Ngày này năm xưa 15/5: Đổi tên Viện thiết kế máy Năng lượng và Mỏ
Chuyên mục “Ngày này năm xưa” Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện ngày 15/5 trong nước và quốc tế; các sự kiện liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sự kiện trong nước và ngành Công Thương
- Ngày 15/5/1941: Ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh là tổ chức của thiếu nhi Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam sáng lập, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phụ trách hướng dẫn. Trải qua 81 năm xây dựng và phát triển, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh đã trở nên lớn mạnh ở khắp các địa phương trong cả nước, góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc, xứng đáng là thế hệ măng non tiếp bước cha anh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đội viên thiếu niên Đoàn nghệ thuật thiếu nhi Liên khu X và đội Thiếu sinh quân tại Việt Bắc năm 1950. Ảnh: TTXVN |
- Ngày 15/5/1945: Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân gặp nhau tại địa điểm sau đình làng Quặng, xã Định Biên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Tại đây, đồng chí Võ Nguyên Giáp tuyên bố thống nhất các tổ chức vũ trang cách mạng trong cả nước thành Việt Nam Giải phóng quân. Lực lượng ban đầu của Việt Nam Giải phóng quân gồm 13 đại đội (thống nhất từ các Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Trung đội Cứu quốc quân) và các đội vũ trang tập trung ở các tỉnh, huyện. Sự ra đời của Việt Nam Giải phóng quân đánh dấu sự trưởng thành mới của tư duy và chỉ đạo công tác quân sự của Đảng ta.
- Ngày 15/5/1975: Ngày này trên toàn miền Nam đã diễn ra các cuộc mít tinh, diễu hành mừng chiến thắng. Ở Sài Gòn, hàng triệu người dân đã xuống đường và tham dự cuộc mít tinh lịch sử. Chủ tịch Tôn Đức Thắng và Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đã có mặt trong cuộc mít tinh trọng thể tại Sài Gòn.
- Ngày 15/5/1991: Chính phủ ta đã cho phép Bộ Nội vụ gia nhập Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế (gọi tắt là Interpol). Đến ngày 25/5/1991, Bộ trưởng Bộ nội vụ quyết định thành lập vǎn phòng Interpol Việt Nam trực thuộc Tổng cục Cảnh sát nhân dân, khẳng định sự cần thiết phải mở rộng hợp tác quốc tế trong việc chống tội phạm.
- Ngày 15/5/2000: Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 34/2000/QĐ-BCN về việc đổi tên Viện thiết kế máy Năng lượng và Mỏ thành Viện Cơ khí Năng lượng và Mỏ.
- Ngày 15/5/2003: Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 89/2003/QĐ-BCN về việc phê duyệt Điều lệ Tổ chức và Hoạt động của Công ty Nhựa Việt Nam.
- Ngày 15/5/2008: Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 09/2008/QĐ0BCT về Quy chế tổ chức kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả của các Tập đoàn, Tổng Công ty, Công ty thuộc Bộ Công Thương.
Sự kiện quốc tế
- Ngày 15/5/1859: Ngày sinh của nhà vật lý người Pháp Pierre Curie. Ông mất ngày 9/4/1906. Ông là người tiên phong trong lĩnh vực tinh thể học, từ tính, hiện tượng áp điện và hiện tượng phóng xạ.
- Ngày 15/5/1943: Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản đã ra quyết định giải tán Quốc tế Cộng sản. Ngày 8/6/1943, hội nghị cuối cùng của Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản ra nghị quyết, từ 10/6/1943, tất cả các hoạt động của Quốc tế Cộng sản kết thúc.
Sự kiện, kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Ngày 15/5/1947: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh đặt ra Huân chương đầu tiên của nước ta là: Huân chương Quân công và Huân chương Chiến sĩ để tặng thưởng cho quân đội và nhân dân tự vệ đã lập nhiều thành tích chiến đấu… (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5 - Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2011).
- Ngày 15/5/1948: Bác Hồ gửi thư cho Lớp huấn luyện cán bộ Việt Minh tổ chức tại Định Hóa (Thái Nguyên), trong thư viết: “Học cốt để mà hành... Mỗi người cán bộ tốt, phải thực hành mấy điều:
1. Đối với mình: Phải làm đúng cần kiệm liêm chính. Mọi việc đều phải làm kiểu mẫu cho nhân dân. Phải luôn luôn cầu tiến bộ.
2. Đối với công việc: Phải cẩn thận, phải có kế hoạch kỹ lưỡng. Phải có ngăn nắp, chớ bao biện, chớ hiếu danh, tự đắc.
3. Đối với dân chúng: Phải tôn trọng dân chúng, học hỏi dân chúng. Phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu. Luôn luôn gần gũi dân chúng.
4. Đối với đoàn thể: Phải tuyệt đối trung thành. Phải đặt lợi ích của đoàn thể (tức là lợi ích của Tổ quốc) lên trên hết, trước hết.
Mỗi ngày phải tự hỏi: Ta đã làm được việc gì có ích cho đoàn thể, chưa làm thì phải gắng làm đi.
Người cán bộ phải có tinh thần chịu khổ, chịu khó. Phải luôn luôn giữ tấm lòng chí công vô tư...”. (Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2006, t. 4, tr. 192)
- Ngày 15/5/1953: Trong bài viết (với bút danh Đ.X) “Nhiệm vụ của Nhà nước dân chủ mới” trên tờ Cứu quốc, Bác nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của Nhà nước dân chủ mới là: Xây dựng chính quyền, quân đội, kinh tế, văn hóa; giáo dục đạo đức công dân với lòng yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, bảo vệ của công…” (Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sdd, 2007, t. 5, tr. 319-320)
Bản thảo Di chúc đầu tiên của Bác. Ảnh: dangcongsan.vn |
- Ngày 15/5/1965: Bác hoàn thành bản thảo đầu tiên của Di chúc được viết từ ngày 10/5/1965. Kể từ đó, trở thành nếp hàng năm vào những ngày trước sinh nhật, Bác đều ngồi đọc và sửa lại Di chúc của mình.