Ngân hàng Đức tăng đầu tư hỗ trợ thương mại xuyên biên giới tại Việt Nam
Việt Nam vốn là đối tác thương mại quan trọng của Đức với tổng kim ngạch thương mại hàng năm giữa hai nước đạt khoảng 14 tỷ Euro, đồng thời là đối tác thương mại lớn thứ hai tại khu vực ASEAN. Theo nghiên cứu của Deutsche Bank, tỉ trọng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã tăng gấp đôi trong 5 năm vừa qua.
Ông Hans-Dieter Holtzmann, Tổng Giám đốc Deutsche Bank Việt Nam, nhận định: “Một trong những lý do cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của FDI đến từ việc ngày càng nhiều những doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào các chuỗi cung ứng tại Việt Nam để hỗ trợ thúc đẩy thương mại tuyến nội Á (Intra-Asia). Sự phát triển của chuỗi cung ứng đồng nghĩa với việc gia tăng giao dịch, và chúng ta có thể thấy một cách rõ nét nhu cầu sử dụng Đồng Việt Nam (VND) để thực hiện giao dịch nội địa và quốc tế đang ngày một nhiều hơn.”
Với nhu cầu sử dụng VND ngày một gia tăng trên sàn giao dịch ngoại hối, Deutsche Bank quyết định nâng mức đầu tư vào thị trường Việt Nam |
Chính vì vậy, Deutsche Bank đang đầu tư nâng cao năng lực kỹ thuật số cho các sàn giao dịch ngoại hối danh tiếng của mình, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng đồng nội tệ ngày càng cao. Vào cuối năm ngoái, Deutsche Bank đã bổ sung VND, vốn bị hạn chế bởi khả năng thương mại thấp, vào FX4Cash - nền tảng giao dịch ngoại hối cung cấp hơn 130 cặp tỉ giá tiền tệ trên toàn thế giới.
“Ngày càng có nhiều khách hàng doanh nghiệp lựa chọn thanh toán bằng Đồng Việt Nam thay vì Đồng Đô-la Mỹ để có thể quản lý phí chuyển đổi ngoại tệ tốt hơn, thế nhưng điều này cũng đòi hỏi khả năng quản lý rủi ro đồng nội tệ một cách hiệu quả.”, ông Holtzmann chia sẻ.
Khi ngày càng nhiều khách hàng giao dịch và thanh toán bằng đồng nội tệ, nhu cầu đối với việc phòng ngừa rủi ro tiền tệ cũng tăng cao. Sự phát triển của thị trường hợp đồng kỳ hạn không chuyển giao (NDF) tại Việt Nam đang vạch ra con đường giúp khách hàng giải quyết nhu cầu phòng ngừa rủi ro tỷ giá đối với đồng nội tệ VND.
“Tính thanh khoản của thị trường NDF đang gia tăng trong năm nay, do đó, chúng tôi đang mở rộng khả năng đối với Hợp đồng Kỳ hạn có chuyển giao và không chuyển giao đối với VND trên nền tảng Autobahn của mình. Điều này sẽ cho phép các khách hàng trong nước và quốc tế phòng ngừa các rủi ro tỷ giá của đồng nội tệ” - ông Holtzman cho hay.
Bên cạnh việc giới thiệu một nền tảng giao dịch ngoại hối tốt hơn, Deutsche Bank còn mang công nghệ giao diện lập trình ứng dụng (API) tới khách hàng nội địa, giúp họ trực tiếp kết nối cơ sở hạ tầng thương mại điện tử (e-Commerce) của mình với nền tảng giao dịch của ngân hàng, đồng thời hỗ trợ các nghiệp vụ trước và sau giao dịch.
Được biết, khách hàng của Deutsche Bank trên thế giới thường sử dụng công nghệ API cả trong mô hình bán buôn (B2B) và bán lẻ (B2C) để mở rộng kinh doanh bằng việc cho phép thực hiện các giao dịch trực tuyến với nhiều loại tiền tệ khác nhau. Giải pháp này cung cấp thêm nhiều lựa chọn về đồng tiền thanh toán cho người tiêu dùng trực tiếp nhằm phòng ngừa các rủi ro từ những biến động tiền tệ có thể xảy ra.