Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Hải Phòng: Kịp thời giải ngân hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất
Hải Phòng có 13.181 khách hàng bị thiệt hại do bão, với tổng dư nợ hơn 27.000 tỷ đồng, trong đó Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Chi nhánh Hải Phòng có 11.769 khách hàng, tổng dư nợ bị ảnh hưởng 530 tỷ đồng. Ngân hàng CSXH Chi nhánh Hải Phòng đang thực hiện giải pháp gia hạn nợ, khoanh nợ và kịp thời giải ngân cho các hộ dân đủ điều kiện.
Mong hỗ trợ để tái đầu tư sản xuất
Bão số 3 đi qua Hải Phòng, ảnh hưởng nhiều diện tích đất cây trồng, vật nuôi, kinh doanh và sản xuất trên địa bàn, nhất là với những hộ nông dân. Ông Lê Quốc Hùng, ở phường Bàng La, quận Đồ Sơn, TP. Hải Phòng cho biết: Hiện, những cây táo đang trổ hoa để thu hoạch trong dịp Tết Nguyên đán, tuy nhiên do ảnh hưởng bão số 3 hàng trăm gốc táo của gia đình đã bị gẫy, hư hỏng đang phải cắt tỉa khôi phục theo hướng dẫn của Hội Nông dân, Trung tâm khuyến nông thành phố, với hy vọng khôi phục được khoảng 10 - 20% diện tích. Táo cho thu hoạch 1 vụ/năm, vườn táo của gia đình gần như thiệt hại 100% nên rất khó khăn, mong thành phố và các cấp, ngành quan tâm tạo điều kiện về nguồn vốn vay, khoa học, công nghệ để bà con ổn định sản xuất và duy trì các năm tiếp theo.
Đại diện lãnh đạo Ngân hàng CSXH Chi nhánh Hải Phòng kiểm tra nguồn vốn vay tại xã Trân Châu, huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng |
Tương tự, chị Khương Thị Thành ở thôn 6, xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng bị thiệt hại khá nặng, toàn bộ diện tích 14 sào trồng na và 10 sào trồng chuối bị đổ gẫy, hư hỏng. Chị cùng gia đình nỗ lực khôi phục hàng nghìn cây chuối, na bị tàn phá trong bão. Do đó, mong Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thủy Nguyên hỗ trợ nguồn vốn vay để mua cây giống, phân bón phục hồi vườn.
Xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng bị thiệt hại 53ha chuối, khoảng 70% trong tổng diện tích 47ha trồng na, ước thiệt hại của xã hơn 60,7 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND xã An Sơn Phạm Văn Dậu thông tin: “Hiện, chính quyền và người dân địa phương mong Ngân hàng CSXH bổ sung các nguồn vốn kịp thời, cũng như xem xét giảm lãi suất để nông dân có thời gian phục hồi, tái sản xuất”.
Không chỉ xã An Sơn, nông dân trồng đào ở xã Đặng Cương, huyện An Dương, TP. Hải Phòng cũng bị thiệt hại nặng nề, do đào ngập úng, chết rũ, không còn gốc cho năm sau. Điển hình như gia đình ông Phạm Như Thành, ở thôn Tự Lập, xã Đặng Cương, với 3,5 sào trồng đào gần như bị mất trắng. Ông Thành mong Ngân hàng CSXH xem xét cho khoanh nợ, giảm lãi suấtvới khoản dư nợ 90 triệu đồng trước đó và đề xuất được vay vốn mới để khôi phục lại vườn đào.
Nhiều hộ nông dân xã Đặng Cương, huyện An Dương, TP. Hải Phòng trồng đào bị ảnh hưởng sau bão số 3 |
Tại các huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Cát Hải, An Lão,… nhiều hộ dân cũng bị thiệt hại nặng nề về chăn nuôi, sản xuất, nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản bị mất trắng hoặc không thể khôi phục, nhất là các đầm, chuồng trại, lồng bè, kè bờ… bị hư hỏng nặng cần nguồn vốn lớn để cải tạo, duy trì và tái đầu tư sản xuất.
Bổ sung nguồn vốn trung ương và ủy thác của địa phương
Theo Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh Hải Phòng Vũ Hữu Huy, qua thống kê, rà soát, toàn hệ thống Ngân hàng CSXH Hải Phòng có 11.769 khách hàng, tổng dư nợ bị ảnh hưởng 530 tỷ đồng. Đơn vị bám sát các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 04 của Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng CSXH Việt Nam và UBND TP. Hải Phòng về việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng sau bão khôi phục và thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Do đó, Ngân hàng CSXH Chi nhánh Hải Phòng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chưa thực hiện thu lãi tiền vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bão số 3 đến hết ngày 31/12/2024.
Qua rà soát, nắm thông tin khách hàng, số tiền các hộ dân trên địa bàn thành phố đề nghị vay vốn, phục hồi sản xuất sau bão số 3 hơn 473 tỷ đồng, trong đó chủ yếu vốn vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm hơn 355 tỷ đồng và vốn cho hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo 117 tỷ đồng.
Đối với số vốn vay của các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, chi nhánh tự cân đối được từ nguồn vốn vay xoay vòng và sẽ thực hiện giải ngân ngay đối với các hộ đủ điều kiện. Riêng với nguồn vốn vay giải quyết việc làm hơn 355 tỷ đồng hiện nay rất khó khăn do vốn thu hồi, quay vòng của chi nhánh từ giờ đến cuối năm là 20 tỷ đồng. Do vậy, Ngân hàng CSXH Chi nhánh Hải Phòng báo cáo với Ngân hàng CSXH Việt Nam xin bổ sung nguồn vốn 238 tỷ đồng và báo cáo đề xuất UBND TP. Hải Phòng cho vay số vốn 150 tỷ đồng. Qua đó, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Cát Hải giải ngân nguồn vốn vay tại xã Trân Châu |
Hiện, Ngân hàng CSXH Chi nhánh Hải Phòng đang khẩn trương áp dụng các giải pháp gia hạn nợ, khoanh nợ, xóa nợ đối với các khách hàng có nợ đến hạn bị thiên tai. Riêng đối với khách hàng thiệt hại vốn vay ở phân khúc khoanh nợ, Ngân hàng CSXH có văn bản chỉ đạo các phòng giao dịch trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác; tổ tiết kiệm và vay vốn rà soát, căn cứ mức độ thiệt hại hướng dẫn khách hàng lập hồ sơ, kịp thời đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý nợ rủi ro theo quy định.
Về phía phòng giao dịch các quận, huyện cũng tích cực hỗ trợ bà con về hồ sơ, thủ tục để tiếp cận nguồn vốn vay dễ dàng sau thiên tai. Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện An Dương, TP. Hải Phòng Bùi Thị Hằng cho biết: “Ước thiệt hại khách hàng vay vốn trên địa bàn huyện An Dương tính đến ngày 6/10 gần 700 hộ, với số vốn gần 43 tỷ đồng. Từ ngày 26/9, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện An Dương thực hiện giải ngân cho vay bổ sung đối với 60 khách hàng, mỗi khách hàng từ 80-90 triệu đồng. Đơn vị tiếp tục rà soát và kiến nghị ngân hàng cấp trên bổ sung thêm nguồn vốn để kịp thời hỗ trợ người dân nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh”.