Thứ ba 05/11/2024 19:21

Ngân hàng Nhà nước tái triển khai biện pháp kép để 'ghìm cương' tỷ giá

Ngân hàng Nhà nước sử dụng song song 2 công cụ tín phiếu và OMO để đạt “mục tiêu kép” vừa đảm bảo thanh khoản cho hệ thống, vừa giảm sức ép lên tỷ giá.

USD lên kịch trần

Ngày 5/11, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam với đồng USD là 24.248 đồng/USD, giảm 5 đồng so với hôm qua. Với biên độ 5%, các ngân hàng thương mại được phép giao dịch trong ngày hôm nay với tỷ giá trần là 25.460 đồng/USD và tỷ giá sàn là 23.036 đồng/USD.

Giá mua USD tham khảo tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước vẫn được duy trì ở mức 23.400 đồng/USD. Còn giá bán USD tham khảo vẫn được giữ ở mức 25.450 đồng/USD kể từ ngày 25/10.

Tại kênh ngân hàng, giá USD hôm nay có diễn biến trái chiều ở chiều mua và bán. Giá USD bán ra tại các ngân hàng hôm nay giảm 5 đồng so với mức niêm yết hôm qua và đều được niêm yết ở mức kịch trần 25.460 đồng/USD.

Trong khi đó, ngoại trừ Vietcombank điều chỉnh giảm thì giá USD mua vào tại các ngân hàng khác đều được điều chỉnh tăng, với mức tăng phổ biến từ 10 - 66 đồng.

Cụ thể, trong phiên giao dịch hôm nay (5/11), Vietcombank niêm yết giá USD mua vào tiền mặt ở mức 25.090 đồng/USD, giảm 5 đồng so với đầu phiên giao dịch hôm qua (4/11).

Trong khi đó, so với đầu giờ sáng qua, BIDV tăng giá đồng bạc xanh thêm 26 đồng, đưa giá mua USD lên mức 25.151 đồng/USD. Tương tự, VietinBank đầu giờ sáng nay cũng đưa giá USD mua vào lên mức 25.151 đồng/USD, tăng 36 đồng.

Giá USD niêm yết tại các ngân hàng đã liên tục tăng suốt hai tuần qua và đã tăng 4,3% kể từ đầu năm. Ảnh: Mai Hoa

Ở khối ngân hàng tư nhân, giá USD mua vào cũng được nhiều nhà băng điều chỉnh tăng. Techcombank nâng giá USD mua vào đắt thêm 66 đồng so với đầu giờ sáng qua, lên 25.162 đồng/USD.

Sacombank đưa giá USD mua vào lên 25.120 đồng/USD, tăng 20 đồng so với đầu giờ sáng qua.

ACB cũng điều chỉnh tăng giá USD mua vào tiền mặt lên mức 25.120 đồng/USD, cao hơn 30 đồng so với mức mở cửa hôm qua.

Ở thị trường tự do, giá USD ít biến động. Các điểm thu đổi ngoại tệ trên thị trường tự do sáng nay giao dịch USD với mức giá phổ biến 25.780 - 25.880 đồng/USD (mua - bán), không đổi so với phiên trước đó.

Trên thị trường thế giới, giá USD có xu hướng đi lên. Chỉ số US Dollar Index (đo lường biến động của đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt) vào lúc trưa ngày 5/11 (giờ Việt Nam) ở mức 103,9 điểm, tăng 0,02% so với phiên liền trước.

Giá USD niêm yết tại các ngân hàng đã liên tục tăng suốt hai tuần qua và đã tăng 4,3% kể từ đầu năm. Bên cạnh sức ép từ thị trường quốc tế, tỷ giá USD/VND cũng chịu sức ép do nhu cầu ngoại tệ có xu hướng gia tăng do các yếu tố mùa vụ. Theo giới phân tích, nhu cầu ngoại tệ thanh toán của nhóm doanh nghiệp nhập khẩu và FDI phát sinh trong nửa đầu tháng 10 kết hợp với đà tăng mạnh của đồng USD trên thị trường thế giới là yếu tố chính hỗ trợ cho đà tăng của tỷ giá USD/VND trong tháng 10. Ngoài ra, nhu cầu mua ngoại tệ từ Kho bạc Nhà nước cũng là một trong những yếu tố khiến giá ngoại tệ tăng nhanh gần đây.

“Ngoài mối tương quan với chỉ số DXY - US Dollar Index, diễn biến tỷ giá USD/VND vào cuối quý 3 - đầu quý 4 thường bị ảnh hưởng bởi nhu cầu về ngoại tệ (trả nợ nước ngoài, nhập khẩu nguyên liệu và doanh nghiệp FDI chuyển lợi nhuận về nước…), dẫn đến mất cân đối về cung - cầu ngoại tệ trong nước” - Chứng khoán Rồng Việt cho hay.

Ngân hàng Nhà nước bơm thanh khoản “ghìm cương” tỷ giá

Trước diễn biến trên, Ngân hàng Nhà nước đã tăng cường hỗ trợ thanh khoản hệ thống thông qua nghiệp vụ thị trường mở nhằm “ghìm cương” tỷ giá

Cụ thể, trên kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO), trong phiên 4/11, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 30.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất ở mức 4,0%. Kết quả, có 29.999,97 tỷ đồng trúng thầu. Ngược lại, có 10.000 tỷ đồng đáo hạn trên kênh cầm cố. Như vậy, tính chung, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng gần 20.000 tỷ đồng qua kênh OMO trong phiên 4/11.

Nghiệp vụ thị trường mở nhằm can thiệp để tỷ giá hạ nhiệt của Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: SBV

Mặt khác, Nhà điều hành tiếp chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước ở kỳ hạn 28 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 300 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất giữ ở mức 3,90%. Trong khi đó có 3.900 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Tương ứng, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng 3.600 tỷ đồng trên kênh tín phiếu.

Tổng cộng trên hai kênh OMO và tín phiếu, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng gần 23.600 tỷ đồng ra thị trường qua kênh thị trường mở trong phiên hôm qua.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã mở lại kênh phát hành tín phiếu sau gần 2 tháng tạm ngưng. Theo đó, từ ngày 18/10, Ngân hàng Nhà nước đã bắt đầu chào thầu tín phiếu trở lại với hai kỳ hạn 14 ngày và 28 ngày. Việc mở lại hoạt động chào bán tín phiếu cho thấy định hướng hút bớt thanh khoản VND trong hệ thống ngân hàng và có chiều hướng làm tăng lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng.

Tổng lượng tín phiếu Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tính đến ngày 25/10 là xấp xỉ 67.000 tỷ đồng, gồm 17.800 tỷ đồng tín phiếu có kỳ hạn 14 ngày, còn lại là tín phiếu có kỳ hạn 28 ngày. Con số này cộng với số tiền Ngân hàng Nhà nước hút về, khi các khoản cho vay cầm cố giấy tờ có giá đáo hạn vào đầu tháng là khoảng 57.600 tỷ, đã đưa tổng mức hút ròng trong giai đoạn từ 1 - 25/10 lên khoảng 124.600 tỷ đồng.

Việc sử dụng song song hai công cụ tín phiếu và OMO nhằm phục vụ mục tiêu kép là vừa đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, vừa giảm sức ép lên tỷ giá thông qua việc thu hẹp chênh lệch lãi suất USD - VND trên thị trường liên ngân hàng.

Trong bối cảnh tỷ giá vẫn tiếp tục leo thang sau một tuần phát hành tín phiếu trở lại, một số nhà phân tích tiết lộ, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục sử dụng biện pháp mạnh mẽ hơn là bán can thiệp ngoại tệ.

Theo đó, chiều ngày 24/10, Ngân hàng Nhà nước đã tăng giá bán USD can thiệp niêm yết tại Sở Giao dịch lên 25.450 VND/USD. Đồng thời, theo một số nguồn tin trên thị trường liên ngân hàng, Nhà điều hành đã có thông báo tới các ngân hàng về việc nối lại hoạt động bán ngoại tệ can thiệp ngoại tệ theo hình thức giao ngay, tại mức tỷ giá 25.450 VND/USD - bằng mức giá can thiệp được Ngân hàng Nhà nước đưa ra hồi tháng 4/2024.

Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đang sử dụng đồng thời cả hai công cụ là tín phiếu và bán ngoại tệ can thiệp để kiềm chế đà tăng của tỷ giá - tương tự giai đoạn quý 2 và đầu quý 3 vừa qua. Hoạt động điều hành của Ngân hàng Nhà nước được đánh giá sẽ giúp kìm chế đà tăng nóng của tỷ giá, nhưng sẽ phần nào ảnh hưởng tới thanh khoản VND trên thị trường liên ngân hàng.

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định, trong bối cảnh đồng VND mất giá thời gian gần đây và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) còn hai cuộc họp chính sách từ nay đến cuối năm, việc theo dõi sát sao thị trường ngoại hối là hết sức quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh cần đảm bảo duy trì đủ thanh khoản cho hệ thống ngày càng trở nên quan trọng vào thời điểm cuối năm để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng tín dụng.

Tuy vậy, VNDirect cho rằng, áp lực tỷ giá có thể hạ nhiệu trong nửa sau của quý 4 vì được hỗ trợ bởi: Kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất thêm hai lần trong hai cuộc họp còn lại cuối năm 2024, qua đó gây áp lực lên chỉ số DXY. Đồng thời, thặng dư thương mại duy trì mức cao (20,8 tỷ USD trong 9 tháng 2024); vốn FDI thực hiện tăng trưởng mạnh mẽ (tăng 8,9% so với cùng kỳ trong 9 tháng 2024); và kỳ vọng dòng kiều hối dồi dào trong quý cuối cùng của năm nay.

Mặc dù tỷ giá đang chịu áp lực khi chỉ số DXY tăng cao hơn mốc 104 tại một vài thời điểm do Mỹ liên tục ghi nhận số liệu lạm phát và doanh số bán lẻ cao hơn kỳ vọng, thị trường vẫn duy trì dự báo Fed sẽ giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 11 tới. “Việc Fed được kỳ vọng tiếp tục cắt giảm lãi suất điều hành trong thời gian tới sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước linh hoạt hơn trong việc điều hành chính sách tiền tệ khi áp lực ngoại hối giảm dần về cuối năm” - chuyên gia của VNDirect nhận định.

Nhìn chung, định hướng chính sách của Ngân hàng Nhà nước trong những tháng cuối năm 2024 sẽ vẫn tập trung vào hỗ trợ thanh khoản hệ thống và tăng trưởng kinh tế. Trong cuộc họp báo ngày 17/10, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nêu rõ rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ với ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ông khẳng định Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hỗ trợ thanh khoản hệ thống. “Chúng tôi cũng để ngỏ khả năng duy trì hoặc giảm lãi suất điều hành trong thời gian tới” - ông Tú nói.

Ngân Thương
Bài viết cùng chủ đề: Tỷ giá USD/VND

Tin cùng chuyên mục

Tỷ giá tăng, thị trường chưa có dấu hiệu thiếu hụt thanh khoản

Kỷ niệm 30 năm thành lập Ngân hàng TMCP Quân đội

Krungsri muốn mua trước hạn 50% vốn điều lệ còn lại của SHBFinance

Ngân hàng BIDV được vinh danh 'Thương hiệu quốc gia'

Lào Cai: Khoanh nợ cho khách hàng vay vốn bị thiệt hại do cơn bão số 3

Nhà băng đua nhau tăng lãi suất, có nơi chạm 9,5%/năm cho kỳ hạn 13 tháng

Làm thế nào để tận dụng sức mạnh của lãi kép?

Bảo Việt 60 năm - Tự hào khẳng định Thương hiệu quốc gia

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam: Nâng cao vai trò đồng hành cùng các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi

Ưu đãi tới 30% khi thanh toán thẻ NAPAS Agribank tại Hàn Quốc

Thị trường chứng khoán Việt Nam thêm cơ hội nâng hạng nhờ Thông tư 68

5 triệu USD thúc đẩy phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam

BIDV khởi động Giải chạy mang Tết ấm cho người nghèo

Doanh nghiệp bứt phá kinh doanh với lãi suất cho vay siêu ưu đãi từ Bac A Bank

Động thái mới sau chuyển giao bắt buộc của 2 ngân hàng '0 đồng'

Không thể phủ nhận những đóng góp tích cực của khu vực đầu tư nước ngoài

Đề xuất mức thuế 0% cho nhóm dịch vụ nội dung số

Thị trường chứng khoán giằng co khi áp lực cơ cấu của quỹ ETF Diamond và khối ngoại bán ròng

Đề xuất thay đổi thủ tục thu hồi giấy phép hoạt động ngân hàng

Tín dụng tiêu dùng 'vào mùa'