Ngân hàng Chính sách xã hội: Tiếp tục giải ngân chương trình cho vay nhà ở xã hội
Chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển quản lý nhà ở xã hội được NHCSXH chính thức khởi động từ đầu tháng 4/2018. |
Chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển quản lý nhà ở xã hội được NHCSXH chính thức khởi động từ đầu tháng 4/2018. Chương trình cho vay này có ý nghĩa rất lớn, lần đầu tiên từ chủ trương của Quốc hội hướng tới đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo hộ thu nhập thấp ở các đô thị. Đây là chương trình được kỳ vọng sẽ đáp ứng nguyện vọng của nhiều người dân.
Với chương trình cho vay của Nghị định 100 có ba đối tượng được vay vốn là cho vay để mua nhà ở xã hội, cho vay để thuê mua nhà ở xã hội và cho vay để sửa chữa nhà ở.
Đến nay theo thống kê của NHCSXH đã có 50 tỉnh, thành phố giải ngân với trên 200 tỷ đồng và đã có trên 700 hộ được thụ hưởng nguồn vốn này. Cụ thể, Quảng Nam là tỉnh giải ngân nhanh nhất với dư nợ 31 tỷ đồng, tiếp đến là Đà Nẵng 21 tỷ đồng, Bắc Ninh 15 tỷ đồng, Hưng Yên 9 tỷ đồng... Một số địa phương khác như TP.Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục giải ngân một loạt trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Văn Lý, triển khai giải ngân vốn cho vay nhà ở xã hội vẫn còn vướng mắc. “Chẳng hạn, căn hộ nhà ở xã hội đã được chủ dự án thế chấp để gọi vốn từ các ngân hàng khác, nay người dân muốn vay vốn để mua nhà của họ thì chủ dự án phải giải chấp căn hộ trên và vấn đề này cần rất nhiều thời gian”, ông Nguyễn Văn Lý bày tỏ.
Ngoài ra, người vay vốn để sữa chữa hay xây nhà phải có hộ khẩu cư trú hợp pháp, một số đáp ứng được, một số chưa, cần thủ tục để chuyển, một số phải có nhà mới chuyển được. Một số người vay vốn về xây dựng trên đám đất không nằm trong quy hoạch hoặc chưa được phê duyệt, nên sẽ không đơn giản để được vay.
Ông Nguyễn Văn Lý thông tin thêm, tiến độ giải ngân tại thời điểm này là phù hợp, căn bản sẽ giải ngân xong theo kế hoạch. “NHCSXH rất muốn đẩy vốn nhanh nhưng phải cân nhắc trên nhiều mặt. Cho vay nhanh dễ xảy ra sai sót, dễ sai đối tượng. Việc triển khai cho vay phải trên cơ sở nền dân chủ cơ sở và dùng quy trình dân chủ cơ sở đấy để giám sát trở lại, có như vậy chương trình thực sự mới giải quyết được vấn đề nhà ở cho người dân”, ông Nguyễn Văn Lý lưu ý.
Được biết, trong năm 2018 ngân sách Nhà nước bố trí 500 tỷ đồng và NHCSXH phải huy động đối ứng, thành tổng nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội là 1.000 tỷ đồng. Còn theo kế hoạch duyệt của Chính phủ từ nay đến năm 2020, tổng nguồn vốn Chính phủ cấp cho NHCSXH là 1.163 tỷ đồng và NHCSXH phải huy động đối ứng thêm. Như vậy, kế hoạch đến năm 2020 sẽ có nguồn vốn cho vay ra với chương trình cho vay nhà ở xã hội là 2.236 tỷ đồng.