Thứ sáu 22/11/2024 00:12

Ngành thép ‘sáng cửa’ tăng trưởng những tháng cuối năm

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép đang “sáng sủa” hơn. Kỳ vọng, năm 2025 trở đi, ngành thép sẽ có đà tăng trưởng cao trở lại.

Nhìn thấy đà hồi phục của doanh nghiệp thép

Lợi nhuận của khối doanh nghiệp ngành thép trong quý III/2024 đã ghi nhận mức tăng trưởng rất cao so với cùng kỳ. Đầu tiên phải kể đến Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG). Cụ thể, Hòa Phát đã ghi nhận kết quả tăng trưởng ấn tượng trong quý III/2024 với doanh thu tăng 19% đạt hơn 33.956 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 51% so với cùng kỳ, đạt 3.021 tỷ đồng.

Thị trường thép có khả năng tiếp tục hồi phục nhờ kinh tế tăng trưởng tốt, hoạt động đầu tư công được thúc đẩy Ảnh: VSA

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu HPG đạt 104.364 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 9.210 tỷ đồng, tăng trưởng 23,4% và 140% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2024, HPG đặt mục tiêu doanh thu đạt 140.000 tỷ và lợi nhuận sau thuế đạt 10.000 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng, Hòa Phát đã hoàn thành 75% kế hoạch doanh thu và 92% kế hoạch về lợi nhuận năm.

Hòa Phát cho biết, doanh thu bán hàng tăng, biên lợi nhuận một số lĩnh vực kinh doanh được cải thiện như thép, nông nghiệp đã giúp lợi nhuận của Tập đoàn tăng trưởng. Trong đó, nhóm thép lợi nhuận tăng 42%, nhóm nông nghiệp tăng 80% so với cùng kỳ năm trước. Lĩnh vực cho thuê hạ tầng khu công nghiệp duy trì biên lợi nhuận ổn định ở mức 39%.

Cũng báo cáo tài chính ấn tượng trong quý III/2024 là Công ty cổ phần Thép Nam Kim, cụ thể Nam Kim ghi nhận doanh thu thuần quý III/2024 đạt 16.208 tỷ đồng, tăng 14,51% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 434,5 tỷ đồng, tăng trưởng tới 296%, tức gấp gần 4 lần cùng kỳ.

Nam Kim cho biết, trong kỳ Công ty đã đẩy mạnh các kênh bán hàng trong nước và xuất khẩu, doanh thu tăng 14,51% tăng cao hơn 4,65% so với mức tăng giá vốn. Như vậy, với kế hoạch kinh doanh năm 2024 là doanh thu 21.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 420 tỷ đồng, kết thúc 9 tháng, Nam Kim đã hoàn thành 77% kế hoạch về doanh thu và vượt 3,5% mục tiêu về lợi nhuận.

Theo Chứng khoán MB (MBS), áp lực từ thép Trung Quốc giảm khi nước này áp dụng các biện pháp kích thích kinh tế, dự báo giá thép nội địa có thể phục hồi nhờ nhu cầu trong nước gia tăng. Đồng thời, giải ngân đầu tư công và nguồn cung nhà ở cải thiện sẽ góp phần hỗ trợ giá thép trong nước.

Dù giá thép có dấu hiệu cải thiện trong tháng 10, đà tăng này chưa ổn định, nhưng các yếu tố vĩ mô và nội địa hứa hẹn một triển vọng khả quan cho ngành thép Việt Nam trong quý cuối cùng của năm 2024.

“Bệ đỡ” trong những tháng cuối năm

Liên quan đến vấn đề này ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam cho hay, dự báo của Hiệp hội Thép Thế giới, nhu cầu thép thành phẩm năm 2024 tăng trưởng 1,9% so với năm 2023, trong đó nhu cầu tiêu thụ thép của khu vực châu Âu tăng trưởng 5,7% (đây cũng là một trong những thị trường xuất khẩu thép lớn nhất của Việt Nam), khu vực 5 nước ASEAN tăng trưởng 5,2%.

Còn tại Việt Nam, theo đánh giá của Hiệp hội Thép Việt Nam, ngành thép có khả năng phục hồi yếu trong năm 2024 do các khó khăn trên thị trường bất động sản vẫn còn hiện hữu (lĩnh vực sử dụng thép lớn nhất tại Việt Nam), lượng tiêu thụ thép được dự báo sẽ tăng 7% lên 21,7 triệu tấn, sản lượng có thể đạt gần 29 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2023.

Một số chuyên gia cũng nhìn nhận, thời gian tới, thị trường bất động sản Trung Quốc có thể sẽ hồi phục rõ nét hơn, kéo theo nhu cầu cả về nguyên liệu sản xuất thép và thép thành phẩm gia tăng, dẫn tới giá bán tăng, ảnh hưởng đến giá thép trên thị trường Việt Nam. Khi đó, những doanh nghiệp thép dự trữ nguyên liệu có giá thấp từ trước sẽ được hưởng lợi, biên lợi nhuận tốt hơn.

Tất nhiên, nhu cầu thép tại Việt Nam gia tăng nhờ sự “ấm lên” của thị trường bất động sản và các dự án đầu tư công được đẩy mạnh là yếu tố quan trọng giúp giá thép trong nước hồi phục.

Tại thị trường nội địa, thị trường thép dự kiến phục hồi nhờ đà tăng trưởng của thị trường bất động sản và các dự án đầu tư công. Theo đó, ngành xây dựng chiếm 60% nhu cầu thép cũng đang dần được tháo gỡ khó khăn, tạo nền tảng cho nhu cầu thép tăng trưởng trong quý tới.

Trước mắt, để "vực" dậy ngành thép, theo các chuyên gia kinh tế, các Bộ ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai thực hiện các dự án đầu tư công; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, dẫn dắt, thu hút đầu tư toàn xã hội để gia tăng tổng cầu cho ngành thép.

Đồng thời, khẩn trương triển khai hiệu quả các Quy hoạch vùng, địa phương và các quy hoạch ngành quốc gia, trong đó có 4 quy hoạch ngành trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, góp phần tạo nhu cầu tiêu thụ và khai thác, chế biến khoáng sản phục vụ sản xuất thép.

Song song với đó cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại; xây dựng, bảo vệ thương hiệu cho ngành thép của Việt Nam; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép khai thác hiệu quả các ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên và các liên kết kinh tế quốc tế để phát triển thị trường, mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thép, cũng như tìm kiếm nguồn nguyên liệu có giá cả hợp lý từ nước ngoài…

Bộ Công Thương mới đây đã đề nghị các Hiệp hội ngành hàng phát huy vai trò cầu nối, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép; tăng cường công tác dự báo và cung cấp thông tin về nhu cầu sắt, thép, đặc biệt là sắt thép xây dựng cho các doanh nghiệp để cân đối nhu cầu thép cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu; tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp ngành thép chủ động trong sản xuất, cân đối tiêu thụ nội địa và xuất khẩu các sản phẩm thép nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, ngành thép dự kiến sẽ tập trung vào việc nâng cấp công nghệ luyện thép, tối ưu hóa quy trình sản xuất và thúc đẩy tái chế nhằm chuyển đổi từ một ngành công nghiệp tiêu tốn nhiều năng lượng sang mô hình phát thải carbon thấp. Những bước tiến này không chỉ giúp ngành thép đối phó với thách thức từ Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu mà còn đáp ứng nhu cầu cấp thiết từ các ngành công nghiệp hạ nguồn, đặc biệt là ô tô, đối với các vật liệu thép thân thiện với môi trường.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) dự báo, hoạt động sản xuất thép của Việt Nam năm 2024 có thể tăng 10% và năm 2025 tăng 8%, khi nhu cầu sử dụng thép của các ngành kinh tế trong nước phục hồi. Điều này một phần là nhờ hoạt động giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông.
Duy Anh
Bài viết cùng chủ đề: thép trong nước

Tin cùng chuyên mục

Giá vàng nhẫn, giá vàng miếng giữ đà tăng giá

Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 21/11: MXV-Index tăng phiên thứ 4 liên tiếp

Giá lúa gạo hôm nay ngày 21/11: Lượng về ít giá gạo vững, lúa mới chào bán giá cao

Giá heo hơi hôm nay 21/11/2024: giá heo tăng nhẹ ở một số địa phương

Giá bạc hôm nay 21/11/2024: Bạc phục hồi từ mức đáy trong vòng hai tháng

Giá cà phê hôm nay 21/11/2024: Giá cà phê trong nước quay đầu giảm

Giá tiêu hôm nay 21/11/2024: Bất ngờ đồng loạt giảm sâu

Giá xăng dầu hôm nay 21/11/2024: Tăng cao hơn dự kiến

Tỷ giá USD hôm nay 21/11/2024: Đồng USD tiếp tục được nâng giá

Giá vàng hôm nay 21/11/2024: Vàng tăng ngày thứ ba liên tiếp

Giá vàng chiều nay 20/11/2024: Vàng sẽ đạt mức 3.000 USD vào cuối năm sau

Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 20/11: Sắc xanh bao phủ thị trường kim loại và năng lượng

Giá xăng dầu dự báo tiếp tục giảm trong kỳ điều hành ngày mai 21/11/2024

Giá vàng nhẫn, giá vàng miếng tiếp tục tăng vọt

Giá lúa gạo hôm nay ngày 20/11: Gạo thơm ít hàng chào giá cao, nhu cầu mua kho khá

Thị trường hoa tươi ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sôi động, giá không tăng đột biến

Giá bạc hôm nay 20/11/2024: Bạc thế giới quay trở lại sắc xanh

Giá heo hơi hôm nay 20/11/2024: Có biến động nhẹ tại khu vực miền Nam

Giá tiêu hôm nay 20/11/2024: Giá tiêu tăng nhẹ vào ngày Nhà giáo Việt Nam

Giá cà phê hôm nay 20/11/2024: Giá cà phê trong nước tiếp đà tăng