Ngành Công Thương sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp
Ông Nguyễn Hà Bắc - Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng:
Sở Công Thương luôn đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA). Đối với tất cả các FTA song phương, đa phương, Sở Công Thương đều chủ động phối hợp chặt chẽ với các cục, vụ của Bộ Công Thương tổ chức những chương trình hội thảo, hội nghị chung về từng FTA, các buổi tập huấn chuyên sâu về từng nội dung ví dụ như quy tắc xuất xứ, các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, bảo hộ thương hiệu… của từng FTA cho từng nhóm đối tượng cụ thể.
Đối với EVFTA, đây là một hiệp định thế hệ mới có những tiêu chuẩn cao, khắt khe, cùng với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thì những hiệp định này mở ra cơ hội xuất khẩu vô cùng rộng mở đối với doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp Đà Nẵng nói riêng. Tuy nhiên, để tận dụng được những cơ hội đó trong điều kiện thực tế doanh nghiệp của chúng ta chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ là vô cùng khó khăn. Ngoài việc phải đáp ứng các tiêu chuẩn về quy tắc xuất xứ, các tiêu chuẩn kỹ thuật, doanh nghiệp còn cần phải đáp ứng được những tiêu chuẩn về hợp đồng thương mại như đảm bảo tuyệt đối uy tín, ổn định về chất lượng, số lượng, tiến độ giao hàng, giá cả không phụ thuộc vào thời tiết hay sản xuất. Đây là một thách thức rất lớn đặt ra yêu cầu doanh nghiệp phải tự chuẩn bị, tự thay đổi, phải thích ứng.
Ông Nguyễn Hà Bắc - Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng - khẳng định, Sở Công Thương Đà Nẵng cùng các đơn vị của ngành Công Thương đã, đang và luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong thực thi EVFTA |
Nhiều thách thức, tuy nhiên, Sở Công Thương Đà Nẵng nói riêng, ngành Công Thương nói chung luôn cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các vướng mắc trong quá trình thay đổi để có thể tận dụng được nhiều nhất những ưu đãi từ EVFTA. Ngay khi EVFTA được khởi động và có những kết quả bước đầu, Sở Công Thương đã chủ động có những chương trình cập nhật thông tin cơ bản về hiệp định cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Liên tục đến nay, nhất là khi Việt Nam và EU ký kết EVFTA, Sở Công Thương đã có những chương trình tập huấn, hội nghị chuyên sâu cho doanh nghiệp về các tiêu chuẩn kỹ thuật (hàng rào phi thuế quan), quy tắc xuất xứ, các lưu ý cho doanh nghiệp để có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn hưởng ưu đãi, sẵn sàng để khi EVFTA được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thì doanh nghiệp sẽ có thể hưởng ưu đãi trong thời gian sớm nhất. Hiện Sở Công Thương cũng đang phối hợp với Vụ Chính sách thương mại Đa Biên, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương lên kế hoạch tổ chức các chương trình tập huấn trực tuyến về các nội dung chuyên sâu trong EVFTA như cam kết dịch vụ - đầu tư trong Hiệp định EVFTA, cam kết thuế và tiếp cận thị trường EU, quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA cho các đối tượng liên quan đảm bảo sẽ có nhiều hơn các doanh nghiệp nắm và tìm được cơ hội từ EVFTA.
Nhiều hội nghị, hội thảo, các tập huấn chuyên sâu về các FTA nói chung, EVFTA nói riêng được ngành Công Thương triển khai liên tục trong thời gian qua |
Bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc – Phó Giám đốc Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng (VCCI Đà Nẵng):
Việc Quốc hội đang xem xét phê chuẩn hai Hiệp định EVFTA và EVIPA có thể nói là rất đúng thời điểm vì đây là điểm rất thuận lợi cho việc tăng trưởng và phục hồi kinh tế của nước ta sau đại dịch Covid-19.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, cả hai Hiệp định EVFTA và EVIPA sau khi được hai bên phê chuẩn và chính thức có hiệu lực sẽ có những tác động tích cực đến Việt Nam trong việc thiết lập các chuỗi cung ứng mới với EU, giúp nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng tốt, bù đắp được những thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Ngoài ra, giai đoạn hiện nay nhiều quốc gia và nhà đầu tư đang có xu hướng dịch chuyển đầu tư nhằm giảm sự lệ thuộc vào một số quốc gia nhất định, EVFTA và EVIPA sẽ góp phần tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam.
Nếu EVFTA được thông qua sẽ giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Với cam kết xóa bỏ và cắt giảm thuế quan mà hai bên đã thống nhất sẽ là cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ... và đây cũng là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của các doanh nghiệp khu vực miền Trung Tây Nguyên. Thị trường EU là một trong những thị trường xuất khẩu chính của các nhóm sản phẩm này nên EVFTA sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho các DN, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu, tiếp cận thị trường.
EVFTA cũng tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn cho Việt Nam so với các nước trong khối ASEAN trong việc tiếp cận thị trường EU. Đến nay mới chỉ có Việt Nam và Singapore đã ký kết FTA với EU.
Với lợi thế được các nước EU xóa bỏ/cắt giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của Việt Nam và những cam kết về tạo thuận lợi thương mại cho hàng hóa của các bên sẽ giúp các nhà đầu tư EU, các nước sẽ tăng cường đầu tư vốn, xây dựng nhà máy sản xuất tại Việt Nam để tận dụng những lợi thế này.
Bên cạnh đó, với việc thực thi các cam kết trong EVFTA sẽ đảm bảo một môi trường kinh doanh và pháp lý ổn định, thông thoáng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư của cả hai bên và giúp người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận nguồn cung các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao từ EU với giá cả hợp lý.
EVFTA đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam nhưng doanh nghiệp sẽ không "độc hành" trên hành trình thực thi hiệp định |
Tuy nhiên, EVFTA cũng tạo ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam như: việc thực thi các cam kết trong EVFTA về các vấn đề thể chế, môi trường kinh doanh và chính sách, pháp luật... Ngoài ra, những yêu cầu về quy tắc xuất xứ qui định trong Hiệp định cũng rất chặt chẽ, bắt buộc hàng hóa phải đáp ứng để có thể được hưởng những ưu đãi về thuế quan; những yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường... của EU cũng rất khắt khe và không dễ đáp ứng. Đây sẽ là một trong những khó khăn mà các DN Việt Nam sẽ phải đối mặt khi tiếp cận với thị trường lớn này.
Đối với tất cả các FTA không riêng gì EVFTA, để đổi lại việc các đối tác mở cửa thị trường của họ cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, Việt Nam cũng phải đưa ra cam kết mở cửa thị trường cho hàng hóa, dịch vụ của đối tác FTA. Do đó, các doanh nghiệp sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh mạnh hơn trong thị trường nội địa. Tuy nhiên, sức ép cạnh tranh này có thể được hóa giải nếu doanh nghiệp có các hành động thích hợp. Và EVFTA cũng sẽ là cơ hội và sức ép hợp lý để các doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.