Ngành cơ khí quyết liệt, kịp thời để vượt qua thách thức
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải |
Xuất phát điểm thấp
Báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cho hay, tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành ước đạt 50 tỷ USD; trong đó, sản xuất trong nước 16 tỷ USD. Như vậy, ngành cơ khí cả nước mới chỉ đáp ứng được 32,5% nhu cầu cơ khí toàn quốc, thấp hơn mục tiêu đề ra trong Kết luận số 25.KL-TW năm 2003 phải đáp ứng được 45-50% nhu cầu trong nước.
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết, hiện nay cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở 3 phân ngành: Xe máy, phụ tùng xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ; ô tô và phụ tùng ô tô. Số liệu thống kê cho thấy, 3 phân ngành này chiếm gần 70% tổng giá trị sản lượng cơ khí cả nước.
“Mặc dù đã sản xuất và xuất khẩu được một số sản phẩm nhưng ngay tại thị trường trong nước, các doanh nghiệp cơ khí cũng khó tham gia được vào các dự án đầu tư lắp đặt trang thiết bị trong các ngành thép, hóa chất, năng lượng. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu hệ thống kiểm định chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, các doanh nghiệp, sản phẩm cơ khí trong nước chưa xây dựng được thương hiệu và được nhiều khách hàng biết đến” - ông Phạm Tuấn Anh thẳng thắn chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Đào Phan Long - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam khẳng định, thực tiễn sau 20 năm phát triển ngành này, trình độ công nghệ, thiết bị sản xuất cơ khí của Việt Nam vẫn còn quá lạc hậu với thế giới. Phần lớn việc tổ chức doanh nghiệp, quản lý sản xuất cũng như nghiên cứu phát triển mới ở trình độ công nghệ thời 2.0, dẫn đến các sản phẩm cơ khí, nguồn nhân lực... thua kém các nước trong khu vực. Từ đó, cơ khí Việt Nam bị thua trên sân nhà trước các đối thủ có nền công nghiệp cơ khí hiện đại.
Bàn luận sâu hơn về điểm yếu của ngành cơ khí, ông Nguyễn Văn Thụ, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đã nêu ra nhiều bất cập, đáng chú ý, sản phẩm cơ khí chủ yếu là hàng gia công, có giá trị kinh tế thấp, chưa hình thành một số ngành mũi nhọn trong chế tạo cơ khí... Bên cạnh đó, ngành cơ khí vẫn chưa có các cơ sở công nghiệp có thiết bị công nghiệp tiên tiến đủ khả năng thiết kế, chế tạo máy, thiết bị công nghệ cao đủ sức cạnh tranh với thị trường trong nước và quốc tế.
Chuyên gia này cũng chỉ rõ sự liên kết và tập hợp lực lượng của các doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế. Lấy kinh nghiệp từ nước ngoài, ông Nguyễn Văn Thụ cho rằng, các tập đoàn lớn thường sáp nhập với nhau để cùng tồn tại và phát triển nhưng ngược lại các tổng công ty cơ khí của nhà nước rất khó sáp nhập để hình thành các tập đoàn công nghiệp cơ khí nhằm hợp tác chuyên sâu, mang lại hiệu quả đầu tư và phúc lợi cho nhà nước. Chính tồn tại này theo ông là nguyên nhân cản trở sự phát triển của ngành cơ khí Việt Nam.
Cần những giải pháp, chính sách mới phát triển ngành cơ khí
Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu năm 2018 được xem như “liều thuốc tăng trưởng” cho ngành cơ khí. Nhiều ý kiến tại hội thảo cho hay, với chính sách phát triển rõ ràng, ngành cơ khí sẽ nắm bắt được cơ hội cách mạng công nghiệp 4.0 để vươn lên mạnh mẽ.
Ông Đào Phan Long - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đưa ra những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng ngành cơ khí |
Để thúc đẩy ngành cơ khí, ông Phạm Tuấn Anh cho rằng, trong thời gian tới cần tạo dựng thị trường, xử lý tình trạng gian lận thương mại cũng như việc nhập khẩu tràn lan thiết bị đã qua sử dụng, đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất và khuyến khích tiêu thụ sản phẩm cơ khí trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế. “Tập trung kết nối, chuyển giao công nghệ từ các nhà cung cấp công nghệ tiên tiến trên thế giới và chú trọng đến các công nghệ mới của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây sẽ là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp Việt Nam thay đổi đột phá về mặt công nghệ qua đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị” - ông Phạm Tuấn Anh nêu rõ.
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập và CMCN 4.0, những nhân tố mới xuất hiện đặt ra những yêu cầu mới đối với việc phát triển ngành công nghiệp cơ khí, cũng như cần những giải pháp, chính sách mới để đảm bảo cho sự cạnh tranh của ngành và sự tồn tại của các DN cơ khí trong nước.
Cũng theo Thứ trưởng, Bộ Công Thương sẽ đề xuất việc hình thành và phát huy vai trò của Trung tâm hỗ trợ công nghiệp nhằm tạo điều kiện cho DN đổi mới thiết bị, công nghệ phù hợp, khuyến khích và ưu đãi các DN cơ khí áp dụng các công nghệ của CMCN 4.0 vào sản xuất.
Về phía DN, ông Phạm Hùng - nguyên Tổng giám đốc Lilama nhận định, CMCN 4.0 chắc chắn sẽ làm thay đổi cả hệ thống dây chuyển công nghệ thiết kế, chế tạo cơ khí truyền thống. “Đây là cơ hội để chúng ta làm cuộc cách mạng đổi mới ngành cơ khí chế tạo. Vấn đề là phải có kế hoạch đầu tư các dây chuyền chế tạo cơ khí mới được áp dụng công nghệ mới. Ngoài ra, cần thiết phải đầu tư cho con người, nhân tố quan trọng để thực hiện cuộc cách mạng này” - ông Phạm Hùng cho biết thêm.
Ông Đào Phan Long cũng cho rằng, tới đây, Việt Nam cần một chiến lược phát triển công nghiệp cơ khí, lựa chọn một số ngành hàng có thể cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài, như: sản xuất, lắp ráp ô tô tải, bus; chế tạo thiết bị phi tiêu chuẩn, kết cấu thép,... Nhà nước cần tính toán và có chính sách để DN trong nước có nhiều đơn hàng, thị trường để đầu tư phát triển, giúp vực dậy ngành cơ khí.
Từ đánh giá trên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan nghiên cứu trình Chính phủ ban hành những chính sách mới và đưa ra những giải pháp để giải quyết những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp cũng như hạn chế của chính sách hiện hành xây dựng Nghị định của Chính phủ về phát triển công nghiệp cơ khí, phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề để điều chỉnh danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm và đơn giản hoá thủ tục xác nhận cho phù hợp với tình hình thực tế. Cụ thể, nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh các quy định về đấu thầu trong nước, mua sắm công nhằm tạo thuận lợi cho việc nâng cao tỉ lệ nội địa hoá, tạo ra giá trị gia tăng trong nước;
Tiếp theo là xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cơ khí theo chuẩn quốc tế; ban hành quy chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm cơ khí trọng điểm để làm căn cứ kiểm tra chất lượng sản phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu.
“Bên cạnh đó, phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp đề xuất những điều chỉnh về chính sách thuế nhằm tạo bình đẳng, thuận lợi cho hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp cơ khí trong nước (như quy định về thuế giá trị gia tăng đối với phần giá trị sản xuất trong nước của ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, máy nông nghiệp, thuế nhập khẩu phụ tùng linh kiện máy nông nghiệp về bằng mức thuế nhập khẩu máy móc thiết bị nguyên chiếc)”, Thứ trưởng lưu ý.
Ngoài ra, tăng cường và nâng cao chất lượng của hoạt động xúc tiến đầu tư và xúc tiến thương mại trong ngành cơ khí chế tạo. Đồng thời nhanh chóng hoàn thiện cơ sở dữ liệu về cơ khí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thu thập thông tin liên quan, thúc đẩy kết nối kinh doanh giữa các doanh nghiệp cơ khí.
“Cuối cùng là tập trung hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ngành cơ khí. Những giải pháp này cần phải được triển khai càng sớm càng tốt, nhằm tạo môi trường đầu tư, điều kiện kinh doanh tốt nhất cho các doanh nghiệp cơ khí”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải giao nhiệm vụ.