Nghệ An: Còn tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm trong giải ngân đầu tư công
10 đơn vị chưa thực hiện giải ngân
Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An cho biết dù kết quả trên cao hơn bình quân chung cả nước nhưng còn chậm. Theo đó, toàn tỉnh Nghệ An hiện có 41 đơn vị giải ngân trên mức bình quân của tỉnh. Trong đó có 30 đơn vị giải ngân trên 50%; 29 đơn vị đạt dưới mức bình quân chung của tỉnh.
Trường Đại học Y khoa Vinh – 1 trong 10 đơn vị chưa giải ngân ở Nghệ An |
Điều đáng nói là đến ngày 20/9 có 10 đơn vị trên địa bàn Nghệ An chưa thực hiện giải ngân gồm: Sở Y tế, Trường Cao đẳng Việt - Đức, Trường Đại học Y khoa Vinh, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng Nghệ An, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Phát triển nông thôn, Trường THPT Mường Quạ.
Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An cho rằng để xảy ra tình trạng trên là do một số nguyên nhân về giá cả nguyên nhiên vật liệu tiếp tục dự báo biến động khó lường, tác động trực tiếp đến hoạt động đầu tư xây dựng, thi công của các nhà thầu. Chưa kể năm 2023, nhiều dự án lớn, trọng điểm triển khai trên địa bàn như đường bộ cao tốc, đường ven biển…nên khó khăn về nguồn cung vật liệu xây dựng, vật tư thiết bị...
Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An cũng thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công là do năng lực quản lý của một số chủ đầu tư còn hạn chế, việc chỉ đạo, điều hành đối với các ban quản lý dự án chưa thực sự quyết liệt, kịp thời…
Ngoài ra, một số chủ đầu tư chưa tích cực thực hiện các thủ tục thanh toán, quyết toán ngay sau khi có khối lượng nghiệm thu. Mặt khác, năng lực chuyên môn của một số Ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn…chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến việc hoàn thiện hồ sơ thủ tục để trình các ngành, các cấp thẩm định, phê duyệt còn chậm.
Đặc biệt là cấp ủy, chính quyền tại một số địa phương còn chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Thái độ, tinh thần làm việc của một số cán bộ làm công tác đầu tư công chưa cao, vẫn còn tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm liên quan đến pháp luật…
Trong khi đó, lý giải về nguyên nhân, một trong các đơn vị chậm giải ngân là Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An giải thích là do có sự sai sót về việc tổng hợp. Nhưng cũng thừa nhận sẽ quyết tâm hoàn thành việc giải ngân trong tháng 10/2023.
Tập trung quyết liệt, hoàn thành dứt điểm chỉ tiêu được giao
Từ nay đến cuối năm để phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ về giải ngân vốn đầu tư công đã được Chính phủ đề ra, Nghệ An tiếp tục đưa ra một số giải pháp “mạnh”.
Trong đó, tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò của người đứng đầu, xác định việc giải ngân vốn đầu tư công là đặc biệt quan trọng, cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, dứt điểm, phấn đấu giải ngân hết chỉ tiêu kế hoạch được giao. Kết quả giải ngân là căn cứ để xếp loại hoàn thành nhiệm vụ đối với tập thể và cá nhân người đứng đầu đơn vị.
Ngoài ra Nghệ An cũng tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thẩm định, ưu tiên thẩm định các dự án được bố trí vốn trong năm 2023. Đối với các chủ đầu tư thì phải tiếp tục rà soát các dự án giải ngân chậm, đặc biệt là các dự án đang vướng mắc về giải phóng mặt bằng, điều chỉnh dự án, đấu thầu, quyết toán để tính toán khả năng giải ngân, kịp thời đề xuất để cấp có thẩm quyền điều chuyển kế hoạch vốn.
Đồng thời, đối với các dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu và khả năng bổ sung vốn, đăng ký tiếp nhận vốn từ nguồn điều chỉnh giảm các dự án chậm để đẩy nhanh tiến độ giải ngân chung của tỉnh.
Trước đó, giải ngân vốn đầu tư công được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2023, vì vậy từ đầu năm đến nay tháng 9/2023, Nghệ An cũng đã quan tâm và chỉ đạo sát sao, quyết liệt nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.