầu này. Ngoài ra, việc các giáo viên nước ngoài tăng lương cũng rất khó khăn cho các trung tâm hoạt động vì điều đó đồng nghĩa phải tăng học phí của học sinh”, ông Phạm Anh Tuấn cho biết thêm.
Bà Nguyễn Thùy Quyên - Giám đốc vùng kinh doanh Ocean edu - cho biết: Hiện tại, do khan hiếm giáo viên nước ngoài nên các trung tâm đều muốn thu hút giáo viên và việc cạnh tranh giữa các trung tâm là có thật. Cá nhân các giáo viên thường cũng chỉ ký hợp đồng theo từng năm nên trung tâm cũng phải nỗ lực đưa ra nhiều chính sách để các giáo viên gắn bó lâu dài với đơn vị.
Khó khăn trong quản lý
Trên thực tế, khi đưa giáo viên nước ngoài về giảng dạy, chất lượng giáo viên, các quy trình, thủ tục pháp lý đều “trông cậy” vào các trung tâm lo liệu. Trong khi đó, bản thân giáo viên nước ngoài làm việc ở các trung tâm ngoại ngữ cũng đang không ổn định với hợp đồng được ký kết từ 6 tháng đến 2 năm. Hầu hết giáo viên người bản ngữ đến từ các nước nói tiếng Anh như Anh, Mỹ, Úc chỉ chiếm khoảng 50%, số còn lại phần nhiều đến từ các nước như Philippines, Uganda, Nam Phi…
Một tiết dạy của giáo viên người Philippines tại Trung tâm Anh ngữ Ocean edu (TP. Vinh - Nghệ An) |
Sự “khập khiễng” về số lượng này cho thấy có kẽ hở trong quản lý giáo viên người nước ngoài trên địa bàn. Về phía ngành lao động, mặc dù là đơn vị cấp phép và quản lý lao động nước ngoài và hàng năm phải có chức năng kiểm tra, giám sát nhưng việc kiểm tra cũng chỉ dừng lại ở việc chấn chỉnh chứ chưa có xử phạt. Việc thanh kiểm tra các hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ hiện nay chưa được triển khai thường xuyên. Quá trình hoạt động, nhiều trung tâm chưa kịp thời báo cáo về số lượng đội ngũ nên khó giám sát. Chính vì vậy có hiện tượng một số trung tâm “lách luật”, tuyển dụng giáo viên không đủ chuẩn, sang Việt Nam theo visa du lịch chứ không phải visa lao động và ký hợp đồng ngắn hạn.
Là đơn vị trực tiếp quản lý và cấp phép cho lao động ngoài nước, ông Trần Phi Hùng - Trưởng phòng việc làm - An toàn lao động - Sở Lao động Thương binh và Xã hội Nghệ An - cho biết: Để quản lý người lao động nước ngoài, tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, nhất là hiện nay có nhiều trung tâm ngoại ngữ không thường xuyên báo cáo những nội dung mà trung tâm sử dụng người lao động. Vì vậy, đơn vị quản lý không nắm bắt được hết việc sử dụng lao động người nước ngoài ở các trung tâm và không tránh được trường hợp có những giáo viên nước ngoài đến đăng ký ở trung tâm A nhưng sang trung tâm B để giảng dạy.
Trước thực tế này, ông Nguyễn Văn Khoa - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An - cho rằng: Để tăng cường công tác quản lý nhà nước, tới đây Sở sẽ công khai thông tin và năng lực của các trung tâm trên website của Sở và các phương tiện thông tin đại chúng để người dân và các cơ sở giáo dục lựa chọn, giám sát. Đặc biệt, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Nghệ An cũng sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước và kiên quyết xử lý với những đơn vị vi phạm các quy định của nhà nước, nhất là trong việc sử dụng giáo viên nước ngoài.