Ngày này năm xưa 19/2: Ban hành nghị định về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản
Chuyên mục “Ngày này năm xưa” trên Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước, ngành Công Thương; sự kiện quốc tế và sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19/2.
Ngày 19/2/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2016/NQ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản. Ảnh: TTXVN |
Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
Từ ngày 19 - 28/2/1952: Quân đội ta đã chặn đánh và phá tan cuộc tấn công của thực dân Pháp vào Đồng Tháp Mười. Trong cuộc tấn công này, địch đã huy động 3.000 quân, 75 xe lội nước, 39 tàu chiến và có cả máy bay yểm trợ. Ta chặn đánh các mặt, tiêu diệt 780 tên, làm bị thương 790 tên, phá huỷ 3 tàu chiến, 4 xe lội nước, đồng thời khiến lực lượng còn lại của địch phải rút chạy.
Từ ngày 19 - 22/2/1974: Hội nghị đại biểu Đoàn Thanh niên lao động Hồ Chí Minh. Có 383 đại biểu thay mặt cho 2.800.000 đoàn viên về dự, trong đó có 15 anh hùng chiến sĩ thi đua. Hội nghị nghe và thảo luận báo cáo phương hướng, nhiệm vụ Đoàn thanh niên lao động trong tình hình mới. Chủ tịch Quốc hội đã gắn Huân chương Hồ Chí Minh của Quốc hội trao tặng phong trào thanh niên và Đoàn thanh niên Lao động Hồ Chí Minh.
Ngày 19/2/1977: Cung thiếu nhi Hà Nội được khánh thành. Cung có một ngôi nhà 6 tầng, hai ngôi nhà 2 tầng, một rạp Khǎn quàng đỏ 500 chỗ ngồi, một sân pa-tanh, một sân ôtô điện và đặc biệt có nhà truyền thống Bác Hồ với thiếu nhi Thủ đô.
Ngày 19/2/2008: Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 23/2009/TT-BCT quy định chi tiết một số điều Nghị định số 39/2009/NĐ-CP của Chính phủ về vật liệu nổ công nghiệp.
Ngày 19/2/2008: Bộ Công Thương ban hành Thông tư 02/2008/TT-BCT về việc hướng dẫn điều kiện kinh doanh và cấp giấy phép kinh doanh Nitrat amôn hàm lượng cao.
Ngày 19/2/2009: Bộ Tài chính ban hành Thông tư 32/2009/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số quy định về thuế đối với các tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí theo quy định của Luật Dầu khí.
Ngày 19/2/2013: Quyết định 339/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020.
Ngày 19/2/2014: Quyết định 1371/QĐ-BCT của Bộ Công Thương về việc bổ sung danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được.
Ngày 19/2/2016: Khởi công Dự án cấp điện cho xã đảo Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Dự án có quy mô xây dựng gồm: Đường dây trung thế 22 kV vượt biển dài 16,371 km; đường dây trung thế 3 pha trên đảo xây dựng mới dài 9,9 km; lắp đặt công tơ và nhánh rẽ khách hàng cho 526 hộ dân trên đảo. Tổng mức đầu tư gần 140 tỷ đồng. Dự án khởi công ngày 19/2/2016 và đã đóng điện vận hành ngày 30/12/2016.
Ngày 19/2/2016: Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2016/NQ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.
Ngày 19/2/2021: Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị số 04/CT-BCT về việc đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, tạo động lực mới cho phát triển công nghiệp nông thôn giai đoạn 2021-2025.
Sự kiện quốc tế
Ngày 19/2/1473: Nicolaus Copernicus, nhà thiên vǎn học vĩ đại của thế giới, sinh ra tại Torun, một thành phố ở phía Bắc miền Trung Ba Lan. Ông được xem là cha đẻ của nền thiên văn học hiện đại và là nhà khoa học châu Âu hiện đại đầu tiên đề xuất rằng Trái Đất và các hành tinh khác xoay quanh Mặt Trời.
Ngày 19/2/1878: Nhà phát minh người Mỹ Thomas Edison đã được cấp bằng sáng chế cho máy quay đĩa.
Ngày 19/2/1945: Trong giai đoạn cuối của Thế chiến thứ 2, Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã tấn công đảo Iwo Jima để giành quyền kiểm soát hòn đảo quan trọng này và đã gặp phải sự kháng cự quyết liệt của quân đội Nhật.
Ngày 19/2/1949: Nhà thơ Ezra Pound được trao giải thưởng Bollingen đầu tiên bởi Quỹ Bollingen và Đại học Yale.
Ngày 19/2/1986: Trạm vũ trụ Hòa Bình của Liên Xô được phóng thành công lên không gian, trạm hoạt động cho đến năm 2001.
Sự kiện về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 19/2/1923: Tờ “L’Humanité” (Nhân Đạo) đăng truyện “Vi hành” của Nguyễn Ái Quốc. Với giọng văn hài hước, tác giả châm biếm Vua Khải Định giống như “một con rối” mua vui cho dân chúng chính quốc trong chuyến sang Pháp của ông ta.
Ngày 19/2/1925: Từ Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi các đồng chí Đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, bày tỏ mong muốn được biết tình hình hoạt động của Đảng Cộng sản Pháp và cho biết những công việc ở Trung Quốc “rất thú vị”, trong đó có việc tập hợp các lực lượng cách mạng Việt Nam.
Kèm theo thư, Người còn gửi Quốc tế Cộng sản báo cáo kết quả hoạt động, trong đó có nhắc đến việc đã thiết lập cơ sở của Quốc tế Cộng sản ở Quảng Châu, các đầu mối liên lạc ở miền Nam Trung Quốc và Xiêm (Thái Lan), cử người về nước, và gửi sinh viên Việt Nam sang Mátxcơva học tập.
Ngày 19/2/1931: Giữa lúc phong trào cách mạng đang bùng phát mạnh mẽ ở trong nước, Nguyễn Ái Quốc đã viết hai bài báo. Bài “Nghệ Tĩnh Đỏ” khẳng định “Nghệ-Tĩnh thật xứng đáng với danh hiệu Đỏ”. Còn bài “Khủng bố trắng ở Đông Dương” lên án sự đàn áp của chế độ thực dân và nêu cao chí khí của những chiến sĩ cách mạng trước các phiên tòa của chính quyền thuộc địa ở Thái Bình, Hà Nội, Nam Định...
Ngày 19/2/1946: Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Thông tư về việc đình công nhằm đối phó với một số thủ đoạn kích động của các lực lượng chống đối, trong đó nghiêm khắc quy định: “Xét rằng trước tình thế nghiêm trọng hiện giờ, chúng ta cần tập trung toàn lực để chống ngoại xâm. Xét rằng tổng đình công là một lợi khí chỉ nên dùng để đối quân địch, chứ không bao giờ nên dùng để chia rẽ nội bộ. Tôi, Chủ tịch Chính phủ lâm thời, hạ mệnh lệnh cho toàn thể viên chức và dân chúng phải làm việc như thường, trừ khi có chỉ thị của Chính phủ”.
Ngày 19/2/1959: Nói chuyện tại Hội nghị cán bộ phụ trách thiếu nhi toàn miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Muốn dạy cho trẻ em thành người tốt thì trước hết các cô các chú phải là người tốt”. Lời dạy trên của Bác có ý nghĩa vô cùng to lớn, không chỉ thể hiện sự quan tâm của Người đến việc giáo dục, bồi dưỡng các em thiếu niên, nhi đồng, thế hệ trẻ tương lai của đất nước, mà còn nhắc nhở đội ngũ cán bộ giáo viên phải tự mình tu dưỡng, rèn luyện bản thân trở thành người tốt, là tấm gương mẫu mực, trong sáng cho trẻ học tập và noi theo.
Ngày 19/2/1960: Vợ chồng luật sư Francis Henry Loseby, ân nhân đã cứu Bác Hồ khỏi nhà tù của thực dân Anh ở Hồng Kông (1931-1933) sau khi trở về từ chuyến thăm Việt Nam đã gửi thư cảm ơn Bác. Trong thư có đoạn: “Ngài nói rằng tôi đã cứu sống Ngài, điều đó có thể đúng, nếu vậy thì đó chính là việc làm tốt nhất mà tôi đã từng làm, và mãi mãi là một việc làm sáng suốt...”.