Ngành làm đẹp đang "khát" nguồn nhân lực chất lượng cao
Nhân lực chủ yếu là lao động phổ thông
Thị trường làm đẹp tại Việt Nam rất tiềm năng với tốc độ phát triển hàng đầu so với các nước trong khu vực. Nếu như năm 2000, cả nước chỉ có khoảng 100 thẩm mỹ viện, spa, thì năm 2020 đã lên tới con số 5.000. Dự báo, đến năm 2025, sẽ có khoảng 10.000 thẩm mỹ viện, spa.
Ông Hà Đình Bốn, Chủ tịch Hội đào tạo, Phát triển nghề làm đẹp Việt Nam cho biết, nhu cầu làm đẹp ở nước ta tăng 7% mỗi năm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành chăm sóc sức khỏe và làm đẹp Việt Nam đã và đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình đáp ứng xu hướng hội nhập mới, xây dựng thương hiệu, tạo dựng uy tín với người tiêu dùng.
Trong đó, nhân lực cho ngành này là vấn đề đáng quan ngại, chưa được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp. Việc tập trung chuẩn hóa, đào tạo nguồn nhân lực để phát triển bền vững cho ngành làm đẹp là một yêu cầu cấp thiết.
"Đào tạo trong ngành làm đẹp hầu hết đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao. Trong khi đó, thực tế cho thấy, nhân lực trong ngành lại chủ yếu là lao động phổ thông, chưa được đào tạo một cách chính quy", ông Bốn nêu.
Bà Nguyễn Kim Oanh, Phó Chủ tịch Hội đào tạo, Phát triển nghề làm đẹp Việt Nam |
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Kim Oanh, Phó Chủ tịch Hội đào tạo, Phát triển nghề làm đẹp Việt Nam cho rằng, sự nở rộ của thị trường làm đẹp hiện nay đặt ra nhu cầu lớn về nguồn lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản. Khách hàng có nhu cầu được chăm sóc bởi những kỹ thuật viên phải có kỹ năng, kiến thức về nghề, về an toàn sức khỏe, về mỹ phẩm, các hoạt chất làm đẹp.
Tuy nhiên, hoạt động đào tạo trong ngành làm đẹp hiện nay diễn ra chủ yếu dưới hình thức truyền nghề, nhân sự lâu năm dạy cho người mới, chủ yếu là tự dạy nhau, các kỹ thuật viên phần nhiều học nghề từ chính các spa, trung tâm chăm sóc sắc đẹp, thẩm mỹ viện… Một số khác đi ra từ các buổi đào tạo nội bộ, truyền cảm hứng của hệ thống spa, thẩm mỹ hoặc các nhãn hàng...
Hiện chưa có con số thống kê đầy đủ có bao nhiêu phần trăm nhân sự ngành thẩm mỹ, làm đẹp được đào tạo tại các đơn vị, tổ chức giáo dục đủ năng lực và được cơ quan có thẩm quyền công nhận về chuyên môn.
Các cơ sở đào tạo và các cá nhân đào tạo đua nhau mọc lên mà không có sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý có thẩm quyền nên chất lượng đầu ra của chuyên viên còn non yếu.
Cần chính sách phát triển nguồn nhân lực
Trăn trở về bài toán đào tạo nhân lực, bà Lê Thị Duyên, Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Đào tạo, Giám đốc Viện thẩm mỹ Standard, Hiệu trưởng Trường Trung cấp công nghệ quốc tế ICT chia sẻ, câu chuyện đào tạo nguồn nhân lực cho ngành làm đẹp lúc nào cũng rất cần thiết.
Đã từng xảy ra những tai biến, thậm chí tử vong do làm đẹp, gây lo ngại cho khách hàng và cơ quan quản lý. Việc đào tạo nhân lực cho ngành này ngày càng đòi hỏi chuyên môn hoá cao hơn.
"Do đó, chúng tôi mong muốn các hiệp hội, ban, ngành đưa ra định hướng cho hội viên chuẩn hoá, bảo đảm chương trình đào tạo với tỷ lệ 30% lý thuyết và 70% thực hành. Ngành làm đẹp chỉ được nâng tầm khi có sự chung tay của tất cả các bên", bà Duyên đề xuất.
Từ thực trạng trên, ông Hà Đình Bốn cho rằng, cần phải có định hướng, giải pháp rõ hơn để ngành làm đẹp phát triển lâu dài. Phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, từ đó quy định ngành nghề nào được làm ở phạm vi nào.
"Nhà nước cần có chính sách phát triển nguồn nhân lực, đào tạo, liên doanh phát triển, mở rộng thị trường, liên kết từ người có nhu cầu cho đến người cung cấp dịch vụ. Đồng thời, các nhà sản xuất cũng phải gắn kết với nhau", Chủ tịch Hội đào tạo, Phát triển nghề làm đẹp Việt Nam nói, đồng thời mong muốn "nhân sự trong ngành làm đẹp cần nhìn thẳng vào thực tế xem mình còn thiếu sót ở đâu để hoàn thiện tốt nhất".
Nhiều trường nghề mở ngành Chăm sóc sắc đẹp
Những năm gần đây, các dịch vụ làm đẹp lên ngôi và phát triển, trở thành một nghề có thu nhập cao. Nắm bắt cơ hội này, mùa tuyển sinh 2024, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên cả nước mở ngành Chăm sóc sắc đẹp để đáp ứng nhu cầu của học sinh.
Theo đó, năm học 2024 - 2025, tại Hà Nội có thêm một số trường mở ngành Chăm sóc sắc đẹp như: Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội, Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội, Trường Trung cấp nghề Giao thông Công chính Hà Nội, Trường Trung cấp nghề Nấu ăn - Nghiệp vụ du lịch và Thời trang Hà Nội...
Sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội thực hành nghề Chăm sóc sắc đẹp (Ảnh: Trần Oanh) |
Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội đã mở ngành Chăm sóc sắc đẹp từ các năm trước. TS. Nguyễn Yên Thắng, Phó Hiệu trưởng cho biết, nhà trường dự kiến tuyển 75 chỉ tiêu ngành Chăm sóc sắc đẹp cho các hệ cao đẳng chính quy, trung cấp chính quy (nghề Chăm sóc sắc đẹp 25 chỉ tiêu, nghề Kỹ thuật chăm sóc tóc 25 chỉ tiêu).
Sau khi tốt nghiệp, học sinh, sinh viên được nhà trường, khoa giới thiệu công việc tại các spa, thẩm mỹ viện, salon, các trung tâm dạy nghề... Kết quả là 100% có việc làm trước khi tốt nghiệp, được các đơn vị "đặt hàng" với mức thu nhập trung bình từ 7 - 20 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, có rất nhiều học sinh, sinh viên tự tạo việc làm bằng cách thành lập riêng trung tâm spa, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người khác.
"Chăm sóc sắc đẹp không chỉ là đam mê, sở thích mà ngày nay phát triển thành một nghề nghiệp ổn định, thu nhập cao và hút khách. Các chuyên viên thẩm mỹ có tay nghề tốt luôn được săn đón nhiệt tình với chế độ đãi ngộ cao và không bao giờ lo thất nghiệp", lãnh đạo Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội nhận định.
Tương tự, năm học 2024 - 2025, Trường Trung cấp nghề Nấu ăn - Nghiệp vụ du lịch và Thời trang Hà Nội tuyển sinh trọng tâm 7 ngành nghề, trong đó có Tạo mẫu và chăm sóc sắc đẹp.
Người học sau khi tốt nghiệp ngành Tạo mẫu và chăm sóc sắc đẹp sẽ được nhà trường giới thiệu việc làm thuộc các lĩnh vực như chuyên viên chăm sóc da, thẩm mỹ, trang điểm, phun xăm, chăm sóc và tạo mẫu tóc, nail...