Thứ tư 20/11/2024 19:19

Nghệ An: Đề xuất đưa sinh viên trường nghề vào doanh nghiệp vừa học, vừa làm

Cùng với tuyển mới lao động, nhiều phương án được bàn tới như đưa học sinh, sinh viên tới doanh nghiệp ở Nghệ An để vừa học vừa làm. Điều này vừa giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động, vừa góp phần nâng cao kỹ năng tay nghề cho lao động.

Đưa học sinh vừa học vừa làm tại doanh nghiệp

Công ty TNHH Luxshare-ICT Khu công nghiệp Vsip, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) có 2 nhà máy chuyên sản xuất linh kiện điện tử với 7.000 công nhân làm việc. Tuy nhiên sau Tết Nguyên đán, nhiều công nhân không quay trở lại làm việc. Trong khi đó, nhiều công nhân quay trở lại bị mắc Covid-19 và công nhân thuộc diện F1 phải cách ly hoặc điều trị, khiến doanh nghiệp (DN) này lâm vào cảnh thiếu lao động.

Đại diện Công ty TNHH Luxshare-ICT khẳng định, thực tập sinh khi vào công ty sẽ được hưởng đầy đủ chế độ như công nhân

"Chúng tôi đang tiếp tục mở rộng quy mô nhà máy, dự kiến đến cuối năm cần khoảng 15.000 lao động nhưng hiện tại dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Số F0 và F1 tăng nên doanh nghiệp bị thiếu nhân lực", đại diện Công ty TNHH Luxshare-ICT cho hay. Tại thời điểm này, công ty đang có nhu cầu tuyển dụng từ 800-1.000 lao động, dù đã đăng thông báo tuyển dụng hàng ngày nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu.

"DN sẽ ký cam kết hay thỏa thuận với các nhà trường để sinh viên thực tập tại công ty. Ngoài ra sẽ chi trả chế độ cho một quản lý kèm theo của nhà trường để kịp thời phối hợp, xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình sinh viên thực tập. Đối với học sinh các trường trung cấp nghề từ 15-17 tuổi, công ty sẽ tiếp nhận và bố trí làm việc ban ngày, không tăng ca. Sau khi kết thúc thực tập, công ty sẽ đánh giá, xếp loại và có chế độ khuyến khích đối với các thực tập sinh làm việc năng suất, chất lượng, có ý thức kỷ luật lao động tốt...", đại diện Công ty TNHH Luxshare-ICT khẳng định.

Trước tình hình này, để đảm bảo nguồn nhân lực thực hiện các đơn hàng đã ký kết, Công ty TNHH Luxshare-ICT đã báo cáo Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam và UBND tỉnh Nghệ An đề nghị hỗ trợ.

Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, để giúp các DN bảo đảm lao động trong tình hình có thể thiếu hụt lao động qua đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ( LĐ-TB&XH) Nghệ An phối hợp Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam và 9 trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh này, cùng lãnh đạo Công ty TNHH Luxshare-ICT bàn giải pháp tìm nguồn lao động bổ sung cho doanh nghiệp và có phương án sẵn sàng hỗ trợ lao động cho DN trong sản xuất, kinh doanh.

Ông Lê Tiến Trị - Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An - cho biết, DN và các trường đào tạo nghề trên địa bàn sẽ thống nhất phương án để đưa sinh viên đến công ty thực tập, đảm bảo việc duy trì sản xuất trước mắt của doanh nghiệp cũng như tính đến các phương án hợp tác đào tạo, đảm bảo nhu cầu nguồn nhân lực lâu dài.

Các trường nghề cũng có ý kiến xem xét, sử dụng, bố trí thực tập sinh là sinh viên người Lào cũng như các học sinh trường trung cấp nghề chưa đủ 18 tuổi

Hiện, trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc đang kết nối cung ứng lao động cho 52 DN. Mức thu nhập cho thực tập sinh và người lao động từ 5-8 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, các DN này chủ yếu là ngoại tỉnh, nếu có sự kết nối trong tỉnh sẽ là điều kiện thuận lợi cho chính nhà trường và DN, góp phần thực hiện các chính sách đào tạo, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Ông Hồ Văn Đàm - Hiệu trưởng nhà trường khẳng định sẵn sàng bố trí sinh viên đến thực tập tại công ty. Tuy nhiên, cần phải làm rõ mức thu nhập, các chế độ phụ cấp mà công ty dành cho thực tập sinh. Bên cạnh đó, vấn đề chỗ ăn, ở, công tác phòng, chống dịch cũng như chi phí điều trị, cách ly trong trường hợp thực tập sinh không may mắc Covid-19.

Những phương án này có ưu điểm là vừa có thể huy động được học sinh, sinh viên tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh thiếu lao động, vừa đảm bảo được mục tiêu nâng cao tay nghề cho học sinh, sinh viên. Đồng thời, đây là phương án nhằm tăng kết nối, liên kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với DN, tạo động lực để DN tham gia nhiều hơn nữa vào công tác đào tạo.

"Thực tế thời gian qua, với chủ trương tăng cường gắn kết giáo dục nghề nghiệp với DN, nhiều nhà trường đã thực hiện tốt việc hợp tác đào tạo với DN, áp dụng mô hình đào tạo nghề kép, học tập lý thuyết và những kỹ năng nghề nghiệp cơ bản tại trường, hoàn thiện kỹ năng và tác phong làm việc tại DN. Điều này đã thu được kết quả tốt, góp phần nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho người học, đáp ứng ngay được yêu cầu của DN" - ông Hồ Đàm Văn nói.

Có căn cứ pháp lý hoàn chỉnh

Đại diện Sở LĐ-TB&XH Nghệ An cho rằng, đề xuất về các phương án trên hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật, có căn cứ pháp lý. Bởi theo quy định tại Thông tư số 03/2017/TT-BLĐTBXH, thời gian thực hành, thực tập trong một chương trình đào tạo chiếm từ 55% - 75% đối với trình độ trung cấp và từ 50% - 70% đối với trình độ cao đẳng. Theo quy định tại Thông tư số 29/2017/TT-BLĐTBXH, DN được tham gia giảng dạy tới 40% khối lượng của chương trình đào tạo.

Đại diện Sở LĐ-TB&XH, Ban quản lý KKT Đông Nam và 9 trường đại học, cao đẳng trong tỉnh cùng lãnh đạo công ty tìm giải pháp hỗ trợ nguồn nhân lực

Vì vậy, việc tổ chức thực hành, thực tập do các nhà trường tự chủ, liên kết với các DN lập kế hoạch, tổ chức thực hiện theo quy định của chương trình, phù hợp với các quy định pháp luật. Riêng đối với trường hợp cơ sở giáo dục nghề nghiệp không nằm cùng địa bàn tỉnh với DN thì thực hiện đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp với những địa điểm đào tạo mới.

Theo đó, có thể cho sinh viên năm cuối, năm 2, năm 3 về thực tập tại DN. Người học có thể trở thành người lao động của ngay DN, nơi thực hành, thực tập sau khi hoàn thành việc đào tạo nếu DN có nhu cầu và người học có nguyện vọng. Để giải quyết vấn đề cấp bách về nhân lực lao động cho DN, có thể cho học sinh, sinh viên đi thực hành, thực tập tại DN theo hình thức vừa học, vừa làm. Các lớp học sinh, sinh viên được bố trí xen kẽ giữa học lý thuyết ở trường và thực hành, thực tập tại DN theo từng tuần hoặc theo từng tháng.

Ông Hồ Văn Đàm - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc cho biết thêm, sự kết nối trong tỉnh sẽ là điều kiện thuận lợi cho chính nhà trường và doanh nghiệp, góp phần thực hiện các chính sách đào tạo, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Đây sẽ là nguồn cung lớn lao động cho tỉnh thời gian tới.

Hoàng Trinh

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội thành lập Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí

Thanh Hóa: Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với người nước ngoài cư trú, hoạt động trên địa bàn

TP. Hồ Chí Minh: Thị trường hoa ảm đạm trong dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sơn La: Sản xuất công nghiệp tiếp tục là 'đầu tàu' trong tăng trưởng kinh tế

Cà Mau: Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Hội chợ Thương mại - Tiêu dùng ở thị trấn Sông Đốc

HĐND tỉnh Thái Bình thông qua 8 nghị quyết quan trọng

Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân quản lý tốt vũ khí, trang bị sẵn sàng chiến đấu

Tập đoàn QuickPack đầu tư 30 triệu euro vào Khu công nghiệp Đông Nam Á Long An

TP. Uông Bí (Quảng Ninh): Nỗ lực vượt khó, đảm bảo tiến độ thu ngân sách năm 2024

Trường THPT Chuyên Hoàng Văn Thụ: Cánh chim đầu đàn của ngành giáo dục Hoà Bình

Sắp diễn ra Hội nghị Sơ kết hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Đài tưởng niệm liệt sĩ ngành bưu điện Quảng Nam – Đà Nẵng đón nhận xếp hạng di tích lịch sử

6 nhiệm vụ chính tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình năm 2024

Hoà Bình: Nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Công ty Kinh doanh điện Thanh Hóa nói gì về việc điện yếu tại xã Hà Sơn?

Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình ủng hộ 4,3 tỷ đồng hỗ trợ người nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát

Thanh Hóa chung tay xây dựng nhà ‘Đại đoàn kết’ cho hộ nghèo

Quảng Ninh nỗ lực tăng thu ngân sách nội địa, tạo nguồn lực cho phát triển

Quảng Ninh: Liên kết hợp tác xã, thúc đẩy kinh tế tập thể

PC Bạc Liêu: Nhiều hoạt động ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành điện lực