Ngành Công Thương Thái Nguyên: Những thành quả từ cải cách hành chính
Ông Phan Bá Trường – Phó Giám đốc Sở Công Thương Thái Nguyên |
Liên tục trong nhiều năm qua, ngành Công Thương Thái Nguyên đạt tốc độ tăng trưởng cao. Xin ông cho biết kết quả cụ thể trong năm 2019?
Năm 2019, cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thái Nguyên đạt cao, ở mức 9%, thì ngành Công Thương cũng đạt được bước tiến lớn trong tăng trưởng. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp cả năm đạt gần 744 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, nhiều sản phẩm công nghiệp địa phương tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao, như: sản phẩm may tăng 12%; xi măng tăng 16,4%; mạch điện tử tích hợp tăng 53,6%; điện thương phẩm tăng 9,2%... Riêng nhóm sản phẩm điện thoại thông minh - nhóm sản phẩm chủ đạo đóng góp lớn vào tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp chung trên địa bàn - đạt 102,7 triệu sản phẩm, tăng 8,3% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng cao, đạt 13% với con số tuyệt đối là 37,4 nghìn tỷ đồng, trong đó, khu vực kinh tế ngoài nhà nước đóng góp tới 35,2 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 94,1% tổng mức bán lẻ. Đáng chú ý, trong cơ cấu doanh thu bán lẻ, tất cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng năm 2019 đều tăng.
Năm qua cũng ghi nhận mức tăng tới 11,2% của tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu trên địa bàn tỉnh, tương ứng với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 27,6 tỷ USD với nhóm mặt hàng chiếm tỷ trọng kim ngạch lớn, gồm: điện tử, điện thoại các loại (đạt 26,8 tỷ USD); sản phẩm may (đạt 395,5 triệu USD)... Trong khi đó, tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu trên địa bàn đạt 15,7 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ, tập trung vào các mặt hàng chủ yếu là nhóm nguyên liệu và linh kiện điện tử,… đáp ứng tốt cho nhu cầu sản xuất của các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn.
Thưa ông, nhiều nhà đầu tư cho rằng, ngoài những cơ chế, chính sách hỗ trợ thì yếu tố quan trọng khiến họ đi đến quyết định đầu tư là cách thức điều hành, đồng hành của chính quyền. Ông có thể nói rõ hơn về chủ trương và kết quả từ việc thực hiện công tác này của ngành Công Thương Thái Nguyên?
“Thái độ”, nói cách khác chính là hiệu quả, hiệu lực trong thực thi công vụ, là cải cách hành chính, là cách thức đồng hành, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp… và đây là quan điểm nhất quán, là đích phấn đấu của lãnh đạo Sở Công Thương Thái Nguyên trong những năm gần đây.
Cụ thể, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, nhất là chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thời gian qua, Sở Công Thương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động của bộ máy hành chính, cải cách hành chính theo hướng phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại.
Hiện nay, với 100% trong 118 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của Sở đã được công khai trên trang thông tin điện tử của Sở và tại bộ phận "1 cửa" cùng với việc công bố đường dây nóng. Sở cũng kết nối với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về thủ tục hành chính, tăng cường đầu tư trang thiết bị, phối hợp với Cổng Giao tiếp điện tử của UBND tỉnh hướng dẫn, hỗ trợ công dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 và 3 cả trong và ngoài giờ làm việc.
Cùng với đó, chúng tôi đã rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, bãi bỏ thủ tục hành chính đúng quy định. Trong năm 2019, cắt giảm 4 thủ tục hành chính, giảm thời gian giải quyết 2 thủ tục khác. Đây là giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, cung cấp dịch vụ hành chính công và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh thuộc lĩnh vực ngành Công Thương địa phương.
Với cán bộ, viên chức, Sở quán triệt và yêu cầu thực hiện nghiêm túc “4 xin, 4 luôn” - “Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép”, “Luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ” - trong giao tiếp, xử lý công việc với người dân, doanh nghiệp và xem đây là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của công chức, viên chức trong năm. Nhờ đó, 100% các hồ sơ được giải quyết trước hạn và đúng hạn, không có hồ sơ nào bị quá hạn.
Trong năm, chúng tôi cũng đã tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, từ đó cùng đưa ra những giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn liên quan đến thẩm quyền giải quyết của Sở.
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ, tỉnh phải có tầm nhìn rộng, phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch,… hàng đầu ở phía Bắc. Ông có thể cho biết ngành Công Thương Thái Nguyên sẽ làm gì để góp phần đạt được những mục tiêu trên trong thời gian tới?
Năm 2020 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIX, với quyết tâm hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 đã đề ra, trong đó trọng tâm là thực hiện hiệu quả, thực chất hơn các đột phá chiến lược, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Từ mục tiêu chung của tỉnh, ngành Công Thương đã xây dựng chỉ tiêu cụ thể: Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng 8% so với ước thực hiện năm 2019; Giá trị xuất khẩu tăng 7% so với ước thực hiện năm 2019 và tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 12,5%.
Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu trên, ngành Công Thương cần tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, nhưng như đã nói, sẽ chỉ thành công khi có sự đồng hành, tương tác hỗ trợ hiệu quả giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền. Vì vậy, một trong những trọng tâm trong công tác chỉ đạo, điều hành phát triển ngành được lãnh đạo Sở xác định là tiếp tục cải cách hành chính, đảm bảo công khai, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, bình đẳng, thống nhất vì sự phát triển chung.
Và để “gần”, tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp, thì ngoài việc tiếp tục cải cách hành chính, đầu tư hiện đại hoá, tin học hoá quy trình xử lý công việc, chuẩn hoá đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức… thì việc đối thoại (qua hội nghị hoặc trực tiếp gặp gỡ) được lãnh đạo Sở đặc biệt chú trọng. Hiện chúng tôi đang bắt tay xây dựng những kế hoạch cụ thể về nội dung, thời gian, địa điểm để triển khai ngay trong đầu năm 2020.
Trân trọng cảm ơn ông!