Ngành Công Thương có hơn 2.000 nhà máy điện, cơ sở sản xuất vào danh sách kiểm kê khí nhà kính
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cập nhật. Trong đó, dự kiến hơn 2.000 nhà máy điện, cơ sở công nghiệp thuộc ngành Công Thương.
Lượng phát thải khí nhà kính tăng trung bình trên 11 triệu tấn mỗi năm
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc xác định danh mục các lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cung cấp căn cứ cho các bộ, ngành, địa phương cũng như doanh nghiệp để rà soát và cải thiện hệ thống cơ sở dữ liệu hiện có nhằm đáp ứng nhu cầu kiểm kê khí nhà kính theo lĩnh vực, nguồn phát thải. Các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là một số doanh nghiệp đã và đang xây dựng cơ chế cung cấp số liệu phục vụ kiểm kê khí nhà kính.
Cơ sở thuộc danh mục cơ sơ phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính và một số doanh nghiệp lớn trong nước (Vinamilk, Vinfast,…), doanh nghiệp nước ngoài (HSBC, Coca-Cola, Intel,…) đã tăng cường nhận thức, tích cực triển khai các hoạt động kiểm kê khí nhà kính và giảm phát thải khí nhà kính.
Đến nay, Việt Nam đã thực hiện và công bố 6 kỳ kiểm kê khí nhà kính quốc gia cho các năm 1994, 2000, 2010, 2013, 2014, 2016, 2018 và 2020 dựa trên số liệu tổng hợp của quốc gia và cấp ngành. Theo đó, trong giai đoạn từ 1994 đến 2020, tổng phát thải khí nhà kính ở Việt Nam (bao gồm LULUCF) tăng nhanh từ 103,8 triệu tấn CO2 tương đương lên khoảng 413,5 triệu tấn CO2 tương đương. Có thể thấy rằng, tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia của Việt Nam đều tăng nhanh theo thời gian, với mức tăng trung bình trên 11 triệu tấn CO2 tương đương mỗi năm.
Tăng thêm 981 cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính
Danh mục cập nhật các cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính bao gồm 2.893 cơ sở, tăng 981 cơ sở so với Quyết định 01/2022/QĐ-TTg, cụ thể:
Ngành Công Thương có 2.261 cơ sở là các nhà máy điện, các cơ sở công nghiệp có tổng mức tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1000 TOE trở lên, tăng thêm 599 cơ sở so với năm 2022.
Nhà máy Thủy điện Hòa Bình nằm trong danh sách dự kiến phải kiểm kê khí nhà kính (Ảnh: Thu Hường) |
Ngành Giao thông Vận tải có 81 cơ sở là các công ty kinh doanh vận tải hàng hóa đã được Bộ Giao thông Vận tải rà soát, đề xuất đưa vào danh mục, có tổng mức tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1000 TOE trở lên, tăng thêm 11 cơ sở so với năm 2022.
Ngành Xây dựng có 140 cơ sở bao gồm các doanh nghiệp sản xuất xi măng và các tòa nhà thương mại có tổng mức tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1000 TOE trở lên, tăng thêm 36 cơ sở so với năm 2022. Theo ý kiến của các cơ quan liên quan của Bộ Xây dựng, danh mục thuộc ngành xây dựng không bao gồm các tòa nhà chung cư, bệnh viện, trường học do việc vận hành các loại toà nhà này không thuộc diện quản lý của ngành xây dựng và lượng phát thải khí nhà kính, tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính của các loại toà nhà nêu trên không lớn so với tổng phát thải khí nhà kính của lĩnh vực toà nhà.
Ngành Tài nguyên và Môi trường có 70 cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hằng năm từ 65.000 tấn trở lên, giảm 6 cơ sở so với năm 2022.
341 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi của ngành Nông nghiệp cũng được đưa vào diện kiểm kê khí nhà kính (Ảnh minh họa: Thu Hường) |
Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với 341 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi có tổng lượng phát thải khí nhà kính hàng năm ước tính từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên. Hiện nay, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn của Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực chăn nuôi đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID, chiếm tỉ trọng ngày càng lớn trong tổng phát thải khí nhà kính quốc gia. Tuy nhiên, danh mục tại Quyết định 01/2022/QĐ-TTg chưa bao gồm các cơ sở thuộc ngành này.
Nhằm hướng tới mục tiêu quản lý phát thải khí nhà kính của toàn bộ nền kinh tế, việc bổ sung các cơ sở thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn vào danh mục các cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính là phù hợp ở thời điểm hiện tại.