Mở cửa an toàn
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, ngành du lịch đã tăng tốc triển khai để tái khởi động hoạt động. Nhờ nỗ lực của cả hệ thống, đầu tháng 11/2021, 5 địa phương là Kiên Giang, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ninh đã đón các đoàn khách quốc tế đầu tiên.
![]() |
Ngành du lịch tiếp tục triển khai thí điểm đón khách quốc tế |
Đối với du lịch trong nước, thực hiện định hướng khai thác thị trường du lịch nội địa giai đoạn 2021 - 2022 an toàn, mang lại trải nghiệm ấn tượng, khó quên cho du khách, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã phát động chương trình “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn”. Nhờ đó, trong tháng 11/2021, lượng khách du lịch nội địa đạt 2,5 triệu lượt, tăng hơn 3 lần so với tháng trước đó. Với đà phục hồi này, theo dự báo, du lịch nội địa sẽ tiếp tục tăng trưởng thời gian tới.
Trước tín hiệu khởi sắc của hoạt động du lịch, Bộ VH-TT&DL đã đề nghị ngành du lịch các địa phương, hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp du lịch tiếp tục tập trung triển khai Nghị quyết số 128 của Chính phủ, đảm bảo hài hòa giữa phòng, chống dịch với tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc di chuyển, sử dụng các dịch vụ của du khách; tăng cường liên kết các điểm đến để tạo sức hấp dẫn với thị trường. Thực hiện định hướng này, mới đây, 12 tỉnh, thành phố đã “bắt tay” ký kết hợp tác phát triển du lịch an toàn trong trạng thái bình thường mới. Sự kiện thiết lập hành lang an toàn giữa các địa phương kỳ vọng sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình hồi phục du lịch.
Đẩy mạnh truyền thông, đa dạng sản phẩm
Bất chấp khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, năm 2021, du lịch Việt Nam vẫn được vinh danh nhiều giải thưởng thế giới nhờ các nỗ lực trong phát triển kinh tế xanh. Đặc biệt, Việt Nam còn được đánh giá là điểm đến hấp dẫn hàng đầu thế giới, có nhiều cơ hội phục hồi ngay khi du lịch quốc tế trở lại trong thời gian ngắn. Để đón đầu cơ hội hồi sinh, ngành du lịch đang triển khai chiến dịch quảng bá, xúc tiến hình ảnh điểm đến quy mô với chủ đề “Live fully in Vietnam” (Sống trọn vẹn tại Việt Nam) nhằm quảng bá rộng rãi chiến dịch thí điểm mở cửa du lịch quốc tế, hướng tới mở cửa hoàn toàn trở lại vào năm 2022. Ngành du lịch cũng tăng cường phối hợp và liên kết với ngành hàng không trong công tác xúc tiến, quảng bá, kết nối và phát triển thị trường du lịch; phối hợp với các cơ quan hải quan, thuế tạo thuận lợi cho khách du lịch quốc tế xuất, nhập cảnh Việt Nam.
Ngành du lịch cũng đang tăng tốc nghiên cứu các dòng sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch xanh, các sản phẩm nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe nhằm đáp ứng nhu cầu đang thay đổi của du khách,... Đặc biệt, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, để tăng sức hút với du khách quốc tế, nhất là dòng khách cao cấp, Việt Nam đã hình thành những khu nghỉ dưỡng sang trọng, cao cấp và riêng tư, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của giới thượng lưu và doanh nhân...
Không đứng ngoài xu hướng chuyển đổi số, ngành du lịch đang tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong marketing du lịch; quản lý và phát triển điểm đến du lịch thông minh; phát triển hệ thống thông tin số ngành du lịch và các ứng dụng; hỗ trợ doanh nghiệp, cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin...
Ngành du lịch tiếp tục triển khai thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong giai đoạn mới, phù hợp về phòng, chống dịch đối với người nhập cảnh từ ngày 1/1/2022 khi mở đường bay thương mại thường lệ. Đồng thời, xem xét mở thêm các điểm đến đối với khách du lịch quốc tế như TP. Hồ Chí Minh, Bình Định. |