Hoạt động vận chuyển, mua bán gia cầm cần được kiểm soát chặt chẽ hơn |
Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Lạng Sơn thông tin, kể từ giữa tháng 2/2017, gia cầm nhập lậu (chủ yếu là gia cầm giống) qua đường mòn biên giới thuộc xã Yên Khoái, Tú Mịch thuộc huyện Lộc Bình... gia tăng, gây nguy cơ lây lan virus cúm A/H7N9.
Tính đến ngày 5/3, lực lượng QLTT Lạng Sơn đã phát hiện và xử lý 15 vụ buôn lậu gia cầm, thịt gia cầm... không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tịch thu, xử lý 6.500 con vịt giống, 6.000 gà con giống, 2.719 kg thịt - nầm - mỡ - bì lợn, 60 kg chim bồ câu...
Hiện nay, các lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn đang đẩy mạnh tuần tra, lập các chốt kiểm soát ngăn chặn buôn bán, vận chuyển gia cầm nhập lậu tại địa bàn trọng điểm, xử lý vi phạm; tuyên truyền, vận động nhân dân địa phương giáp biên giới ký cam kết không tiếp tay cho buôn lậu gia cầm và sản phẩm gia cầm, tố giác hành vi vận chuyển, buôn bán gia cầm... nhập lậu.
Trên địa bàn tỉnh Lào Cai, tính từ ngày 16/2 đến nay, lực lượng hải quan đã bắt giữ, tiêu hủy 14.040 quả trứng gà nhập lậu; xử lý 1.019 kg sản phẩm cánh gà đông lạnh có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc.
Trước diễn biến phức tạp về dịch cúm A/H7N9 từ Trung Quốc, ngày 6/3, UBND tỉnh Lào Cai đã tổ chức Hội nghị triển khai cấp bách biện pháp phòng, chống, ngăn chặn cúm A/H7N9 và các chủng virus cúm gia cầm nguy hiểm khác có thể lây lan trên địa bàn. Lào Cai đã yêu cầu lực lượng Bộ đội biên phòng, Hải quan ở các cửa khẩu, huyện biên giới phải quản lý chặt chẽ hoạt động nhập khẩu; kiên quyết xử lý hành vi nhập khẩu gia cầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ...
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nông Văn Xứng - Phó trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Cao Bằng cho biết, từ ngày 24/2, UBND tỉnh đã nghiêm cấm vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc (kể cả hình thức cho, tặng); yêu cầu lực lượng Biên phòng, Hải quan, Công an, QLTT và các địa phương giáp biên giới đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát, xử lý triệt để vi phạm; yêu cầu ngành y tế tỉnh chỉ đạo các đơn vị chuyên môn giám sát, phát hiện sớm trường hợp có nguy cơ, nghi nhiễm virus cúm A/H7N9; ngành nông nghiệp chỉ đạo lực lượng thú y, chăn nuôi… tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn phòng chống dịch, kiểm dịch tại gốc để phát hiện sớm và kịp thời các trường hợp có nguy cơ để xử lý.
Quảng Ninh cũng là một tỉnh biên giới thông thương với Trung Quốc, khả năng cúm A/H7N9 lây lan vào địa bàn rất cao. Dù chưa thấy trường hợp nào lây nhiễm, nhưng xác định dịch cúm A/H7N9 lây lan sang người đa phần có liên quan đến việc tiêu thụ, vận chuyển gia cầm, nên từ ngày 23/2, UBND tỉnh Quảng Ninh đã thành lập một đoàn công tác kiểm tra, ngăn chặn kịp thời. Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh cũng đã chỉ đạo lực lượng Công an, QLTT, Hải quan… đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát, vận dụng các chế tài xử lý mạnh để răn đe, ngăn chặn buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm.
Riêng với Móng Cái, ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP. Móng Cái - cho biết, do đặc thù sát biên giới, đoàn liên ngành của thành phố đã chủ động phối hợp với đoàn công tác của UBND tỉnh Quảng Ninh thực hiện phòng chống dịch bệnh, nhập lậu gia súc, gia cầm tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, chợ thực phẩm (chợ 3); đường biên giới tại khu vực Đồn biên phòng Bắc Sơn quản lý (km2, km3)...
Thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc: Dịch cúm gia cầm A/H7N9 trên người tại Trung Quốc đang diễn biến phức tạp và có dấu hiệu gia tăng mạnh, tiềm ẩn nguy cơ lây lan ra ngoài Trung Quốc. |