Thứ tư 01/01/2025 21:52

Ngành điều nỗ lực củng cố ngôi vị số 1

Mặc dù đã xuất sắc vượt qua những khó khăn của giai đoạn trước để đạt được kết quả kỷ lục về nhập khẩu điều thô và xuất khẩu điều nhân trong năm 2019, nhưng vẫn còn không ít thách thức đặt ra đối với ngành điều Việt Nam. Việc bắt tay nhau cùng phát triển và đẩy mạnh đầu tư cho chất lượng đang là giải pháp được triển khai để củng cố ngôi vị số 1 thế giới về xuất khẩu điều nhân của Việt Nam.

Hai kỷ lục mới

2019 được đánh giá là năm nhiều biến động của ngành điều Việt Nam cũng như thế giới. Thiệt hại nặng nề của các năm trước vẫn còn để lại ảnh hưởng lớn trong những tháng đầu năm 2019. Trong khi đó, việc thực thi, thay đổi chính sách thương mại của một số nước liên quan đến hoạt động của ngành điều, trong đó có những nước lớn, những nước là bạn hàng lớn của ngành điều Việt Nam, đã và sẽ tác động mạnh đến thị trường và hoạt động của các doanh nghiệp ngành điều Việt Nam.

Phần lớn chuỗi giá trị hạt điều vẫn thuộc về các nhà rang chiên, nhà phân phối quốc tế. Ảnh: N.H

Tiêu biểu như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, Mỹ - Ấn Độ; quy định giá sàn xuất khẩu hạt điều thô của một số nước châu Phi; tăng mạnh thuế nhập khẩu hạt điều nhân của Ấn Độ; quy định chặt chẽ về xuất xứ hàng hóa, đóng gói, nhãn mác hàng hóa, nông sản, thực phẩm nhập khẩu qua biên giới của Trung Quốc; áp dụng yêu cầu kiểm dịch thực vật chặt chẽ đối với nông sản nhập khẩu của EU, thực hiện “Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ” trong xuất khẩu hàng hóa vào EU, Na Uy, Thụy Sỹ và Thổ Nhĩ Kỳ…

Trong bối cảnh đầy rẫy khó khăn, thách thức như vậy, ngành điều Việt Nam vẫn xuất sắc giữ vững ngôi vị đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều nhân với số lượng khoảng 450.000 tấn, thu về trên 3 tỷ USD.

Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Vinacas cho biết, nếu tính chung tất cả các sản phẩm điều xuất khẩu trong năm 2019, kim ngạch đạt tới 3,6 tỷ USD, đây chính là một kỷ lục mới của ngành điều. Cụ thể, theo số liệu chưa chính thức, sản lượng điều nhân chế biến sâu như chiên, rang, tẩm gia vị, bánh kẹo điều… tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trong năm 2019 có sự tăng trưởng mạnh, chiếm khoảng 15% tổng sản lượng điều nhân được chế biến của toàn ngành. Trong khi cùng kỳ năm trước, con số này chỉ ở mức 7-8%.

Năm 2019 cũng ghi dấu việc DN Việt Nam chủ động hơn trong cung ứng nguyên liệu, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tạo nên bước chuyển đó là việc Công ty Tân Long ký kết và thực hiện hợp đồng nhập khẩu điều thô lớn nhất trong lịch sử ngành điều thế giới với Tanzania và tiếp tục triển khai mua khối lượng lớn hạt điều thô vụ mới của một số nước. Vinacass cũng đã tập hợp những DN hàng đầu của ngành điều Việt Nam nhằm tăng cường liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh, điều tiết nguồn cung ứng điều thô, bước đầu chủ động nguồn nguyên liệu cho chế biến, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cho DN và toàn ngành. Nhờ đó, ngành điều Việt Nam đã xác lập kỷ lục thứ hai về lượng điều thô nhập khẩu với số lượng lên đến gần 1,6 triệu tấn, đạt kim ngạch nhập khẩu trên 2 tỷ USD.

Cũng liên quan tới vấn đề điều thô nhập khẩu, theo ông Công, thời gian qua đã phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến chất lượng điều nguyên liệu nhập khẩu như: mức thu hồi, độ ẩm, số hạt/kg, lượng hạt lép, hạt sâu, tạp chất… và liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như mối nguy về sinh học như nhiễm mọt, nấm và sâu… Trong khi đó, chất lượng hạt điều thô nhập khẩu là yếu tố hết sức quan trọng quyết định đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, chất lượng sản phẩm và uy tín của mỗi doanh nghiệp Việt Nam cũng như ngành điều Việt Nam trên thế giới.

Do đó, Vinacas đã phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghiệp và các ngành liên quan xây dựng Tiêu chuẩn Việt Nam về hạt điều thô TCVN 12380-2018 và đã được thông qua từ giữa năm 2019. Đây là bộ tiêu chuẩn có ý nghĩa quan trọng trong việc kiểm tra, đánh giá, phân loại chất lượng nguyên liệu điều thô nhập khẩu và xử lý tranh chấp. Hiện Vinacas đang nỗ lực triển khai áp dụng, đưa tiêu chuẩn này vào hợp đồng mua bán khi đàm phán và ký kết hợp đồng mua bán với đối tác trong và ngoài nước.

Nỗ lực củng cố ngôi vị

Dù đã đạt được tăng trưởng ngoạn mục sau giai đoạn khủng hoảng 2017-2018, nhưng ngành điều vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn. Dù đứng ở vị trí số 1 về chế biến, xuất khẩu điều nhân, nhưng Việt Nam chủ yếu vẫn chỉ xuất khẩu điều nhân sơ chế với giá bình quân 10 USD/kg, trong khi sản phẩm nhân điều thành phẩm bán ở siêu thị các nước có giá khoảng 30 USD/kg. Như vậy, Việt Nam mới chỉ chiếm 1/3 chuỗi giá trị hạt điều, phần còn lại thuộc về các nhà rang chiên và phân phối quốc tế.

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Hoạ, Phó Chủ tịch Vinacas đánh giá năm 2020 là một năm khó dự đoán do những diễn biến phức tạp của kinh tế quốc tế, xung đột thương mại Mỹ - Trung, Mỹ - Ấn; những chính sách bảo hộ của các nước liên quan đến cả điều thô và điều nhân cùng những diễn biến trên thị trường hạt điều toàn cầu. Hiện một trong những thị trường tiêu thụ điều nhân lớn nhất thế giới là Ấn Độ đang áp dụng chính sách thuế để hạn chế lượng điều nhân nhập khẩu – chủ yếu từ Việt Nam, qua đó nhằm hỗ trợ và khôi phục lại ngành điều của nước này vốn rơi vào tình trạng khủng hoảng trong những năm gần đây. Thị trường Trung Quốc – vốn được xem là dễ tính, cũng đang dần siết chặt chất lượng nông sản nhập khẩu. Nếu các DN không kịp thời điều chỉnh để đáp ứng các yêu cầu mới sẽ khó có cửa đưa hàng vào thị trường rộng lớn này.

Các nhà rang chiên lớn của Mỹ và châu Âu cũng cho biết, tới đây họ sẽ áp đặt thêm một số tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và sẽ kiểm thêm dư lượng hoá chất cấm, do siêu thị ngày càng khắt khe hơn về an toàn thực phẩm. EU và một số nước châu Âu cũng siết chặt quy định về xuất xứ hàng hóa… Những vấn đề này đòi hỏi các doanh nghiệp phải nhạy bén, điều chỉnh để đáp ứng.

Thêm vào đó, theo ông Hoạ, việc vẫn chưa có khảo sát, đánh giá về mức tăng trưởng của nhu cầu thị trường trong năm 2020 cũng như chưa hoạch định được giá đầu ra chính là những khó khăn lớn của ngành điều. Trước tình hình đó, để giữ vững ngôi vị số 1 trong ngành điều thế giới, Vinacas khuyến nghị các DN tiếp tục thực hiện chủ trương “giảm lượng, tăng chất” nhằm nâng cao chất lượng điều nhân và hiệu quả chế biến. Theo đó, cần cải tiến máy móc, thiết bị để nâng cao năng lực và hiệu quả chế biến, trong đó có chế biến sâu. Ngoài ra, các DN cũng cần nhạy bén, bám sát nhu cầu thị trường, đặc biệt là các thông tin về cung cầu và phải có sự hợp tác, liên kết giữa những DN lớn để có kế hoạch cụ thể trong nhập khẩu điều thô và cung ứng điều nhân một cách nhịp nhàng, tránh rơi vào tình cảnh phải nhập nguyên liệu giá cao và bán điều nhân với giá rẻ.

Theo Báo Hải quan
Bài viết cùng chủ đề: Xuất khẩu điều

Tin cùng chuyên mục

Thương mại Việt Nam – Thuỵ Điển tăng trưởng 11,8%

Lạng Sơn: Năm 2024, xuất nhập khẩu tăng trưởng 27,6%

Công bố 10 sự kiện logistics Việt Nam năm 2024

Số lượng C/O ưu đãi được cấp năm 2024 tăng 18%

Việt Nam đã nhanh chóng gia nhập cuộc đua chế tạo vaccine thú y

Thứ trưởng Phan Thị Thắng: Công tác phát triển thị trường châu Á - châu Phi phải trọng tâm, trọng điểm

Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Công tác quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hóa năm 2024

Châu Á - châu Phi tiếp tục là thị trường chiến lược trong hoạt động xuất nhập khẩu

Năm 2025, cần đưa ra mục tiêu, giải pháp trong cả hoạt động nhập khẩu

Xuất khẩu nông sản: Đừng để “vết ố” làm hỏng bức tranh sáng màu!

Bộ Công Thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2025 sẽ tăng từ 10-12%

Xuất khẩu cao su sang thị trường Trung Quốc giảm lượng, tăng chất

Giải pháp nào để xuất khẩu hàng hóa tăng thêm 4 tỷ USD/tháng?

Vượt Bangladesh, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 2 về xuất khẩu hàng dệt may

Năm 2025, phấn đấu xuất khẩu hàng hoá tăng khoảng 12% so với năm 2024

Xuất khẩu gạo năm 2024 đạt kỷ lục cả về lượng và giá trị

Thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ dự kiến vượt mức 15 tỷ USD

EU tăng tần suất kiểm tra mặt hàng sầu riêng của Việt Nam

Xuất khẩu thủy sản tiếp tục giữ vững vị trí thứ 3 thế giới

Năm 2024: Xuất nhập khẩu cán mốc kỷ lục chưa từng có trong 40 năm