Ngành chè: Đầu tư mạnh khâu chế biến
Xuất khẩu chủ yếu sang thị trường dễ tính
Việt Nam là nước sản xuất chè lớn thứ 7, sản lượng XK chè lớn thứ 5 thế giới, với 124.000ha trồng chè và hơn 500 cơ sở sản xuất, chế biến; công suất đạt trên 500.000 tấn chè khô/năm.
Ngành chè còn yếu khâu chế biến |
Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), kim ngạch XK chè tháng 7/2018 ước đạt 10.000 tấn với giá trị đạt 18 triệu USD. Lũy kế XK chè 7 tháng đầu năm 2018 ước đạt 67.000 tấn, tương đương 109 triệu USD, giảm 12,9% về lượng và 9,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Các thị trường chính của chè Việt Nam trong nửa đầu năm 2018 là Pakistan (29,9 triệu USD, chiếm 32,8%); Đài Loan (12,6 triệu USD, chiếm 13,8%); Nga (11,1 triệu USD, chiếm 12,1%); Trung Quốc (7,2 triệu USD, chiếm 7,9%); Indonesia (4,4 triệu USD, chiếm 4,8%) và Mỹ (3,8 triệu USD, chiếm 4,1%).
Ông Chu Xuân Ái - Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Công nghệ và Thương mại Tôn Vinh - cho biết: DN mới chủ yếu XK chè sang Nga, Afghanistan… Thực tế cho thấy, Việt Nam mới XK chè sang các thị trường dễ tính; thị trường châu Âu, Mỹ với các tiêu chuẩn khắt khe, đòi hỏi phải có chứng nhận sản xuất hữu cơ, thương mại công bằng…, hầu hết DN Việt chưa chinh phục được.
Chia sẻ những khó khăn nội tại của ngành chè, bà Nguyễn Thị Ánh Hồng - Tổng Thư ký Hiệp hội Chè Việt Nam - cho hay, vùng nguyên liệu hiện nay không nhiều, gần như rất khó mở rộng. Tuy nhiên, xưởng sơ chế chè nhỏ lẻ tại các địa phương mọc tràn lan, tranh giành nguyên liệu, gây khó khăn cho các nhà máy. Không chỉ vậy, tại thị trường Nga, chè Việt Nam được bán với giá cao hơn chè Trung Quốc, người tiêu dùng Nga cũng chuộng chè Việt hơn nên người Trung Quốc "mượn" nhãn "chè Việt Nam" để bán được hàng.
Cải tạo toàn bộ chuỗi sản xuất, chế biến
PGS-TS. Nguyễn Văn Nam - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) - nêu thực tế đáng buồn, mặc dù cây chè là thế mạnh của Việt Nam nhưng việc bảo quản, chế biến quá lạc hậu. Trong khi ở các nước khác, trong khâu chế biến, họ phải bằng mọi cách phải khử được chất tanin - chất đặc trưng trong chè nhưng uống không tốt cho sức khỏe - thì ở Việt Nam, DN không làm, nông dân không đủ lực còn nhà nước chưa quan tâm. Thế nên, Việt Nam chủ yếu vẫn chỉ XK chè dưới dạng thô, nguyên liệu, XK sang các thị trường rồi tái chế nên họ độc quyền ép giá.
Cùng với đó, sự yếu thế của ngành chè Việt còn do chúng ta duy trì mô hình chè quốc doanh quá nhiều và quá lâu. "Cây chè rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, tiềm năng phát triển rất tốt. Nhưng rất tiếc, chúng ta mới chỉ chú trọng khâu trồng, toàn bộ khâu chế biến, nắm bắt thị trường, mở rộng chuỗi giá trị… dường như đang còn bỏ ngỏ" - PGS-TS. Nguyễn Văn Nam nói.
PGS-TS. Nguyễn Văn Nam kiến nghị, Bộ NN&PTNT phải chủ trì, thành lập ban chỉ đạo cải tạo toàn bộ chuỗi sản xuất và chế biến chè theo chuỗi giá trị hàng XK. Phải có những giải pháp căn cơ để chè Việt Nam đạt chất lượng theo yêu cầu của thị trường thế giới, tạo giá trị để có thể bán được đến người tiêu dùng cuối cùng.
Giá XK chè Việt hiện chỉ bằng 60 - 70% giá thế giới. Để thâm nhập sâu hơn vào thị trường khó tính, cần nâng cao chất lượng chè của Việt Nam, đáp ứng tiêu chuẩn của các nước. |