Chủ nhật 24/11/2024 19:56

Ngày này năm xưa 9/11: Lần đầu tiên hàng hóa của Việt Nam có mặt tại Pháp

Ngày 9/11, lần đầu tiên hàng hóa của Việt Nam có mặt tại Pháp, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 114 về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế.

Chuyên mục “Ngày này năm xưa” Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện ngày 9/11 trong nước và quốc tế; các sự kiện liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày 9/11.

Sự kiện trong nước và ngành Công Thương

Ngày 9/11/1946: Quốc hội khóa I thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã có 5 bản Hiến pháp, bản Hiến pháp đang có hiệu lực là Hiến pháp năm 2013. Tuy vậy, ý nghĩa của ngày “khai sinh” ra bản Hiến pháp đầu tiên vẫn rất được trân trọng. Đó cũng chính là lý do Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 quy định ngày 9/11 hằng năm là ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ngày 09/11/1959, Hội nghị tổng kết thí điểm cải tiến quản lý xí nghiệp ở 6 đơn vị: Cơ khí Hà Nội, Điện Hà Nội, Xe lửa Gia Lâm, Điện Hải Phòng, Than Vàng Danh và Nông trường Tây Hiếu.

Ngày 9/11/2011, Hàng hóa Việt Nam lần đầu tiên có mặt tại siêu thị Pháp, cũng là ngày đầu tiên và lần đầu tiên hàng hóa Việt Nam được bày bán tại Đại siêu thị Géant Casino Paris Massena thuộc quận 13, Thủ đô Pari trong khuôn khổ Tuần lễ hàng hóa Việt Nam tại Pari. Đây là kết quả của sự hợp tác giữa Bộ Công Thương và các nhà cung cấp hàng hóa tại Việt Nam. Khoảng 180 sản phẩm của Việt Nam được bày bán tại Đại siêu thị Géant Casino Paris Massena, chủ yếu là thực phẩm tươi sống, rau, hoa quả (khoai, bưởi, sầu riêng, măng cụt, mít, thanh long); thực phẩm khô (gạo nếp, gạo tẻ, cà phê, trà, mì ăn liền, bánh tráng các loại); hàng thủ công mỹ nghệ (ấm chén, tách trà, ly tách, chén, bát); thực phẩm đông lạnh (tôm, cua, cá ba sa, mực,…). Sự kiện là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với các nhà bán lẻ và người tiêu dùng Pháp, hiểu rõ hơn các quy định luật pháp, thị hiếu của thị trường châu Âu.

Ngày 9/11/2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng công bố, Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người dân trong xã hội. Đồng thời, tăng cường nhận thức của mọi người về vai trò của luật pháp trong đời sống, tăng cường sự hiểu biết pháp luật và khả năng thực thi pháp luật trong hoạt động quản lý Nhà nước, hoạt động kinh tế - xã hội và sinh hoạt hằng ngày của người dân.

Ngày 9/11/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 114/2015/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung Điều 21 Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế.

Ngày 09/11/2016, diễn ra Lễ Ký kết Bản ghi nhớ về tăng cường phối hợp công tác thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông lâm thủy sản giai đoạn 2016 – 2020 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương.

Theo nội dung Bản ghi nhớ, các đơn vị chức năng trực thuộc hai bộ sẽ tăng cường phối hợp để triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản trong giai đoạn 2016 - 2020 trên 6 lĩnh vực: Phát triển sản xuất theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng đáp ứng yêu cầu của thị trường; trao đổi thông tin, tháo gỡ rào cản phi thuế quan, mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu; quản lý thị trường, chống buôn lậu, sản xuất hàng giả đối với vật tư nông nghiệp và hàng nông, lâm, thủy sản; đẩy mạnh cơ giới hóa, điện khí hóa nông nghiệp nông thôn; thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản, tăng cường quản lý và phát triển làng nghề; quản lý nhà nước và thống nhất chỉ đạo các địa phương.

Ngày 9/11/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 139/NQ-CP của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

9/11/2011 hàng hóa của Việt Nam chính thức có mặt tại thị trường Pháp (Ảnh: TV)

Ngày 09/11/2018, Hiệp định Thương mại Việt Nam – Cuba ký tại Hà Nội ngày 9/11/2018, thay thế Hiệp định giữa hai Chính phủ về trao đổi thương mại và các hình thức hợp tác kinh tế khác được ký vào năm 1996.

Hiệp định với nhiều cam kết ưu đãi thương mại mới được kỳ vọng sẽ từng bước nâng quan hệ hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư giữa hai nước ngang tầm với quan hệ chính trị song phương tốt đẹp.

Với 14 chương, Hiệp định Thương mại Việt Nam-Cuba bao gồm các quy định về thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, quản lý hải quan và tạo thuận lợi thương mại, phòng vệ thương mại, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và thủ tục đánh giá sự phù hợp, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, hợp tác kinh tế và thương mại…

Theo đó, hai bên cam kết xóa bỏ hoặc cắt giảm thuế đối với gần 100% mặt hàng đang nhập khẩu từ thị trường của nhau trong vòng 5 năm.

Hiệp định được ký và đi vào thực thi sẽ góp phần tạo khung khổ pháp lý ổn định và thông thoáng, thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư song phương. Hiệp định sẽ đem lại lợi ích to lớn cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa sang thị trường của nhau, thúc đẩy kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều, góp phần đưa quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam - Cuba lên tầm cao mới.

Đây là hiệp định đầu tiên của Cuba với một đối tác châu Á, cho thấy sự ưu tiên của Cuba đối với Việt Nam trong chiến lược hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mình. Đối với Việt Nam, Cuba luôn là một trong mười thị trường trọng điểm ở khu vực Mỹ Latinh.

Sự kiện quốc tế

Ngày 9/11/1953: Campuchia giành độc lập từ Pháp.

Ngày 9/11/1989: Bức tường Berlin sụp đổ chấm dứt sự chia cắt nước Đức. Hiện nay, phần còn lại của bức tường được trang trí bằng nhiều tác phẩm nghệ thuật. Bức tường ngăn cách phần Đông và Tây thành phố, là biểu tượng đặc trưng của Chiến tranh Lạnh. Sự sụp đổ của nó dẫn đến thống nhất nước Đức và đánh một dấu mốc quan trọng trong lịch sử thế giới. Ngày 9/11/1989 cũng là ngày bắt đầu sự tan rã của Liên bang Xô viết.

Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 9/11/1920: Nguyễn Ái Quốc tham dự một cuộc mít tinh do Đảng Xã hội tổ chức để kỷ niệm 3 năm ngày thành lập nước Nga Xô viết.

Ngày 9/11/1923: Báo “La Vie Ouvrière” (Đời sống Thợ thuyền) đăng 3 bài báo của tác giả Nguyễn Ái Quốc. Bài “Chính sách thực dân Anh”, “Phong trào công nhân” và “Nhật Bản”, cho thấy mối quan tâm của nhà cách mạng Việt Nam đối với phong trào vô sản quốc tế.

Ngày 9/11/1949: Bác Hồ gửi thư cho Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn nhân ngày khai giảng, nội dung có đoạn viết: “Gặp hoàn cảnh khó khăn hơn, kẻ địch mạnh hơn, mà tổ tiên ta, với sự lãnh đạo của ông Trần Quốc Tuấn, đã đánh thắng nhà Nguyên, đã để lại cho chúng ta một nước tự do, độc lập. Thì ngày nay, chúng ta quyết noi theo tinh thần quật khởi ấy, quyết đánh tan giặc Pháp, quyết giành lại thống nhất và độc lập thực sự cho Tổ quốc ta...”. Bác còn căn dặn: “Luyện tập thân thể cho mạnh mẽ. Nghiên cứu kỹ thuật cho thông thạo. Trau dồi tinh thần cho vững chắc. Hun đúc đạo đức của người quân nhân cách mạng cho vững vàng...”.

Ngày 9/11/1949: Bác có lời huấn thị gửi lớp “Chuẩn bị tổng phản công” Trường Trung học Lục quân Trần Quốc Tuấn (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1), đăng trên Báo Cứu quốc.

Ngày 9/11/1950: Tại Chiến khu Việt Bắc, Bác gửi điện về nhà, sau khi nhận được tin anh trai là ông Nguyễn Sinh Khiêm đã qua đời. Bức điện viết: “Gửi họ Nguyễn Sinh. Nghe tin anh Cả mất, lòng tôi rất buồn rầu. Vì việc nước nặng nhiều, đường sá xa cách, lúc anh đau yếu tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế tôi không thể lo liệu. Than ôi! Tôi chịu tội “bất đệ” trước linh hồn anh và xin bà con nguyên lượng cho một người con đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước”.

Ngày 9/11/1964: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thǎm đoàn không quân Sao Đỏ (Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371).

Thu Hường
Bài viết cùng chủ đề: Ngày này năm xưa

Tin cùng chuyên mục

Ngày này năm xưa 28/2: Thành lập Nhà máy thuỷ điện Ialy

Ngày này năm xưa 27/2: Ngày Thầy thuốc Việt Nam; Quy định hàng hóa mua bán qua cửa khẩu phụ biên giới

Ngày này năm xưa 26/2: Phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống đường ống xăng dầu

Ngày này năm xưa 25/2: Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 18

Ngày này năm xưa 23/2: Bổ sung thành viên Ủy ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế

Ngày này năm xưa 22/2: Ban hành Nghị định về vật liệu nổ công nghiệp

Ngày này năm xưa 21/2: Bộ Công Thương phê duyệt Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện Hồi Xuân

Ngày này năm xưa 20/2: Khánh thành đường hàng không nối Thủ đô Hà Nội với Thủ đô Viêng Chǎn

Ngày này năm xưa 19/2: Ban hành nghị định về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản

Ngày này năm xưa 18/2: Việt Nam và Campuchia ký Hiệp ước hòa bình hữu nghị và hợp tác

Ngày này năm xưa 17/2: Ban hành kế hoạch thực hiện Hiệp định RCEP

Ngày này năm xưa 16/2: Quy định kỹ thuật quốc gia về kỹ thuật điện

Ngày này năm xưa 15/2: Ban hành quyết định về Ngày truyền thống ngành xăng dầu Việt Nam

Ngày này năm xưa 14/2: Khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình

Ngày này năm xưa 13/2: Hợp nhất Nghị định về kinh doanh xăng dầu của Bộ Công Thương

Ngày này năm xưa 12/2: Quy định về việc phát triển, quản lý hoạt động thương mại điện tử

Ngày này năm xưa ngày 11/2: Bộ Chính trị ban hành Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia

Ngày này năm xưa 10/2: Ngày thành lập Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia

Ngày này năm xưa ngày 9/2: Bộ Công Thương quy định về điều kiện đầu tư lĩnh vực kinh doanh thực phẩm

Ngày này năm xưa 8/2: Ban hành Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực điện lực