Ngân hàng Nhà nước: Cần khuyến khích, đa dạng hóa nhà đầu tư tham gia sâu vào thị trường chứng khoán
Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì sáng nay (28/2), Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà khẳng định, sự phát triển của thị trường chứng khoán có vai trò, ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế thể hiện qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp huy động vốn từ phát hành trái phiếu, cổ phiếu để đáp ứng được nhu cầu vốn cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Để đảm bảo mục tiêu phát triển thị trường chứng khoán ổn định, an toàn, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả, bền vững và hội nhập, có cơ cấu hợp lý để các bộ phận thị trường trở thành kênh huy động vốn trung dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định, công điện, chỉ thị để chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương thực hiện theo thẩm quyền đặc biệt là xử lý nhanh các vướng mắc của lĩnh vực phụ trách để đáp ứng tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên thị trường mới nổi.
Trên cơ sở bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối, trong công tác điều hành, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để điều hành linh hoạt, chủ động các công cụ chính sách tiền tệ; kịp thời phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan trong phối hợp điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; qua đó, hỗ trợ sự phát triển của thị trường chứng khoán, tiến tới mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì sáng nay (28/2). Ảnh VGP |
Trong thực tiễn điều hành, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cũng thường xuyên trao đổi các thông tin về thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán, trái phiếu… để thống nhất các thông điệp truyền thông, tạo lòng tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, duy trì ổn định các thị trường; hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến thị trường chứng khoán nói chung, thị trường trái phiếu nói riêng.
Phó Thống đốc cho hay, các kết quả điều hành chính sách tiền tệ đã góp phần ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát bình quân năm 2023, giữ ổn định được thị trường tiền tệ, ngoại hối, củng cố dự trữ ngoại hối nhà nước. Đây là những yếu tố góp phần để Fitch nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng "Ổn định"; có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Hiện nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đang được 2 tổ chức xếp hạng thị trường là MSCI và FTSE Russell xếp vào Nhóm 3 - thị trường cận biên. Trong đó, FTSE Russell hiện đang đưa Việt Nam vào danh sách nhóm chờ nâng hạng lên Nhóm 2 - thị trường mới nổi. Sự phát triển của thị trường chứng khoán có vai trò, ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế và của các doanh nghiệp.
Đối với hệ thống tổ chức tín dụng, thị trường chứng khoán phát triển hỗ trợ các tổ chức tín dụng phát hành cổ phiếu, trái phiếu để tăng vốn nhằm tạo thêm nguồn vốn dài hạn đáp ứng nhu cầu vay vốn của các khách hàng cá nhân và tổ chức, bảo đảm các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, Ngân hàng Nhà nước luôn quan tâm, tích cực phối hợp với Bộ Tài chính trong việc tìm giải pháp phục vụ công tác nâng hạng thị trường chứng khoán. Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp làm việc với 2 tổ chức xếp hạng trên để giải đáp các câu hỏi, vướng mắc của nhà đầu tư liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, từng bước phát triển thị trường ngoại tệ, hỗ trợ thanh khoản ngoại tệ khi cần thiết để phục vụ nhu cầu ngày càng lớn của nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo các dự báo, năm 2024, kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn dưới tác động của điều kiện tài chính thắt chặt, xung đột địa chính trị, rủi ro tài chính gia tăng. Lạm phát toàn cầu dự kiến tiếp tục xu hướng chậm lại, nhưng vẫn cao hơn mục tiêu tại nhiều nước trong bối cảnh rủi ro các cuộc khủng hoảng năng lượng, lương thực, thực phẩm do tác động của cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn.
Kinh tế trong nước tiếp tục đối mặt với các thách thức khi cầu thế giới chưa phục hồi mạnh. Mặc dù vậy, với độ trễ của các giải pháp chính sách hỗ trợ kinh tế được triển khai liên tục từ đầu năm 2023, cùng với việc Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ khó khăn trên thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, qua đó giúp các thị trường dần phục hồi, thì dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024-2025 có thể phục hồi so với năm 2023. Một số tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 là 5,5-6,5% và năm 2025 là 6-7%.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để cùng chung tay, hỗ trợ sự phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững của thị trường chứng khoán trong năm 2024 và các năm tiếp theo, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi tăng trưởng kinh tế bền vững.
Thị trường chứng khoán phát triển hỗ trợ các tổ chức tín dụng phát hành cổ phiếu, trái phiếu để tăng vốn nhằm tạo thêm nguồn vốn dài hạn |
Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt, đảm bảo thanh khoản cho hệ thống các tổ chức tín dụng; điều hành lãi suất, tỷ giá chủ động, linh hoạt, phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế…
“Cùng với những chính sách thu hút nguồn lực, vốn đầu tư trong và ngoài nước trên thị trường chứng khoán, việc Ngân hàng Nhà nước điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phù hợp với tình hình thực tế, duy trì ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, tỷ giá hối đoái sẽ góp phần làm cho các chính sách thu hút nguồn vốn từ nước ngoài đạt được hiệu quả cao hơn; giúp tạo dựng niềm tin cho các nhà đầu tư về một môi trường kinh doanh ổn định; tạo ra các bước đệm về sau trong việc thu hút thêm nguồn vốn từ nước ngoài để đầu tư và phát triển thị trường chứng khoán trong tương lai”, Phó Thống đốc đề cập.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu vốn trung, dài hạn của nền kinh tế lớn và chủ yếu dựa vào hệ thống ngân hàng, tín dụng trung dài hạn chiếm tỷ trọng khá lớn đã và đang tạo sức ép và rủi ro cho hệ thống tổ chức tín dụng khi nguồn vốn chủ yếu là ngắn hạn. Theo Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà, để phát triển đồng bộ, minh bạch và bền vững thị trường tài chính, phát triển thị trường chứng khoán ổn định, hoạt động an toàn, hiệu quả, có cơ cấu hợp lý, cân đối, bổ trợ tích cực giữa thị trường tiền tệ với thị trường vốn, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước:
Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện khung pháp lý về thị trường chứng khoán nói chung, thị trường trái phiếu nói riêng, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng phát hành cổ phiếu, trái phiếu trên thị trường; đồng thời phối hợp với các bộ ngành có liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp cho thị trường chứng khoán phát triển.
Thứ hai, tiếp tục đa dạng hóa các nhà đầu tư tham gia thị trường, khuyến khích các quỹ, công ty bảo hiểm, nhà đầu tư nước ngoài... tham gia sâu và rộng hơn vào thị trường.
Thứ ba, Bộ Tài chính tiếp tục thông tin chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước để tăng cường phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.