Ngày này năm xưa 14/11: Thành lập Bộ Canh nông, Việt Nam chính thức gia nhập APEC
* Sự kiện trong nước
Ngày 14/11/1998, tại Kuala Lumpur, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC). Đây là bước đi quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
APEC có 3 trụ cột chính là tự do hoá thương mại, đầu tư; thuận lợi hoá thương mại và hợp tác kinh tế kỹ thuật. Bên cạnh đó, APEC cũng tích cực phối hợp các bên để tham gia vào các hoạt động toàn cầu như giải quyết khủng hoảng tài chính, ngăn ngừa lạm phát và chống khủng bố.
Trong gần 23 năm tham gia APEC, Việt Nam đã đóng góp tích cực chủ động đối với Diễn đàn APEC, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác, liên kết kinh tế khu vực, duy trì vai trò của APEC là cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu tại châu Á – Thái Bình Dương.
Vào ngày 14/11/1998, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của APEC (ảnh TTXVN) |
Kể từ khi gia nhập APEC, vai trò của doanh nghiệp Việt Nam đối với hợp tác APEC ngày càng được đề cao. Doanh nghiệp của chúng ta đã tham gia và đóng góp tích cực, đề xuất nhiều khuyến nghị lên các nhà Lãnh đạo và các Bộ trưởng APEC. Đặc biệt, trong Năm APEC 2017, doanh nghiệp Việt Nam đã đóng góp trí tuệ, công sức và trực tiếp tham gia nhiều hoạt động, khẳng định sự trưởng thành, năng lực hội nhập, vai trò và trách nhiệm đối với hợp tác APEC cũng như liên kết kinh tế khu vực.
Ngày 14/11/2019, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1624/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Hiệp định đối tác tự nguyện giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh Châu Âu về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT)
Ngày 14/11/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2019/NĐ-CP quy định thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Ngày 14/11/2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương ký ban hành Thông tư số 25/2019/TT-BCT của Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2016/TT-BCT ngày 03/10/2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN
Ngày 14/11/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 263/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp. Theo đó, Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân nộp đơn, hồ sơ yêu cầu thực hiện công việc, dịch vụ bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; cơ quan quản lý nhà nước thực hiện công việc, dịch vụ bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thu, nộp phí, lệ phí sở hữu công nghiệp.
Ngày 14/11/1965 là ngày mở màn trận Ia Đrăng. Với cách đánh “vây điểm, diệt viện”, cuối tháng 10-1965, trong khuôn khổ Chiến dịch Plây-me, quân ta đã vây ép đồn Plây-me, tiêu diệt đồn Chư Ho, buộc địch phải điều một chiến đoàn bộ binh cùng Chiến đoàn thiết giáp số 3 ngụy ứng cứu nhưng cũng bị lực lượng của ta đánh bại. Đòn đau này đã kích thích tính kiêu ngạo của quân Mỹ khi lần đầu tiên chúng xuất hiện ở Tây Nguyên. Tiếp đó, ngày 14/11/1965, Lữ đoàn 3 kỵ binh Mỹ dùng máy bay lên thẳng đổ quân xuống thung lũng Ia Đrăng (cách đồn Plây-me 25 km về phía Tây) nhằm đánh đòn bất ngờ vào sau lưng đội hình các đơn vị chủ lực ta. Đây cũng là tình huống nằm trong ý định của ta nhằm đưa bộ đội chủ lực trực tiếp đương đầu với quân Mỹ để tìm hiểu khả năng tác chiến của chúng và xây dựng cách đánh Mỹ cho bộ đội.
Vì thế, trận Ia Đrăng đã diễn ra liên tục nhiều giờ, cả ngày lẫn đêm hết sức ác liệt, dưới các loại hỏa lực bom và đạn pháo của Mỹ. Tuy nhiên, bằng quyết tâm cao, thế trận vững chắc, hiểm hóc và cách đánh linh hoạt, táo bạo dũng mãnh, quân ta tiêu diệt gần hết một tiểu đoàn và đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn khác của Lữ đoàn 3 kỵ binh không vận Mỹ, buộc chúng phải tháo chạy khỏi thung lũng Ia Đrăng. Đây là trận đầu tiên của Quân đội ta tiêu diệt gần hết tiểu đoàn quân Mỹ trên chiến trường miền Nam, mở ra khả năng ta có thể thắng Mỹ trong điều kiện chúng có ưu thế về lực lượng, trang bị và cơ động, với nhiều nét nghệ thuật đặc sắc. Trận đánh này được đặt theo tên sông Đrăng chảy qua thung lũng phía tây bắc Plei Me, nơi diễn ra giao tranh.
* Sự kiện quốc tế
Ngày 14/11/1911, một người Mỹ tên là Ely đã lái máy bay hai lớp cánh Curtis trang bị 2 động cơ 50 sức ngựa hạ cánh xuống một mặt bằng bố trí trên thượng tầng đuôi của một chiếc thiết giáp hạm. Vài phút sau, ông lại cất cánh. Tàu sân bay được hình thành và sử dụng từ đấy.
Ngày 14/11/1941, Tàu sân bay HMS Ark Royal bị chìm, sau khi trúng ngư lôi của tàu ngầm Đức.
Ngày 14/11/2003, Ba nhà thiên văn học Michael E. Brown, Chad Trujillo và David L. Rabinowitz phát hiện ra thiên thể 90377 Sedna.
* Sự kiện, kỷ niệm về Bác Hồ
Ngày 14/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Bộ Canh nông với nhiệm vụ chăm lo chỉ đạo phát triển nền nông, lâm nghiệp nước nhà. Năm 1995, Bộ Canh nông đã đổi tên thành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ngày 18 tháng 06 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 890/QĐ-TTg lấy ngày 14 tháng 11 hằng năm là “Ngày Truyền thống ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam”.
Việc lấy ngày 14/11 là Ngày truyền thống của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nhằm khẳng định vai trò của sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển đất nước - từ thời kháng chiến giành độc lập đến giai đoạn thống nhất đất nước và đổi mới hiện nay; đặc biệt là công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Đoàn Chủ tịch Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Đảng Lao động Việt Nam, ngày 5-9-1960. Ảnh: Baotanglichsu.vn |
Ngày 14/11/1953, Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất của Đảng Lao động Việt Nam đã khai mạc. Gần 200 đại biểu trong cả nước đã về dự. Hội nghị đã nghe và thảo luận báo cáo của đồng chí Hồ Chí Minh về tình hình trước mắt và nhiệm vụ cải cách ruộng đất.
Thực hiện khẩu hiệu "Người cày có ruộng" cải cách ruộng đất đã làm cho tinh thần kháng chiến của hàng triệu nông dân được phát động mạnh mẽ, liên minh công - nông thực sự được củng cố. Mặt trận dân tộc thống nhất được vững chắc thêm, chính quyền, quân đội được tǎng cường, mọi hoạt động kháng chiến được đẩy mạnh.
Ngày 14 và 15/11/1965, báo “Nhân Dân” đăng bài viết “Nhân dân và dư luận Nhật Bản nhiệt liệt ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta”. Sau khi trích giới thiệu nhiều bài báo ở Nhật Bản lên tiếng tố cáo cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ và bày tỏ sự ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, Bác viết: “tôi xin phép thay mặt đồng bào ta cảm ơn sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân và dư luận nước Nhật Bản đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của chúng ta... Nhân dân ta từ Nam đến Bắc đoàn kết một lòng, kiên quyết chống Mỹ, cứu nước. Chúng ta lại được nhân dân và dư luận thế giới - trong đó có nhân dân và dư luận Nhật Bản nhiệt liệt ủng hộ và đồng tình... Cho nên giặc Mỹ nhất định sẽ thua, nhân dân ta nhất định sẽ thắng”.
Ngày 14/11/1966, dự họp Bộ Chính trị thảo luận một số vấn đề quân sự và ngoại giao, Bác lưu ý: “khi tuyên bố công khai về chủ trương vừa đánh vừa đàm, phải chú ý đến quan hệ của Việt Nam với Liên Xô và Trung Quốc”.
Ngày 14/11/1968, Bác tiếp Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ trước khi lên đường sang Paris dự cuộc đàm phán với Mỹ về việc chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Sự kiện hôm nay
Ngày 14/11/2022, Theo chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Dầu khí (sửa đổi), Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và tiến hành thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Từ hôm nay 14/11/2022, người dân được đổi giấy phép lái xe trực tuyến. Chậm nhất sau 3 ngày đăng ký trên trang thông tin điện tử, nếu hồ sơ hợp lệ sẽ được sắp xếp lịch hẹn và thông báo đến người đăng ký qua hộp thư điện tử hoặc tin nhắn điện thoại; nếu hồ sơ không hợp lệ người đăng ký cũng được thông báo rõ lý do.