Ngành lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân
Đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu
Thông tin tại “Hội nghị tổng kết năm 2021” do FFA tổ chức chiều ngày 12/1, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch FFA - cho biết, năm 2021 dịch Covid-19 bùng phát lần 4 đã ảnh hưởng đến mọi mặt của kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) ngành lương thực thực phẩm thành phố (TP).
Mặc dù các DN lương thực thực phẩm (LTTP) đối mặt nhiều khó khăn chưa có tiền lệ, chi phí phát sinh tăng cao hai đến 3 lần so với bình thường, đặc biệt, nguyên phụ liệu đầu vào cho sản xuất LTTP đều tăng cao từ 20-50%... trong khi các DN chỉ có thể duy trì năng lực sản xuất trung bình từ 40%-70% khiến doanh thu sụt giảm, lợi nhuận bằng không, thậm chí lỗ.
Tuy nhiên, hầu hết các DN thành viên FFA tập trung duy trì sản xuất ổn định, cung ứng đầy đủ các mặt hàng LTTP thiết yếu hàng ngày cho người dân. Đồng thời các thành viên cam kết không tăng giá bán xuyên suốt thời điểm dịch đến cuối năm 2021.
Đặc biệt, hưởng ứng chỉ đạo của UBND TP. Hồ Chí Minh và Sở Công Thương TP về chương trình bình ổn thị trường trong mùa dịch và các dịp lễ, Tết, các DN thành viên FFA đều chủ động tham gia tích cực và giữ nguyên giá bình ổn, dù giá nguyên liệu và các chi phí khác tăng so với thời điểm trước nhằm cùng chính quyền thành phố hỗ trợ người dân vượt qua giai đoạn khó khăn.
Ngành lương thực thực phẩm đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân TP. Hồ Chí Minh |
“Đến thời điểm này FFA và các DN thành viên tự hào đồng hành cùng chính quyền TP. Hồ Chí Minh, Sở Công Thương hoàn thành nhiệm vụ điều phối, cung ứng đầy đủ hàng LTTP thiết yếu cho người dân, giữ giá ổn định theo chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP. Hồ Chí Minh, để chia sẻ khó khăn cùng người dân” – Chủ tịch FFA khẳng định.
Cần có những gói hỗ trợ đặc biệt phục hồi sản xuất
Năm 2022, dự báo kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn do diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19, cùng với đó là những biến động khó lường của kinh tế thế giới… sẽ làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của TP nói chung và hoạt động của các DN ngành LTTP nói riêng.
Theo bà Lý Kim Chi, để đạt được các mục tiêu TP. Hồ Chí Minh đề ra trong năm 2022, cũng như hỗ trợ tối đa DN phục hồi sau dịch, TP. Hồ Chí Minh cần đề nghị Chính phủ có những gói hỗ trợ đặc biệt cho các DN có khả năng phục hồi nhanh ở các ngành quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội, như: chế biến thực phẩm, dịch vụ… về nguồn vốn vay ngắn hạn, giảm lãi suất cho vay 2%/nămtạo sức bật cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh cần sớm có gói hỗ trợ DN phục hồi và phải đạt ít nhất trên 5% GRDP cho năm 2022 và tối thiểu phải đến năm 2023 vì hiện nay gói hỗ trợ chung của quốc gia đã chiếm 10% GRDP cho cùng một giai đoạn.
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, phát biểu tại hội nghị tổng kết |
“Tuy nhiên TP muốn phục hồi nhanh và bền vững về dài hạn, các gói hỗ trợ nên tập trung thúc đẩy các dự án giao thông vành đai tạo kết nối liên vùng. Khi đó các luồng di chuyển liên kết về logistics sẽ có chi phí thấp, giúp khơi thông mối liên kết vùng giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam…” - bà Lý Kim Chi đề nghị.
Song song đó, để thực hiện hiệu quả các đề án trong chương trình “Phát triển DN và sản phẩm ngành chế biến thực phẩm thành phố giai đoạn 2020-2030”, FFA đề xuất TP có cơ chế chính sách hỗ trợ riêng gắn với sự phối hợp của Sở Công Thương để thực hiện hai đề án quan trọng là đề án phát triển kho lạnh kho dự trữ bảo quản và xây dựng vùng nguyên liệu. Điều này sẽ góp phần lớn cho việc hình thành chuỗi nguyên liệu ổn định phục vụ cho sản xuất kinh doanh, nhất là xuất khẩu của DN TP.
Đồng thời đề nghị TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo các ngành tiếp tục phối hợp với Bộ công Thương… tăng cường hơn nữa việc triển khai tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn chuyên sâu về nội dung các Hiệp định FTA thế hệ mới Việt Nam đã tham gia, để DN hiểu rõ hơn và rà soát, hoàn thiện chính sách cho phù hợp với các quy định của FTA.
Bà Phan Thị Thắng – Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, phát biểu tại hội nghị tổng kết |
Phát biểu tại lễ tổng kết, bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - đánh giá cao và tri ân sự đóng góp của FFA trong việc đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân thành phố, nhất là trong giai đoạn TP căng mình chống dịch Covid-19.
“Thời gian qua chúng tôi thấy được sự kiên cường của DN, nhiều DN cho biết dù sản xuất lỗ vẫn sản xuất, dù chi phí đầu vào tăng rất nhiều nhưng không tăng giá. Lãnh đạo thành phố xúc động, hiểu và chia sẻ những khó khăn của DN” – bà Phan Thị Thắng bày tỏ.
Liên quan đến những kiến nghị, đề xuất, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho rằng, những kiến nghị của FFA xác đáng và gắn với nội dung chương trình TP đang triển khai như: Đề án Phát triển DN và sản phẩm ngành chế biến thực phẩm TP giai đoạn 2020-2030… Do đó, Lãnh đạo TP trong thẩm quyền sẽ tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho DN.
“Đối với những gói hỗ trợ vừa qua tôi được biết Quốc hội họp và có những gói hỗ trợ cụ thể hơn và sau đó các Bộ ngành sẽ triển khai các gói hỗ trợ này. Chúng ta nên có những động tác chuẩn bị của hiệp hội để chủ động đăng ký làm việc với Bộ Công Thương để Bộ cùng tiếng nói có những gói hỗ trợ cho DN TP” – Phó Chủ tịch TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh.